Một trong những lý do khán giả xem phim là gì?, diễn viên gạo cội Michael Caine của Người Mỹ trầm lặng từng nói: “Người ta đi xem phim để thấy chính mình trên màn ảnh. Do vậy, là một diễn viên, bạn phải làm sao để khán giả đồng cảm với bạn. Bạn không thể giơ bức ảnh lên và nói: Đây là tôi nè, thay vào đó, bạn cần giơ chiếc gương lên và nói: Đây chính là các bạn”.
Giáo sư điện ảnh Timothy Corrigan trong cuốn Writing albout Film (Viết về phim) cũng đề cập đến khái niệm tạo ra sự đồng cảm trong điện ảnh. Song, nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đôi khi chính điều này khiến người xem lờ đi chất lượng nghệ thuật, đặc biệt là yếu tố dựng, dàn cảnh.
Cuộc đua giữa Bố già và Gái già lắm chiêu V đang diễn ra ngoài rạp Việt có thể nói lên nhiều điều về câu chuyện tạo ra đồng cảm trên màn ảnh.
Trấn Thành tạo ra được sự đồng cảm trong phim của mình. |
Chuyện tạo ra sự đồng cảm từ “Bố già” và “Gái già”
Nhà nghiên cứu điện ảnh Ray FrenSham trong cuốn Screenwriting (Kịch bản) đã đúc kết 5 cách để một bộ phim nói chung có thể tạo nên sự đồng cảm, bao gồm: Một, sự thông cảm về nhân vật; hai là đặt nhân vật vào trong cảnh hiểm nghèo; ba là tạo sự đáng yêu cho nhân vật; bốn là kích thích sự tò mò về nhân vật và cuối cùng là tạo ra yếu tố bất bình đẳng trong phim.
Trấn Thành dường như đi theo đúng công thức này trong việc tạo ra kịch bản Bố già. Anh đã đặt nhân vật Ba Sang vào trung tâm nạn nhân của một sự việc bất hạnh, không may mắn: Phá sản, phải đi làm thuê vất vả, vợ bỏ đi, gà trống nuôi con và cuối cùng là mắc trọng bệnh.
Thực ra, nhiều phim đã đi theo mô-típ xây dựng nỗi bất hạnh của nhân vật chính kiểu như vậy nhưng tác phẩm của Trấn Thành vẫn “ăn khách” vì đơn giản công thức tạo ra sức đồng cảm vẫn dễ dàng được đón nhận ở các bộ phim.
Ở khía cạnh thông cảm cho nhân vật, Gái già lắm chiêu V lại chưa làm được. Phim xây dựng đời sống vương giả, giàu có. Nữ chính quyền lực, cao sang, hào nhoáng và đạo diễn dường như không đặt mục tiêu trong việc khán giả phải đồng cảm với nhân vật. Đó có thể đơn giản chỉ là lựa chọn của người làm phim.
Tuy nhiên, tác phẩm của Nam Cito và Bảo Nhân cũng vẫn xuất hiện một trong những lựa chọn mà Ray FrenSham đã đề ra, đó là tạo ra sự đáng yêu cho nhân vật. Nhân vật đảm đương vai trò này là Lý Lệ Hồng với diễn xuất của NSND Hồng Vân. Màn thể hiện duyên dáng của Hồng Vân để tạo ra nhiều mảng miếng gây cười cho bộ phim.
Bố già của Trấn Thành cũng hoàn thành tốt điểm này. Phim thậm chí khá nhiều nhân vật được nhận xét đáng yêu, hài hước như Ba Sang của Trấn Thành, Cẩm Lệ của Lê Giang. Thậm chí nửa đầu phim của Trấn Thành còn giống như một bộ phim hài.
Yếu tố thứ 4 mà nhà nghiên cứu điện ảnh Ray FrenSham chỉ ra trong việc tạo ra sự đồng cảm trên màn ảnh là “Kích thích trí tò mò của chúng ta về nhân vật”. Ở điểm này, Gái già lắm chiêu V được cho là làm tốt hơn Bố già. Bởi lẽ, diễn biến tâm lý và hành động của nữ chính Lý Lệ Hà kịch tính, mang đến nhiều bất ngờ, trong khi Ba Sang của Trấn Thành vẫn mang công thức dễ đoán về ứng xử giữa cha và con, “nước mắt chảy xuôi”, "cá chuối đắm đuối vì con".
Song, điểm then chốt trong việc tạo ra sự đồng cảm ở Bố già là yếu tố bất bình đẳng. “Chúng ta luôn cảm thấy đồng cảm với ai đó bị chà đạp, áp bức không chính đáng”, tác giả của Screenwriting chỉ ra thực tế cảm xúc của khán giả khi xem phim.
Bố già đã đặt Ba Sang vào trong một đại gia đình hỗn loạn, phức tạp, sân si. Ông Ba Sang tử tế và thương yêu gia đình lớn của ông bao nhiêu thì các thành viên khác trong gia đình lại toan tính, ích kỷ, lợi dụng ông bấy nhiêu.
Chính điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng cho phim. Mặc dù cách xây dựng bất bình đẳng kiểu này có thể gặp ở không ít phim Việt về đề tài gia đình, tác phẩm của Trấn Thành vẫn chạm đến cảm xúc của bộ phận không nhỏ khán giả.
Gái già lắm chiêu V có thể thành công hơn nếu ra vào thời điểm khác, với cuộc đua khác. |
Chất lượng hai phim tương xứng, tại sao doanh thu quá chênh lệch?
Cuộc đua giữa Bố già và Gái già lắm chiêu V được giới quan sát điện ảnh đánh giá là thú vị. Đạo diễn Nhất Trung nói với Zing rằng không chỉ riêng Bố già mà Gái già lắm chiêu V cũng đã góp phần kéo khán giả ra rạp.
Song, đến hiện tại, Bố già đã vượt trội hơn hẳn Gái già lắm chiêu V về doanh thu. Theo Boxoffice, một đơn vị kiểm toán độc lập, Gái già lắm chiêu V đến chiều 18/3 có doanh thu phòng vé là hơn 36 tỷ đồng, trong khi Bố già đã vượt qua con số 250 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần.
Dù chênh lệch về doanh thu, chất lượng của Bố già và Gái già lắm chiêu V được đánh giá là tương đương. Thậm chí, xét về mức độ đầu tư, sáng tạo bối cảnh, chất lượng diễn xuất, tác phẩm của Nam Cito và Bảo Nhân còn nhỉnh hơn bộ phim chiếu rạp của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng.
Bố già nổi bật hơn trong việc tạo ra sự đồng cảm, điều mà ở Gái già lắm chiêu V trong cuộc đua này lại không tính đến hoặc chưa tạo ra được. Nhiều ý kiến cho rằng Gái già lắm chiêu V nếu ra vào một thời điểm khác, trong một cuộc đua khác, có thể hoàn toàn xứng đáng đạt được thành tích tốt hơn về doanh thu.
Có thể thấy những dấu ấn riêng ở Gái già lắm chiêu V về thủ phạm dựng, trong khi đó lại không phải là điểm mạnh của Bố già.
Song, như giáo sư điện ảnh Timothy Corrigan phân tích trong cuốn Writing albout Film (Viết về phim): "Lý do chính khiến chúng ta đánh giá thấp hoặc lờ đi yếu tố dựng, dàn cảnh trong điện ảnh là vì ảo tưởng mạnh mẽ về tính hiện thực".
Tác giả của cuốn Writing albout Film cho rằng chính ảo tưởng về tính hiện thực ở một bộ phim khiến người xem tin rằng những hình ảnh đó thuộc về một thế giới hàng ngày, cái thế giới đơn giản là “ở đấy” - một thế giới chúng ta biết và quen thuộc. "Nhưng nói ngắn gọn đó cũng là một loại hình dàn cảnh", Timothy Corrigan kết luận.