Phó đô đốc John M.Bird, cựu tư lệnh Hạm đội 7, Hải quân Mỹ cho biết Mỹ cần mở rộng khả năng hạt nhân ở Thái Bình Dương sang Nhật Bản để giảm bớt mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời sử dụng nó làm quân bài thúc đẩy Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên chắc chắn sẽ không từ bỏ khả năng hạt nhân của mình, do đó vũ trang hạt nhân cho Nhật Bản sẽ tạo thế cân bằng, buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách đòi Mỹ rút hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD triển khai ở Hàn Quốc", SCMP dẫn lời Phó đô đốc Bird nói trong buổi thuyết trình có tiêu đề “Bài học về Triều Tiên cho Nhật Bản” do Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ tổ chức.
Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng với việc Bình Nhưỡng tuyên bố đe dọa tấn công căn cứ đảo Guam của Mỹ. Washington Post cho hay Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân lắp vừa trên tên lửa. Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ là một thực tế và Washington phải chấp nhận điều này và thay đổi chiến lược đối với Bình Nhưỡng.
Cựu chỉ huy Hải quân Mỹ đề xuất đưa vũ khí hạt nhân đến Nhật Bản để kiềm chế Triều Tiên. Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
"Chúng ta nên đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Tây Thái Bình Dương, tạo ra những điều kiện cho thấy Nhật Bản không còn nằm dưới bóng 'cái ô hạt nhân' của Mỹ và có thể đi theo con đường riêng của họ", cựu chỉ huy Bird nói.
Cựu tư lệnh Hạm đội 7 cho biết thêm vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Nhật Bản sẽ đảm bảo khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên trong một số điều kiện. Ông Bird cho rằng điều đó sẽ đánh vào lợi ích của Trung Quốc, buộc họ phải cân bằng với Triều Tiên. Đây sẽ là công cụ ngoại giao tạo ra sự khác biệt.
Nhật Bản duy trì hiến pháp hòa bình từ khi Thế chiến II kết thúc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tokyo bắt đầu thay đổi hiến pháp nhằm đối phó với tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Năm ngoái, chính phủ Nhật cho hay hiến pháp quốc gia này không có điều khoản rõ ràng ngăn cấm Nhật Bản sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Shinzo Abe từng nói ông rất quan tâm đến việc Nhật Bản đóng vai trò chủ động hơn trong việc gìn giữ hòa bình và đảm bảo an ninh ở các điểm nóng trên thế giới. Mỹ đang muốn Nhật Bản chia sẻ gánh nặng duy trì an ninh của Tokyo, do đó tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân là điều hợp lý.
Phó đô đốc Bird cùng với cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stephen Rademaker, người chủ trì buổi thuyết trình, nói về thực tế địa chính trị mới rằng Triều Tiên đã thúc đẩy các hoạt động chống Mỹ và các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bình Nhưỡng cũng đang cho thấy sự độc lập đối với Bắc Kinh, vốn bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 8. Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu than đá, quặng sắt và một số mặt hàng quan trọng từ Triều Tiên.
Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giờ đây là “nhiệm vụ bất khả thi”. Bình Nhưỡng đã ghi trong hiến pháp rằng họ là quốc gia có vũ khí hạt nhân. “Chúng ta cần phải thay đổi mục tiêu và áp dụng các biện pháp để kiềm chế khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng”, Rademaker nói.
Tuy vậy, một số nhà phân tích hoài nghi chính sách "cây gậy và củ cà rốt" sẽ có hiệu quả đối với Trung Quốc. Vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản thậm chí có thể làm cho bất ổn ở Đông Bắc Á trở nên tồi tệ hơn.