Phát biểu tại một hội nghị quân sự thường niên hôm 24/9, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho biết các căn cứ và khí tài quân sự Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương hiện quá tập trung ở Nhật Bản và Guam, hai địa điểm nằm hoàn toàn trong tầm hỏa lực của tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Tướng Berger cho rằng Washington cần phân tán lực lượng ra các điểm khác ở Tây Thái Bình Dương. Theo ông, việc đó sẽ cho phép Mỹ phối hợp với các đối tác và đồng minh trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang tăng cường khẳng định sức mạnh bằng cách "viết lại các chuẩn mực toàn cầu đã được thiết lập trong 70 năm qua".
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và tàu chiến Nhật Bản tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên năm 2017. Ảnh: AP. |
Bố trí lực lượng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đã được thiết lập từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên. Tướng Berger cho rằng chiến lược này hiện đã lỗi thời bởi sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.
"Cách bố trí này sẽ không ổn trong 10 hoặc 20 năm tới. Chúng ta cần xem xét lại", ông Berger nói.
Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng chiến lược mới cần phân tán lực lượng ở khu vực địa lý rộng lớn hơn, mở rộng các mục tiêu tiềm năng, khiến đối thủ gặp khó khăn nếu có ý định tấn công.
Căn cứ Hạm đội 7 của Mỹ hiện đặt ở Yokosuka, với một tiền đồn ở Sasebo, Nhật Bản. Trong khi đó, các căn cứ Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ phần lớn đặt ở Okinawa. Cả 3 thành phố này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc.
Trong khi đó, tên lửa DF-26 và máy bay ném bom H-6K đều đủ khả năng tấn công đảo Guam, nơi đặt căn cứ quân sự Andersen cực kỳ quan trọng của Mỹ.
Giới quan sát đánh giá Mỹ có thể lựa chọn một số địa điểm để tái bố trí lực lượng, bao gồm vịnh Subic và căn cứ Clark trên đảo Luzon của Philippines. Puerto Princesa tại đảo Palawan cũng có thể là một lựa chọn cho kế hoạch tái bố trí của Mỹ.