Tại Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ 5, khóa XI (2019-2024), sáng 7/1, thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM) đã có nhiều góp ý cho hoạt động của Ủy ban MTTQ trong giai đoạn tới. Ông Minh nêu thực tế nhiều người dân chưa bằng lòng với kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí của MTTQ thời gian qua.
"Hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí của MTTQ hầu hết chỉ dừng lại ở tuyên truyền. Mà những người có khả năng tham nhũng thì phải biết cái gì được làm, cái gì không được làm, chứ cần gì chờ MTTQ tuyên truyền nữa", tướng Minh nhận định.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Ông đề xuất năm tới, MTTQ cần lưu ý dư địa rất rộng của phòng, chống lãng phí và MTTQ cần làm từ dễ tới khó.
Ở cấp phường, xã, Ủy ban MTTQ có thể giám sát các công trình đầu tư không đồng bộ bằng ngân sách Nhà nước. Ví dụ như làm cầu qua sông mà không có đường dẫn; hoặc công trình vướng đền bù giải tỏa nên có nút thắt cổ chai; hay các công trình kéo dài quá hạn mà không khởi công. Đây đều là những dấu hiệu gây lãng phí lớn mà MTTQ có thể giám sát.
Ở cấp thành phố, thiếu tướng Minh đề xuất có thể giám sát các vấn đề khó hơn. Ví dụ như hút cát trong các dự án nạo vét sông có trái phép hay không; hoặc mâu thuẫn về việc chi ngân sách trong xử lý chất thải theo đơn giá phân loại và tái chế, thế nhưng, phương tiện thu gom vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cuối bài phát biểu, ông Minh nêu phản ánh của một số doanh nghiệp về việc trong giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ, TP đang bỏ lỡ cơ hội đầu tư do ngần ngại, không dám ra quyết định liên quan đến đất đai.
"Hiện nay, tại 3 quận của TP Thủ Đức, nhiều cán bộ đã dừng lại và chỉ giải quyết các chuyện cấp bách, còn lại đợi nhân sự, đợi cơ chế. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ lãng phí", ông Minh kể lại tâm sự của một số cán bộ.
Với những quan điểm trên, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh thành phố còn dư địa rất lớn trong vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí mà MTTQ cần tham gia giám sát.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải. Ảnh: H.V. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhắc lại năm 2020 là năm thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng hệ thống chính trị đã cố gắng duy trì các hoạt động ở mức bình thường.
Dịch Covid-19 khiến nhiều nước rơi vào suy thoái và Việt Nam là nơi hiếm hoi có tăng trưởng dương. Trong đó, riêng tại TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 1,39% so với cùng kỳ.
Nói về mục tiêu năm 2021, ông Hải nhấn mạnh đây là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với cả nước cũng như thành phố. Cụ thể như bầu cử; thực hiện các nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.
Từ các công việc này, ông Hải đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cho UBMTTQ như: Ban hành kế hoạch để triển khai chủ đề năm 2021 của TP; đổi mới phương thức hoạt động; tăng giám sát, phản biện xã hội; tăng cường tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng không gian văn hóa TP.HCM.
Cuối hội nghị, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đã hiệp thương bổ sung 10 nhân sự mới làm Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ XI (2019 - 2024). Như vậy, UBMTTQ Việt Nam TP khóa XII đã có 138 ủy viên.
10 tân Ủy viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ XI:
1. Ông Phạm Thành Lộc, nông dân tiêu biểu
2. Ông Đặng Lợi Hoan, trí thức tiêu biểu
3. Ông Nguyễn Quốc Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 6
4. Bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 8
5. Ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 12
6. Ông Trần Đức Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình
7. Bà Đặng Thị Hồng Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Phú
8. Ông Thân Trọng Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Gò Vấp
9. Bà Trương Kim An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nhà Bè
10. Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi