Trả lời Nikkei Asian Review, cựu tổng tư lệnh quân đội Thái Lan cho rằng mô hình dân chủ giữa Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và nhiều nước châu Á còn lại rất khác nhau.
“Nhiều cuộc đảo chính xảy ra tại Thái Lan vì quân đội buộc phải can thiệp điều chỉnh cái gọi là ‘chính trị kiểu Thái’ còn chưa trưởng thành”, Sonthi Boonyaratglin chia sẻ.
Ông nhận định chính phủ sắp tới của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nên tập trung nhiều hơn cho việc hỗ trợ người Thái cải thiện cuộc sống, gia tăng tầng lớp trung lưu. Cựu chỉ huy quân đội Thái Lan tin tưởng nền dân chủ chỉ có thể hoạt động hiệu quả với tầng lớp trung lưu đông đảo.
Tướng Sonthi từng khẳng định ông dẫn đầu cuộc đảo chính quân sự năm 2006 vì không còn lựa chọn nào khác. Ảnh: Nikkei Asia Review. |
Lãnh đạo chọn bạn bè, người quen làm lãnh đạo
Thái Lan chuyển mình từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến bằng Cách mạng Xiêm năm 1932 với một cuộc đảo chính không tốn một hòn tên mũi đạn, không đổ máu. Tuy nhiên, tướng Sonthi cho rằng mô hình dân chủ dựa trên quân chủ lập hiến đang thất bại tại nước này thời gian qua.
“Người nghèo ở Thái Lan rất đông. Kẻ giàu thường can thiệp và lợi dụng người nghèo trong hệ thống dân chủ này. Sau khi chi hàng đống tiền để tác động bầu cử, các chính trị gia lại tìm cách lấy lại vốn khi nắm được quyền lực”, ông nhận định.
Sonthi nhấn mạnh tình trạng này dẫn đến xu hướng chủ nghĩa thân hữu và gia đình trị tại Thái Lan. “Các lãnh đạo luôn chọn bạn bè hoặc người mà họ quen biết để cùng điều hành đất nước”, ông nói.
Hệ quả là nhiều vị trí trong chính phủ không được đảm nhiệm bởi những người có đủ năng lực. “Điều này làm giảm hiệu quả và thậm chí dẫn đến tham nhũng”, ông Sonthi cho biết.
Tướng Sonthi được thăng cấp làm tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan vào năm 2005. Ông là người Thái theo Hồi giáo đầu tiên được đảm nhiệm vị trí này ở một đất nước vốn thuần đạo Phật.
Chỉ sau một năm ở vị trí mới, ông dẫn đầu cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tướng Sonthi sau đó được bổ nhiệm làm phó thủ tướng của chính phủ lâm thời.
Vào thời điểm đó, xã hội Thái Lan chìm trong những cảm xúc hỗn độn. Đất nước bị chia rẽ bởi những nhóm ủng hộ và chống đối Thủ tướng Thaksin.
“Nhân dân đã yêu cầu chúng tôi can thiệp. Không thể tổ chức đảo chính nếu không có sự ủng hộ của nhân dân”, Sonthi kể lại.
Xe tăng của Quân đội Hoàng gia Thái Lan chuẩn bị rút khỏi quảng trường Royal Plaza ở Bangkok ngày 1/10/2006, sau khi đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ mới do quân đội chống lưng. Ảnh: Getty. |
Cựu lãnh đạo cao nhất của quân đội Thái Lan cho rằng lực lượng có 4 nghĩa vụ với đất nước: bảo vệ tổ quốc, gìn giữ hòa bình dân sự, hỗ trợ khi xảy ra thiên tai và bảo vệ nền quân chủ.
“Ngày nay, số người cánh tả cấp tiến tăng lên và họ không muốn duy trì nền quân chủ. Trong khi đó, cũng có nhiều người muốn nền dân chủ phải có nhà vua là nguyên thủ”, ông cho biết.
“Phía quân đội tin rằng nền dân chủ Thái Lan cần nhà vua là người đứng đầu đất nước. Vì vậy, quân đội cũng có thể tổ chức đảo chính để bảo vệ nền quân chủ”, ông nhấn mạnh.
Thay đổi hoặc lại đảo chính
Trong 5 năm qua, Thái Lan được lãnh đạo bởi một chính quyền quân sự với người đứng đầu chính phủ là tướng Prayuth Chan-o-cha. Cuộc tổng tuyển cử tháng 3 vừa qua bị chỉ trích là thiếu công bằng, được “thiết kế” nhằm đảm bảo tướng Prayuth đắc cử thủ tướng và phe quân sự tiếp tục có tiếng nói áp đảo trong chính phủ mới.
Các thành viên nội các của ông Prayuth ngày 16/7 tuyên thệ nhậm chức với vua Vajiralongkorn. Về mặt lý thuyết, chính quyền quân sự đã chính thức chấm dứt, nhưng thực tế không có nhiều thay đổi khi có 9 thành viên trong nội các mới vẫn là người trong phe quân đội.
Trong khi đó, ông Sonthi cho rằng mọi người nên công nhận chính phủ mới là một chính phủ dân sự, mặc dù bản hiến pháp mới đã điều chỉnh quy trình bầu cử cho phép ông Prayuth giữ quyền lực. “Nhân dân đã chấp nhận bản hiến pháp đó. Nó đã vượt qua được cuộc trưng cầu dân ý năm 2017”, ông nói.
“Prayuth đã rút ra được bài học từ thời của tôi”, tướng Sonthi nhắc lại quyết định không ngồi vào ghế thủ tướng sau cuộc đảo chính năm 2006. “Chính vì không giành lấy vị trí đó, tôi đã không thể thay đổi được gì nhiều. Prayuth nhận thấy những vấn đề của Thái Lan sẽ không tìm ra giải pháp nếu ông ấy không trở thành thủ tướng”.
Tướng Sonthi cảnh báo Thủ tướng Prayuth cần sớm giải quyết các vấn đề xã hội của Thái Lan nếu không muốn tái diễn đảo chính. Ảnh: Reuters. |
Tướng Sonthi cho rằng chính quyền quân sự trong thời gian qua đã không giải quyết thành công được hai vấn đề quan trọng là tham nhũng và chia rẽ xã hội. Ông tin tưởng những “căn bệnh xã hội” này có thể được chữa dứt điểm bằng cách hỗ trợ người nghèo tại Thái Lan có được đời sống khá giả hơn.
“Những nhân vật cánh tả thường vận động cử tri nằm trong nhóm nghèo khó và không có trình độ học vấn cao, thường ít được các chính phủ tiền nhiệm quan tâm. Chính phủ sắp tới cần giải quyết những vấn đề xã hội trước nhất bằng cách chăm lo người dân nghèo”, ông Sonthi nhận định.
“Chúng ta cần hiểu rằng Thái Lan chưa trở thành một nước phát triển. Để đảm bảo một nền dân chủ hiệu quả hơn, chúng ta cần có tầng lớp trung lưu đông đảo hơn”, vị tướng về hưu nhấn mạnh.
Ông Sonthi cho rằng giáo dục và tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người nghèo.
“Nếu chính sách đúng đắn, sẽ có nhiều thay đổi diễn ra và chúng ta hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Nếu nhân dân cảm thấy họ phải tiếp tục chịu đựng và cần thay đổi, sẽ lại xảy ra một cuộc đảo chính mới”, ông cảnh báo.