“Chúng tôi hoan nghênh các đối tác cùng chí hướng tham gia RIMPAC nhưng việc chúng tôi có thể gửi giấy mời cho ai là vấn đề chính sách do các cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ quyết định”, Phó đô đốc Boyle - chỉ huy RIMPAC 2022 - nói trong buổi họp báo sáng 4/8.
“Khi có sự cho phép, chúng tôi hoan nghênh cơ hội có Đài Loan tham gia, cũng như cách chúng tôi hoan nghênh tất cả đối tác cùng chí hướng khác tham gia RIMPAC”, ông Boyle nói.
Tàu hải quân nhiều nước tham gia RIMPAC 2020. Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương. |
Ông Boyle có câu trả lời trên trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vừa kết thúc chuyến thăm gây chú ý tới đảo Đài Loan vào một ngày trước đó. Chuyến thăm khiến Trung Quốc phản đối gay gắt.
Đài Loan chưa bao giờ được mời tham dự RIMPAC, hoạt động diễn tập hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn dắt và tổ chức hai năm một lần.
Phó đô đốc Hải quân Mỹ Michael Boyle, chỉ huy Hạm đội số 3 và chỉ huy RIMPAC 2022. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tháng 12/2021, Hạ viện và Thượng viện Mỹ cùng thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho năm tài khóa 2022, trong đó có khuyến nghị chính quyền ông Biden mời Đài Loan tham gia RIMPAC 2022 để tăng cường ủng hộ hòn đảo trước các “hành vi ngày càng cứng rắn”.
Dù vậy, chính quyền Biden không gửi lời mời hòn đảo tham gia RIMPAC năm nay, vốn diễn ra trong các ngày 29/6-4/8 tại vùng biển gần Hawaii và Nam California, Mỹ.
RIMPAC được khởi xướng từ năm 1971. RIMPAC năm nay có sự tham gia của 38 tàu bề mặt, 4 tàu ngầm, 170 máy bay và 25.000 nhân sự tới từ 26 quốc gia như Canada, Chile, Colombia, Đan Mạch, Ecuador, Israel, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Sri Lanka, Tonga và Vương quốc Anh…