Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Lê Đông Phong: Phải khó khăn lắm mới khởi tố được vụ Alibaba

Tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết cơ quan điều tra rất khó khăn mới khởi tố được vụ án Alibaba. Nhiều người dân bị hấp dẫn bởi mức lãi suất nên bị lừa.

  • Sáng 9/12, HĐND TP.HCM chất vấn về vấn đề môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
  • Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn liên quan đến ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai, quản lý rác thải.
  • Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong trả lời câu hỏi về tình hình tội phạm, an ninh trật tự, các vụ án lớn tại TP.HCM thời gian gần đây.
  • Nhập nội dung bài viết...

  • HĐND TP.HCM chất vấn về ô nhiễm môi trường

    Sáng 9/12, HĐND TP.HCM chất vấn các lãnh đạo sở về vấn đề ô nhiễm môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Lãnh đạo Sở TNMT và Công an TP.HCM sẽ đăng đàn trả lời chất vấn sáng nay.

    Trao đổi với Zing.vn bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 17 khóa IX, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho biết ô nhiễm không khí tại TP.HCM là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong kỳ họp này. Theo bà Lệ, HĐND sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) giải trình việc đến năm 2022, TP.HCM mới có hệ thống quan trắc môi trường tự động.


  • Đại biểu Trần Quang Thắng nêu vấn đề về các trạm quan trắc không khí tại TP, nếu mang tính đại diện thì phải ở đầy đủ các điểm và toàn thời gian thì mới có ý nghĩa. Đại biểu đặt thêm câu hỏi về trường hợp phản ánh hơn 73 ha của Cần Giờ bỗng dưng biến mất, đại biểu muốn nghe ý kiến về Sở TNMT và các đơn vị liên quan về vấn đề này.

    Đại biểu Lê Minh Đức đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất, bà con cử tri bức xúc với chủ đầu tư trong cấp giấy chứng nhận nhà ở và quyền sử dụng đất. Thủ tướng Chính phủ đã có 5 mức xử phạt cho vấn đề này. Trong thời gian tới, sở sẽ có giải pháp thể nào để cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ chung cư của người dân dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng?

    Vấn đề thứ 2, hiện người dân hồ hởi trong cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng khi nhận thủ tục hồ sơ rồi thì quá trình nhân giải quyết cán bộ còn nhắn tin, hẹn lên giải quyết hiểu lầm. Mỗi lần hẹn nửa tháng. Có cử tri được hẹn 4 lần và cán bộ nói rằng đang tham mưu thôi. Vậy chúng ta sẽ giải quyết thế nào để người dân yên tâm, hiểu biết hồ sơ đang thiếu gì?

  • Chế tài các cơ sở gây ô nhiễm như thế nào?

    Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu trao đổi 3 vấn đề. Thứ nhất, TP hiện đang tập trung chỉ đạo về tăng cường bảo vệ môi trường, trong đó có thu gom rác. Chúng ta có chủ trương chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập lên hợp tác xã, doanh nghiệp và chuyển đổi phương tiện thu gom. Hiện Sở TNMT đang có phương án nào để hỗ trợ người thu gom rác các vấn đề này?

    Thứ 2 TP đặt mục tiêu năm 2020, 100% TP được tiếp cận nước sạch, không còn khai thác nước ngầm. Sở thực hiện như thế nào?

    Thứ 3, hiện trong TP vẫn còn cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư. Biện pháp của chúng ta để di dời và chế tài như thế nào? Xin sở cho giải pháp?

    Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van hdnd hcm anh 1

  • 17.000 trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất

    Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân các chung cư, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện còn 17.000 trường hợp không được cấp giấy chứng nhận do liên quan đến vi phạm. Sở TNMT sẽ phối hợp cùng Sở Xây dựng phân loại giải quyết. Các trường hợp gồm: người dân chưa chuyển mục đích đã xây dựng; xây dựng sau phép; có tranh chấp khiếu nại liên quan đến ranh cần giải quyết bằng tòa án; mua bán bằng giấy tay.

    Ngoài ra có nhiều trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành được thủ tục để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cho người dân do chủ đầu tư thế chấp ngân hàng giấy chứng nhận quyền sở hữu. Theo nguyên tắc, chủ đầu tư có quyền thế chấp, tuy nhiên xây xong cần nộp tiền lấy giấy đó ra nhưng nhiều chủ đầu tư không thực hiện.

    Vừa rồi TP đã có 1 giải pháp tổng thể là cho phép phối hợp cùng ngân hàng để rút giấy chứng nhận ra để cấp cho người dân. Ngoài ra, Sở TNMT cũng phối hợp với Sở Xây dựng cảnh báo người dân quan tâm đặc biệt đến vấn đề giấy chứng nhận và các trách nhiệm của chủ đầu tư theo hợp đồng trong mua bán dân sự. Đối với trường hợp không cấp giấy do chủ đầu tư xây dựng sai với giấy phép, khi đó không thể nghiệm thu để cấp giấy.

    Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van hdnd hcm anh 2

  • Đốt rác, có phải TP lại chuyển từ ô nhiễm rác sang ô nhiễm khói thải?

    Đại biểu Vũ Thanh Lưu đặt 3 câu hỏi. Thứ nhất, về công nghệ xử lý rác, đốt rác thành điện. Dự kiến đến năm 2020 phải xử lý 50% số rác trong 1 ngày. Hiện TP có 9.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày nhưng mới có 1 nhà máy thì đến năm 2020 thì TP đủ khả năng xử lý 50% rác thải để biến thành điện năng hay không? Và khi biến rác thành điện năng, tạo ra khí thải thì xử lý thế nào để tránh chuyển từ ô nhiễm rác sang ô nhiễm khói thải?

    Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đặt 2 câu hỏi. Trong báo cáo của UBND năm 2019, chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 89,23%. Vậy sở gặp khó khăn gì khi không thể hoàn thành dự toán, hướng xử lý như thế nào? Trước đây, TP cam kết năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50%. Hiện TP đang ở tỷ lệ bao nhiêu và có giảm được tỉ lệ như đã cam kết không?

    Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van hdnd hcm anh 3

  • Năm 2020 đốt rác phát điện 50% lượng rác/ngày là khả thi

    Trả lời đại biểu về việc xử lí đốt phát điện 50% rác vào năm 2020, Giám đốc sở cho biết hiện đốt rác không phát điện chiếm 21%, đốt rác phát điện chiếm 16%, tức là cần hơn 34% nữa để đạt 50% lượng rác được đốt phát điện.

    Hai nhà máy rác khởi công từ tháng 10 và cuối năm 2020 là hoạt động, Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, dự kiến mỗi nhà máy xử lý được 4.000 tấn. Thêm nữa, nhà máy xử lý rác Fasco sắp khởi công cũng xử lý 4.500 tấn/ngày. Như vậy, lộ trình sẽ đảm bảo. Nếu lệch 1-2 tháng thì Giám đốc Sở mong HĐND thông cảm.

    Nói về lo lắng của đại biểu về vấn đề ô nhiễm không khí khi chuyển sang đốt rác, đại diện sở cho biết trình tự chuyển đổi công nghệ rất chặt chẽ, phải qua Sở khoa học công nghệ giám sát máy móc và có đề án đánh giá tác động môi trường hàng quý hàng năm để đảm bảo. Đốt trong môi trường kín và nhiệt độ trên 800 độ C nên không còn khí ô nhiễm mà đại biểu lo lắng.

    Về việc tăng mức xử phạt hành vi vi phạm lĩnh vực môi trường, Giám đốc Sở ghi nhận và cho rằng mức xử phạt hiện tại là phù hợp. Tuy nhiên, sở thừa nhận chỉ 4.000 trường hợp bị xử phạt trong 1 năm, trong đó 3.000 trường hợp là nhắc nhở. Sở thừa nhận là quá ít và cho biết nguyên nhân do lực lượng xử phạt còn thiếu. Hiện sở tiến hành phân cấp trách nhiệm địa phương để giải quyết xử phạt hiệu quả và triệt để hơn.

  • Chủ đầu tư phản ứng vì Sở TNMT công khai thông tin thế chấp

    Về vấn đề phối hợp với ngân hàng xử lý trách nhiệm đối với các dự án chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm mất quyền của người dân, lãnh đạo sở cho biết vừa rồi ngành tài nguyên môi trường đã công khai danh sách chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng và yêu cầu ghi rõ trong thỏa thuận buôn bán với người dân. Sau đó, nhiều chủ đầu tư phản ứng vì đưa thông tin này nhưng lãnh đạo sở cho rằng việc này là cần thiết để người dân biết thông tin.

    Về phản ánh chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất, sở cho biết đang gặp vướng mắc do trình tự hướng dẫn thời gian thủ tục để phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không đầy đủ. Bộ TNMT đã ghi nhận kiến nghị của TP về vấn đề này và đang bổ sung quy định. Do đó, dù nhiều địa phương vướng mắc, kiến nghị sở thì sở cũng không có thông tin để trả lời. Về dự án chậm triển khai, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 21 TP đã chỉ đạo rà soát 2.800 dự án và đã đưa 160 dự án chậm triển khai khỏi kế hoạch để xử lý, đảm bảo quyền lợi người dân. Năm 2019 chưa kết thúc năm nên sở sẽ bổ sung dự án có trong kế hoạch mà chậm.

  • Giám đốc Công an TP.HCM trả lời chất vấn

    Tiếp sau Giám đốc Sở TNMT là phần trả lời chất vấn của Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong. Ông Phong cho biết đây là lần đăng đàn thứ 2 của ông tại kỳ họp của HĐND khoá IX, cho thấy sự quan tâm của cử tri đối với vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn. 

    Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 7/12, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến TP.HCM cần có giải pháp trước tình hình số lượng ma túy thu giữ được trong các vụ án gần đây ngày càng lớn. Ngoài ra, các vụ án liên quan tín dụng đen, vay nặng lãi ngày càng có diễn biến phức tạp.

    Theo số liệu của Công an TP.HCM, trong 11 tháng đầu năm, trên địa bàn có khoảng 4.000 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, giảm 360 vụ so với cùng kỳ; các đơn vị điều tra, phá 3.080 vụ. Tỷ lệ khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là 88,75%, Công an TP.HCM đã triệt phá 661 nhóm tội phạm hình sự.

  • Tình hình phạm pháp hình sự tại TP.HCM kéo giảm 8,25%

    Báo cáo trước HĐND, trung tướng Lê Đông Phong cho biết trong năm qua, an ninh trật tự của TP diễn biến phức tạp. Mặc dù nhiều đối tượng tập hợp lực lượng gây bạo loạn làm mất ổn định chính trị xã hội TP, nhưng với sự lãnh đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND và các tầng lớp nhân dân, sở, ban, ngành, Công an TP đã giữ vững sự ổn định chính trị cho địa bàn.

    Năm 2019, tình hình phạm pháp hình sự đã kéo giảm 8,25%, tỷ lệ kéo giảm của cả nước là 6,25%. Chỉ số kéo giảmtội phạm của TP.HCM đã góp phần với chỉ số của cả nước. Tỷ lệ các vụ án hình sự là 76,98%, tỷ lệ tin báo tố giác tội phạm đạt 92,92% và vượt các chỉ tiêu năm. Công an TP.HCM cũng phá nhiều vụ án ma túy với số lượng ma túy thu giữ lớn, tai nạn giao thông, tai nạn cháy nổ được kéo giảm, kiềm chế.

    Trung tướng Lê Đông Phong. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van hdnd hcm anh 4

  • Năm 2019: Khởi tố 52 vụ án xâm hại tình dục

    Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo cho biết vấn đề tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, đối tượng có hành vi xâm hại có cả người trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội. Trước thực trạng đó, ngành công an có biện pháp gì, VKSND, TAND TP thụ lý các vụ án này có gì cần chú ý đặc biệt để tránh ảnh hưởng tâm sinh lý các em thiếu nhi?

    Ông Lê Đông Phong cho biết về vấn đề xâm hại trẻ em, hiện Công an TP đang có chuyên đề công tác tập trung về lĩnh vực này. Năm nay số vụ xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với cùng kỳ. Qua phân tích các vụ xảy ra thì tại các khu vực vắng ngoại thành là 13 vụ, khách sạn nhà trọ nhà riêng, xưởng làm việc là 67 vụ, các khu công cộng là 18 vụ trong đó có 15 vụ là các cháu đi một mình, không người thân đi cùng.

    Trong năm nay công an đã xử lý được nhiều vụ hơn hẳn năm ngoái, đã khởi tố 52 vụ với 44 bị can. Công an TP đã quán triệt các đơn vị cơ sở nắm tình hình về những đối tượng liên quan, có tiềm ẩn nguy cơ thực hiện hành vi này để phòng ngừa. Khi giải quyết các vụ xâm hại, các đơn vị cần nhanh chóng thu thập chứng cứ, cán bộ tập huấn kỹ năng tiếp xúc trẻ em, bố trí nơi làm việc riêng để các cháu ổn định tâm lý để có thể cung cấp lời khai, đảm bảo phục hồi tâm lý bình thường.

  • Khởi tố vụ Alibaba rất khó khăn

    Về hoạt động lừa đảo thông qua bán đất nền, Công an TP thừa nhận phải tăng cường trách nhiệm trong việc nắm tình hình và phối hợp với các ngành chức năng để nắm được hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Một giải pháp nữa là phải thông tin đầy đủ đến nhân dân.

    “Như vụ Alibaba thì đất ở đâu cũng không biết, có dự án hay không có dự án, biết bao nhiêu người bị lừa đảo. Khó khăn lắm công an mới khởi tố được vụ án và xử lý đối tượng”, ông Phong cho hay.

