Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Nga: Mỹ dùng lá chắn tên lửa để tấn công phủ đầu

Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo của Nga, tạo cơ hội tung đòn tấn công bất ngờ vào Moscow hay các quốc gia khác.

Tại Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 8, tổ chức tại Nga, trung tướng Viktor Poznikhir, phó chỉ huy Tổng cục Tác chiến, Bộ tổng Tham mưu, quân đội Nga, cảnh báo Mỹ đang triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới Nga để có cơ hội thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Nga, hãng tin TASS cho biết.

“Việc triển khai lá chắn tên lửa gần lãnh thổ chúng tôi tạo ra tiềm năng mạnh mẽ cho Mỹ để có thể tấn công bất ngờ, phía bị tấn công sẽ không thể đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào Liên bang Nga”, tướng Poznikhir nói.

Vị tướng cho biết thêm Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để có cơ hội giáng đòn không thể đáp trả vào bất kỳ quốc gia nào mà họ không thích. Trước đó, tướng Poznikhir từng giải thích Mỹ đang tạo ra khái niệm sự hủy diệt trước khi phóng đối với tên lửa đạn đạo của Nga và Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia khác.

La chan ten lua My de doa Nga anh 1
Trung tướng Viktor Poznikhir, phó chỉ huy Tổng cục Tác chiến, Bộ tổng Tham mưu, quân đội Nga. Ảnh: TASS.

Tướng Poznikhir cũng cảnh báo các quốc gia đang cho phép Mỹ triển khai các thành phần của lá chắn tên lửa sẽ trở thành mục tiêu hủy diệt ưu tiên. Bên cạnh đó, việc đánh chặn tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân sẽ gây ra ô nhiễm phóng xạ cho chính quốc gia nơi đặt hệ thống đánh chặn của Mỹ. Đồng thời các quốc gia không liên quan đến lá chắn tên lửa của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vô hiệu hóa tên lửa ngay trên bệ phóng

Mỹ đang xây dựng khái niệm đánh chặn trước khi phóng nhằm tiêu diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác ngay khi tên lửa còn nằm trên bệ phóng. Theo tướng Poznikhir, Mỹ có kế hoạch tạo ra một tàu vũ trụ với vũ khí phòng thủ có thể bắn trúng tên lửa đạn đạo trong giai đoạn đầu của chuyến bay.

Kế hoạch này thực chất là làm sống lại khái niệm chiến tranh giữa các vì sao từng được triển khai dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Tướng Poznikhir lưu ý khả năng sử dụng các phương tiện này để thực hiện cuộc tấn công phủ đầu vào Nga và Trung Quốc, hay các quốc gia khác cũng không thể loại trừ.

La chan ten lua My de doa Nga anh 2
Hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Romania. Ảnh: AFP.

“Phân tích hành động của họ cho thấy người Mỹ có ý định đạt được ưu thế chiến lược bằng cách thực hiện cái gọi là đánh chặn trước khi phóng, khi đa số tên lửa đạn đạo phải bị phá hủy ngay cả trong các bệ phóng”, tướng Poznikhir nói. Với các tên lửa còn sót lại sau cuộc tấn công bất ngờ của Mỹ sẽ bị các hệ thống phòng thủ tên lửa chặn lại.

Mỹ đang tích cực xây dựng phân khúc phòng thủ tên lửa ở châu Âu, đặc biệt là ở Ba Lan với hệ thống Aegis Ashore. Một tổ hợp như vậy đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở Romania. Mỹ cũng đang xúc tiến triển khai Aegis Ashore ở châu Á – Thái Bình Dương cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Tướng Poznikhir lưu ý thêm, ngoài hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất, Washington cũng đang tích cực phát triển thành phần đánh chặn trên biển. Hệ thống Aegis BMD trên các tàu khu trục, tuần dương hạm Aegis của Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn giữa của chuyến bay.

Các chiến hạm Aegis của Mỹ được trang bị ống phóng thẳng đứng đa năng Mk41 có thể phóng tên lửa đánh chặn và tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn hơn 2.500 km và có thể lắp đầu đạn hạt nhân mới đang phát triển.

Tướng Poznikhir cảnh báo việc Mỹ chế tạo đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới và có thể sử dụng chúng trong chiến đấu sẽ kích thích quốc gia khác có được vũ khí tương tự, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới, gồm đầu đạn hạt nhân.

Các biện pháp đối phó của Nga

Nga đã thực hiện các bước thích hợp để chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm việc chế tạo các tên lửa có khả năng xuyên thủng lá chắn của Mỹ như tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và phương tiện bay siêu thanh Avangard.

La chan ten lua My de doa Nga anh 3
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, vũ khí chiến lược của Nga để đối phó lá chắn tên lửa của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Theo tướng Poznikhir, trong bối cảnh Mỹ triển khai vũ khí phòng thủ và tấn công quy mô lớn gần biên giới, Nga cần phải có biện pháp “trả đũa thích đáng”. Tướng Poznikhir nhắc lại các biện pháp như vậy đã được Tổng thống Vladimir Putin đề cập trong Thông điệp Liên bang.

Trước hết, các biện pháp đáp trả bao gồm trang bị cho lực lượng tấn công chiến lược với các hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn để vượt qua lá chắn tên lửa. Tướng Poznikhir nhấn mạnh rằng người đứng đầu nhà nước Nga không muốn tạo ra cuộc chạy đua vũ trang và kêu gọi Mỹ trở lại bàn đàm phán về phòng thủ tên lửa và tìm kiếm các giải pháp chấp nhận lẫn nhau.

Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 8 diễn ra tại Moscow từ ngày 23-25/4. Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề quan trọng trong việc hình thành quan điểm về an ninh quốc tế. Hội nghị sẽ tổ chức cuộc trao đổi quan điểm về các mối nguy hiểm và đe dọa quân sự hiện tại, bao gồm cải tiến hệ thống kiểm soát vũ khí.

Hội nghị có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng 35 nước và hơn 1.000 chuyên gia đến từ 100 quốc gia.

TT Putin khoe tên lửa hạt nhân nguy hiểm nhất của Nga sắp triển khai

Tên lửa đạn đạo Sarmat cùng một số vũ khí tối tân khác của Nga đã trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, sẵn sàng cho việc triển khai trực chiến trong thời gian tới.

Nga chỉ trích Nhật phá quan hệ khi triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ nước này sẽ gây tổn hại tới quan hệ song phương giữa Tokyo và Moscow.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm