Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Tướng về hưu’ để lại những ‘Thương nhớ đồng quê’

Văn chương Nguyễn Huy Thiệp như chữ của một người mang sứ mệnh “vác cây thánh giá lên đồi Can-vê”. Từ đáy chữ ấy, ít nhất 3 tác phẩm điện ảnh đã chuyển thể thành công.

Bình luận

Nha van Nguyen Huy Thiep anh 1

Nguyễn Huy Thiệp từ lâu đã không còn chỉ là một cái tên. Bởi vì, ông đã thành một cột mốc văn đàn, trước vốn không có, sau chẳng dễ tìm. Nhà văn được giới mộ điệu gọi là “vua truyện ngắn”, hiện tượng của văn học thời kỳ đổi mới mà sau ấy rất nhiều năm người ta vẫn chưa tìm được một hiện tượng thứ hai.

Biết bao người đã gối đầu giường, đã ghi ra giấy, đã mến mộ chữ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp. Những lớp chữ tầng tầng thi pháp, biến hóa khôn cùng nhưng cũng rất đỗi đời thường, chao chát và mặn hơn muối. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp luôn mang theo góc nhìn và số phận, đôi khi thật đến phũ phàng, khắc nghiệt, đôi khi lại tình, thơ như sâu thoát xác thành bướm, như hoa nở từ đất cằn.

Chất riêng biệt ấy là giá trị mà kịch bản điện ảnh rất cần, có lẽ đó là một trong những lý do ít nhất 3 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã được chuyển thành phim điện ảnh (Những người thợ xẻ, Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê), trong đó có hai phim được nhiều người yêu thích: Tướng về hưu Thương nhớ đồng quê.

Tướng về hưu: Truyện ngắn là “phát súng”, bộ phim là “quả bom”

Tướng về hưu (1987) là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Chính Tướng về hưu với góc nhìn văn chương “độc nhất vô nhị” vào thời điểm đó đã đưa Nguyễn Huy Thiệp thành “của hiếm”, được xếp vào vị trí không phải ai cũng có được.

Tướng về hưu là câu chuyện về một vị thiếu tướng tên Thuấn, niềm tự hào của gia đình, dòng họ Nguyễn và xóm làng. Sau nhiều năm xông pha chiến trường, trận mạc, tự tay chôn 3.000 đồng đội, lính tráng, tướng Thuấn về hưu ở tuổi 70.

Nhưng, vị tướng đã hoàn toàn lạc lõng giữa đời thường, giữa chính mảnh đất của mình. Ông không thể hòa nhập được với một xã hội kim tiền, không kết nối được với người con dâu quá sắc sảo, người con trai nhu nhược. Ông cũng xa lạ với thủ tục cưới xin, ma chay hay những quan niệm mê tín đương thời. “Sao tôi cứ như lạc loài?”, vị thiếu tướng chua chát tự vấn.

Nha van Nguyen Huy Thiep anh 2

Thủy trên phim của Nguyễn Khắc Lợi khiếp đảm hơn nhân vật trong tiểu thuyết.

Ngay từ những trang truyện ngắn, Tướng về hưu đã đầy tính tự sự về thời cuộc, nhịp điệu cuộc sống đương thời chan chát vào nhau và nặng trĩu thông điệp. Là lý do chỉ sau một năm, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã chuyển thể thành công tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thành bộ phim tâm lý xã hội cùng tên.

Những ẩn dụ văn học của Nguyễn Huy Thiệp được Nguyễn Khắc Lợi phơi bày lên màn ảnh, theo cách đời nhất và gai góc nhất. Nàng dâu Thủy (Hoàng Cúc) trong phim không chỉ sắc sảo thu chi, không chỉ đề nghị bố chồng nuôi vẹt kiếm tiền, không chỉ mang nhau thai nhi mà những người phụ nữ phá bỏ về nấu cho chó, cho lợn ăn. Thủy còn sẵn sàng sử dụng uy danh của bố chồng để kiếm chác, chưa kể ngoại tình, lăng loàn trong chính ngôi nhà của mình, trước bố mẹ chồng và người chồng nhu nhược.

Thủy trong phim của Nguyễn Khắc Lợi khiếp đảm hơn. Thủy không xởi lởi “Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen”, cũng không nhận ra lỗi lầm: "Em thật có lỗi với anh, với con" như trong truyện ngắn nữa mà thẳng thừng hơn, ngoa ngoắt hơn, toan tính hơn, bất chấp hơn.

Bản phim có nhiều thay đổi về tình tiết, số phận nhân vật, do vậy, trở nên gai góc và tâm lý hơn truyện ngắn. Tác phẩm của Nguyễn Khắc Lợi đã cho ông Cơ chết và con gái ông tên Lài trở thành kẻ cắp thay vì vẫn an phận với công việc làm thuê trong nhà.

Chẳng là trong phim, tướng Tuấn - một người làm cách mạng - muốn gia đình mình ai cũng được bình đẳng, không còn cảnh “kẻ hầu người hạ”. Vị tướng quyết tâm thúc giục ông Cơ và con gái của ông về quê làm lại cơ đồ vì chẳng gì bằng quê cha đất tổ.

Nhưng ông Thuấn không biết rằng quyết định và niềm tin ngây thơ của mình đã đẩy một người vào chỗ chết - ông Cơ - và một người khác là Lài - xuống vũng bùn của số phận. “Ông rất tốt với bố con cháu. Nhưng cuộc đời không như ông tưởng đâu”, Lài nói với tướng Thuấn trong cảnh gần cuối phim khiến vị tướng ngỡ ngàng, vỡ lẽ.

Bộ phim của Nguyễn Khắc Lợi có những thay đổi về tình tiết để phù hợp, kịch tính hơn và đáp ứng được ngôn ngữ điện ảnh cần có. Song, những sáng tạo này tỏ ra hợp lý và không làm sai mạch thông điệp văn học. Nguyễn Khắc Lợi cho thấy ông không chỉ hiểu và khai thác được chữ của Nguyễn Huy Thiệp mà đã biến chữ nghĩa ấy trở nên sinh động, cuốn hút trên màn ảnh, bằng ngôn ngữ hình ảnh.

Phim Tướng về hưu đã để tướng Thuấn chết vì sốc trước bi kịch kim tiền thay vì để ông được hy sinh ở trận địa như trong truyện ngắn. Kết phim là cảnh Thủy lại tiếp tục nuôi chó becgie, tiếp tục mang nhau thai nhi về làm thức ăn cho vật. Cảnh kết bẽ bàng, chát chúa nhưng quá đỗi cuộc đời.

Phim Tướng về hưu của Nguyễn Khắc Lợi có thể bị cho là đã thiếu một phần chất thơ, nhân văn – điều mà bằng một cách nào đó luôn toát ra sau cùng của văn chương Nguyễn Huy Thiệp ngay cả trong những tác phẩm gai góc nhất. Nghĩa là phũ mà vẫn có nhân tính, hay nói như Đặng Thân, văn chương Nguyễn Huy Thiệp là bất chấp, là “ngập trong bùn, sục tung lên” nhưng cuối cùng vẫn “thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh”.

Nha van Nguyen Huy Thiep anh 3

Nhâm trong phim Thương nhớ đồng quê với diễn xuất của diễn viên Tạ Ngọc Bảo.

Thương nhớ đồng quê: Bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Nhật Minh gặp nhau

Thương nhớ đồng quê ít nổi tiếng hơn Tướng về hưu về số phận trên văn đàn. Tác phẩm không rơi vào trạng thái hiện tượng - cực thích hoặc cực ghét - tức gây tranh cãi như Tướng về hưu hay một số truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp.

Song, Thương nhớ đồng quê bàng bạc, càng đọc càng hấp dẫn mà vẫn mang những đặc trưng bút pháp của nhà văn - một người đã dành phần lớn sự nghiệp để viết về nông thôn, nông dân và những người lao động nghèo trong xã hội.

Thương nhớ đồng quê được Nguyễn Huy Thiệp viết vào năm 1992 và nằm trong chùm truyện ngắn viết về nông thôn của nhà văn cùng với Những bài học nông thôn hay Chăn trâu cắt cỏ. Tác phẩm đã chạm vào cốt tủy tâm hồn muôn thuở của người Việt: Cánh đồng.

Nhưng trên cánh đồng ấy không phải là cảnh đoàn viên, hạnh phúc “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” mà là biết bao lam lũ, đắng cay, thiệt thòi. Những số phận trên cánh đồng, trong ngôi làng ấy mang đặc trưng của tính cách và tâm hồn Bắc Bộ dù mỗi người một vẻ, mỗi nhà một cảnh.

Trong truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp viết dung dị, như lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng tạo ra không thể kể hết những nỗi niềm xao xuyến. Và đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tiếp tục nối dài tình tự xao xuyến ấy trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể cùng tên, ra mắt vào năm 1995.