    Lãnh đạo Công an TP cho biết ban đầu chỉ có 2 đơn tố cáo, giờ thì rất nhiều. Chứng tỏ người dân vẫn hy vọng mình không bị lừa. Người dân cũng phải có trách nhiệm khi tham gia giao dịch, phải có nghĩa vụ tìm hiểu về tính xác thực của giao dịch đó. Ngoài ra, trong vụ Alibaba có người bị lừa do bị hấp dẫn bởi lãi suất được hứa hẹn dù không có căn cứ gì để có thể tin rằng lãi suất đó là thật.

    Ảnh: Lê Quân.

    Chat van hdnd hcm anh 5

  • Giám đốc Công an TP.HCM: Không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê

    Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi về các giải pháp của Công an TP.HCM đối với vấn nạn tín dụng đen. Bà cho biết tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê thách thức cơ quan công quyền gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, một số vụ việc vi phạm xử lý được chỉ khi xảy ra vi phạm hình sự, còn đại đa số đối tượng có hành vi khủng bố tinh thần khiến người bị đòi nợ hoang mang, thậm chí tự sát thì chưa được xử lý nghiêm minh.

    Theo trung tướng Lê Đông Phong, trên địa bàn TP còn 51 nhóm, 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi cho vay nặng lãi hoặc đòi nợ trái pháp luật. Năm 2018 là 94 nhóm 393 đối tượng. Năm nay đã khởi tố 9 vụ, 31 đối tượng, xử lý 38 nhóm, 168 đối tượng.

    Tôi đã có báo cáo chuyên đề trình bày trước HĐND tại các phiên thảo luận trước. Chúng ta cần xác định hành vi này là trái pháp luật nhưng quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn trong việc chứng minh các dấu hiệu cấu thành. Cuối năm 2018, các hành vi đe dọa, hăm dọa tạt chất bẩn gia tăng đột biến tuy nhiên năm nay đã hạn chế được phần nào.

    "Chúng tôi đã quán triệt công an cơ sở chủ động phát hiện từ đầu không để xảy ra tình trạng xâm phạm trật tự nơi công cộng, xâm phạm sự an toàn của người bị đòi nợ. Công an TP cũng kiến nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Theo quy định đây là hình thức dịch vụ hỗ trợ giao dịch thông thường, nhưng những doanh nghiệp này thường có đối tượng xấu ẩn mình sau nó. Cách thức đòi nợ thuê thường là khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho con nợ, gây mất trật tự công cộng nên quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận loại hình này", tướng Phong nói.

    Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van hdnd hcm anh 6


  • Không thể coi người dùng ma túy là đối tượng bị tác động

    Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho biết theo báo cáo, năm 2019 Công an TP đã triệt phá nhiều đường dây buôn bán ma túy, đặc biệt các đường dây xuyên quốc gia số lượng lớn, cử tri vui mừng nhưng vẫn lo lắng. Đặc biệt trong việc quản lý vũ trường, quán bar, karaoke lỏng lẻo, đây là những tụ điểm sử dụng ma túy, TP có nên lắp camera để siết chặt quản lý hơn? Ngoài ra, việc quản lý người nghiện của TP chưa đạt 50%, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội, TP có giải pháp gì trong công tác cai nghiện và kiểm soát người nghiện.

    Trả lời câu hỏi của đại biểu, tướng Lê Đông Phong cho biết Công an TP đã tham mưu Thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề phòng chống ma túy trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết, đề ra những giải pháp cụ thể từ hoàn thiện quy phạm pháp luật cho đến phòng ngừa.

    Ngoài ra, Công an thành phố đề xuất thay đổi nhận thức lại vai trò người nghiện và sử dụng ma túy, không thể coi đây là nhóm đối tượng bị tác động thụ động mà ở đây người bán và người sử dụng là sự tương tác 2 chiều.

    Giám đốc Công an TP đồng tình với đại biểu rằng TP thống kê chưa đầy đủ và cho rằng đây là trách nhiệm của cơ sở trong quản lý cộng đồng. Ông Phong cho rằng cần có giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp vì việc nghiện và sử dụng ma túy có yếu tố xã hội rất lớn. Trong nhóm có quan hệ thân thích trong gia đình hoặc trong nhóm bạn, 1 người sử dụng ma túy dẫn đến những người khác cũng sử dụng. Có khi người nghiện, người sử dụng cũng là người tàng trữ, buôn bán ma túy. Nhìn nhận như vậy để phân loại và đưa ra giải pháp hữu hiệu.

  • Kết thúc phiên chất vấn của Giám đốc Công an TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết có 8 đại biểu chất vấn với 16 câu hỏi về 4 vấn đề: Xâm hại tình dục trẻ em, mua bán ma túy, quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện. 12 nội dung liên quan đến tình hình an ninh trật tự, quản lý nghiệp vụ công an TP.

Quang Huy - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm