Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chính thức gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ của IMF từ ngày 1/10/2016. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền có tầm quan trọng toàn cầu khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng tiền của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ dự trữ (hay giỏ Quyền rút vốn đặc biệt) vào ngày 30/11. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2016. Đây là bước đột phá trong nỗ lực quốc tế hóa tiền tệ của Trung Quốc.
Hiện tại giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) bao gồm USD, yen, Euro và bảng Anh. Nhân dân tệ của Trung Quốc là đồng tiền của nước đang phát triển đầu tiên gia nhập nhóm. Quyết định của IMF xua tan sự hoài nghi về quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực thi những cải cách tài chính cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn.
(Special Drawing Right) là đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành, phân bổ cho các nước thành viên một lượng theo tỷ lệ phần đóng góp vốn của họ vào IMF. Đặc biệt, tuy SDR là một đơn vị tiền tệ nhưng nó hoàn toàn không có tính chất lưu thông mà chỉ có ý nghĩa tính toán.
Mặc dù tác động trực tiếp sẽ không hiện ra ngay lập tức, quyết định của IMF sẽ thôi thúc chính phủ Trung Quốc tiếp tục cải cách tiền tệ, South China Morning Post nhận định.
“Những nỗ lực để đồng Nhân dân tệ gia nhập Quyền rút vốn đặc biệt đã trở thành cú hích không thể đảo ngược tới tự do hóa hoạt động tài chính, một yếu tố sẽ dẫn tới tác động sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc”, Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) nhận định, đồng thời ví việc Nhân dân tệ gia nhập SDR giống nỗ lực vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc tiếp tục cải cách để hội nhập hiệu quả hơn với nền kinh tế thế giới.
Huang Yiping, nhà kinh tế của Đại học Bắc Kinh kiêm cố vấn chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, phát biểu: "Hướng cải cách rất rõ ràng: Một đồng Nhân dân tệ sẽ linh hoạt hơn và lãi suất biến động theo thị trường, tiếp tục nới lỏng tài khoản vốn và tăng mức sử dụng Nhân dân tệ trên toàn cầu".
Hồi tháng 8, IMF thông báo họ kỳ vọng Trung Quốc thay đổi cách quản lý tiền để tỷ giá trao đổi Nhân dân tệ “tiến sát mức thả nổi” trong 2 tới 3 năm. IMF tuyên bố như vậy sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng mức độ kiểm soát tỷ giá đồng Nhân dân tệ - vốn bị neo chặt với các ngoại tệ khác theo tỷ giá cố định - để nó linh hoạt hơn.
Giới quan sát dự đoán các cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc sẽ sớm khởi động chương trình cho phép cá nhân đầu tư trực tiếp vào chứng khoán nước ngoài; nâng mức hạn ngạch cho đầu tư chứng khoán hai chiều; kết nối thị trường chứng khoán ở Thâm Quyến và đặc khu hành chính Hong Kong.
Các chuyên gia giao dịch ngoại hối dự đoán Bắc Kinh sẽ tăng số giờ giao dịch nội địa để quãng thời gian ấy trùng khớp với thời gian giao dịch ở thị trường quốc tế. Trong khi đó, những nhà môi giới mong Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ can thiệp vào thị trường ngoại tệ trong những trường hợp cực kỳ cấp bách.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc phải tăng độ sâu của thị trường tiền tệ bằng cách phát triển các thị trường vốn – đặc biệt thị trường trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ và thị trường chứng khoán để khuyến khích giới đầu tư nước ngoài giữ đồng Nhân dân tệ.
“Phát triển thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu, là yếu tố quan trọng đối với quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sau khi gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ”, ngân hàng đầu tư Citic Securities bình luận.
Citic Securities nhận thấy tiềm năng lớn trong thị trường trái phiếu trong bối cảnh Trung Quốc thiếu những sản phẩm trái phiếu ngắn hạn và số lượng trái phiếu chính phủ nhỏ hơn nhiều so với những nước láng giềng như Ấn Độ và Thái Lan.
Hồi tháng 10, Bộ Tài chính Trung Quốc bắt đầu phát hành trái phiếu kho bạc có kỳ hạn 3 tháng để giúp IMF có cơ sở tính toán lãi suất SDR bằng việc tham chiếu giá trái phiếu. Bảo hiểm trái phiếu cũng giúp Trung Quốc cải thiện đồ thị lợi tức trái phiếu chính phủ để phản ánh cung và cầu trên thị trường tốt hơn, đồng thời giúp nó có vai trò lớn hơn trong phân phối các nguồn lực tài chính. Đây là mục tiêu mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đề ra từ năm 2013.
Mặc dù vậy, ngay cả khi Nhân dân tệ tham gia SDR, nó chưa thể thay đồng USD để trở thành tiền tệ hàng đầu thế giới. USD chiếm khoảng 64% tổng lượng tiền tệ dự trữ toàn cầu và gần 90% giao dịch ngoại hối.
“Chẳng ai nghi ngờ việc đồng Nhân dân tệ sẽ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, song nó còn phải vượt qua một chặng đường dài ở phía trước”, Citic Securities bình luận.
Các dấu mốc quan trọng của đồng Nhân dân tệ
Ngày 1/12/1948: đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ra đời.
Ngày 1/1/1985: tỷ giá của đồng tệ Trung Quốc đạt 2,8 tệ đổi 1 USD.
Tháng 4/1994: Trung Quốc thiết lập hệ thống đổi ngoại tệ ở Thượng Hải, cho phép giao dịch đồng tệ với USD, đồng Yên và USD Hong Kong.
Cuối năm 1995: tỷ giá đồng tệ đạt 8,317 tệ đổi 1 USD. Nó được tăng lên so với 8,7 tệ đổi 1 USD năm 1994.
Giai đoạn 1997-1999: Mỹ, Nhật Bản và các nước khác không phá giá đồng tệ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vì lo ngại phản ứng dây chuyền.
Năm 2003: chính quyền George W. Bush kêu gọi Trung Quốc định giá lại hoặc thả nổi đồng tệ. Các nhà sản xuất Mỹ cho rằng động tệ bị đánh giá thấp tới 40%.
Tháng 10/2004: Trung Quốc được mời tham dự nhóm G7.
Năm 2005: Mỹ kêu gọi áp thuế 27,5% vào các mặt hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không giảm bớt việc kiểm soát giá trị đồng tiền.
Năm 2010: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng đều tỷ giá hối đoái của đồng tệ nhưng không chỉ rõ thời gian.
Ngày 11/8/2015: Trung Quốc phá giá đồng tệ gần 2%. Một ngày sau, đồng tệ tiếp tục giảm thêm 1,62% xuống mức 6,3306 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Động thái này làm dấy lên quan ngại về cuộc chiến tiền tệ trong khu vực.
Ngày 30/11, Ban điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chính của thế giới cùng với đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.