Đặng Nhật Minh đảm bảo được không gian Bắc Bộ hấp dẫn, đầy gợi cảm và hoài niệm vốn có trong truyện ngắn. Nhưng về phận người, Đặng Nhật Minh đã đặt Nhâm - Ngữ - Quyên vào mối quan hệ thấp thoáng “tay ba” điều mà truyện ngắn không đề cập rõ nét. Song, nhờ vậy, phim trở nên kịch tính, đúng ngôn ngữ điện ảnh hơn.

Nhâm là chàng trai 17 tuổi mới lớn, yêu quê hương vô điều kiện. Nhâm chăm chỉ, thương mẹ, cũng vì thương mà bỏ cả học. Nhâm thân thiện, tốt bụng với xóm làng, được nhiều người yêu quý. Và cũng là một chàng trai lãng mạn, biết làm thơ đang tò mò về tình yêu và những rung động đầu đời.

Gặp Quyên, cô gái đã lênh đênh vượt biên sang Mỹ, đã qua hai đời chồng nhưng xinh đẹp, hiện đại, Nhâm chợt nhận thấy mình đã lớn. Hơn cả, là từ Quyên, Nhâm hiểu ra tình cảm không thể gọi tên mà bấy lâu nay Ngữ - chị dâu – dành cho mình. Trong nỗi niềm vò võ đợi chồng, Ngữ chỉ có Nhâm là chỗ neo đậu duy nhất về mặt tình cảm. Và chính sự xuất hiện của Quyên đã khiến Ngữ lo lắng sẽ mất luôn cả Nhâm.

Nha van Nguyen Huy Thiep anh 4

Đặng Nhật Minh có một số thay đổi về tình tiết so với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

Cái hay của đạo diễn Đặng Nhật Minh là ông đã đặt ba nhân vật vào mối quan hệ tay ba đủ tình mà không lố, đủ day dứt mà không gây bẽ bàng, đủ đời mà không thành phản cảm. Mối quan hệ tay ba ấy lại được đặt trong những cảnh sắc không thể Bắc Bộ hơn với cánh đồng lúa vàng, bánh tro, oản gạo và múa lục cúng trên chùa.

Bắc Bộ hiện lên nguyên sơ mà đẹp đẽ. Và mỗi nhân vật trong đó đều có cái hay riêng, cái dở riêng. Đẹp, đời, mà cũng đầy nỗi niềm bi kịch.

Thương nhớ đồng quê, phim cũng như truyện đều toát lên thông điệp, không ai lam lũ bằng những người nông dân “hai sương một nắng”. Nhưng cũng không ai thiệt thòi bằng họ, từ chiến tranh đến hòa bình. Sản vật nhà nông mất giá “một điếu thuốc lá đánh ngã 10 củ su hào”, “một cân thóc chỉ mua được ¼ lon bia”. Chăm chỉ mà vẫn đói nghèo, sau lũy tre làng, đàn bà vẫn nhiều hơn đàn ông vì trai tráng phải sinh kế nơi xa, thậm chí như Kỷ chẳng thư từ gửi về, chẳng tăm hơi tung tích.

Nặng trên vai những người nông dân dung dị là mối lo cơm áo, gạo tiền lẫn những bi kịch bất ngờ ập đến. Rồi họ lại phải gượng dậy sau những nỗi đau chung, như sự ra đi của hai bé gái vì tai nạn, họ cùng đi qua những đớn đau, mất mát, thiệt thòi. Họ vịn vào nhau trong tình làng nghĩa xóm, cùng đi qua những biến thiên của thời cuộc.

Đoạn kết Thương nhớ đồng quê là cảnh Nhâm lên đường nhập ngũ. Chị Ngữ chạy với theo Nhâm để tặng một chiếc bút và cuốn sổ. Trên chuyến xe băng băng chạy, Nhâm thầm nói với Minh (cô em gái đã mất vì tai nạn): “Minh ơi, anh đã hết tuổi 17 rồi, người ta nói đó là tuổi đẹp nhất của đời người, không biết có đúng không. Em chẳng có tuổi 17 nên chẳng thể nào biết được, Minh nhỉ”. Từ đâu đó, tiếng Minh vọng lại như bao lần cô bé nói: “Em biết anh đi đâu rồi nhưng em không nói”.

Nhâm sau đó mở balo lấy cuốn sổ mà chị Ngữ mới tặng và viết những dòng đầu tiên: “Tôi tên là Nhâm, tôi thương nhớ làng quê của tôi và tôi sẽ trở về”. Cùng lúc ấy, trên cánh đồng, chị Ngữ một mình cặm cụi cấy, mồ hôi vẫn ướt đầm vai áo.

Nha van Nguyen Huy Thiep anh 5

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm