Hôm 18/8, phiên tranh luận cuối cùng trong vụ án dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã khép lại. Phó Chánh án Tòa án British Columbia, Heather Holmes sẽ công bố phán quyết vào ngày 21/10.
Bà Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt tại Sân bay Quốc tế Vancouver vào tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Chính quyền của ông Donald Trump cáo buộc CFO Huawei đã qua mặt ngân hàng HSBC để thực hiện giao dịch với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của nước này.
Bà Mạnh Vãn Châu đến dự phiên tòa hôm 5/8. Ảnh: Reuters. |
Từ thời điểm đó đến nay, bà Mạnh bị chính quyền Canada quản thúc tại khu vực biệt lập, giám sát bằng vòng theo dõi đeo ở cổ chân và nhiều lần hầu tòa để yêu cầu được trả tự do. Sau quá trình đấu tranh pháp lý kéo dài 2,5 năm, điều gì đang chờ đợi “công chúa Huawei” ở phía trước?
3 vấn đề cần xem xét
Theo Reuters, thông thường các phiên tòa xét xử vụ án về dẫn độ diễn ra trong một ngày, nhưng trường hợp của Mạnh kéo dài qua nhiều lần tranh tụng.
Điều đầu tiên Phó Chánh án Tòa án British Columbia, Heather Holmes phải quyết định liệu trường hợp bắt giữ CFO Huawei có đáp ứng tiêu chuẩn hình sự kép hay không. Nghĩa là tội danh bà bị phía Mỹ cáo buộc có thuộc vào diện vi phạm pháp luật theo quy định của Canada.
Cuối tháng 5/2020, Holmes phán quyết là có và vụ án được chuyển sang xét xử ở khâu tiếp theo.
Sau khi kết thúc phiên tranh tụng cuối cùng, diễn ra hôm 18/8, Phó Chánh án Heather Holmes xem xét luận điểm của nhóm luật sư bảo vệ bà Mạnh về việc nhà chức trách Canada vi phạm trình tự bắt giữ. Đồng thời xác định việc này có ảnh hưởng đến phán quyết cuối cùng về việc dẫn độ hay không. Hiện tại có 3 vấn đề được đặt ra:
Thứ nhất, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cáo buộc chính trị hóa vụ án nhắm vào bà Mạnh Vãn Châu. Phía bào chữa cho rằng nếu bị dẫn độ sang Mỹ, con gái nhà sáng lập Huawei sẽ không được xét xử công bằng.
Thứ hai, những sai sót trong quy trình bắt giữ bà Mạnh do nhà chức trách Canada thực hiện theo yêu cầu từ Mỹ.
Thứ ba, nhóm pháp lý của bà Mạnh tố phía Mỹ ngụy tạo hồ sơ, bằng chứng, đánh lừa Canada nhằm yêu cầu bắt giữ và dẫn độ Mạnh Vãn Châu sang Mỹ.
Mạnh Vãn Châu sẽ chờ phán quyết cuối cùng của tòa vào ngày 21/10. Ảnh: Reuters. |
Các luật sư của CFO Huawei lập luận rằng những điều này đã cấu thành trường hợp lạm dụng quy trình để đưa đến việc dẫn độ.
Ngược lại, công tố viên khẳng định luận điểm đó không đủ để đình chỉ việc dẫn độ. Họ cũng cho rằng thẩm phán không có quyền để xét đoán điều gì xảy ra tại tòa án Mỹ.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Theo quy trình dẫn độ của Canada, trước tiên thẩm phán sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ có hợp pháp hay không, sau đó Bộ trưởng Tư pháp nước này đưa ra quyết định cuối cùng.
Quyền xem xét yêu cầu dẫn độ có thể thấp hơn xử vụ án hình sự. Là thẩm phán Canada, Holmes không đủ điều kiện để kết luận một người có tội hay không dựa trên luật pháp của quốc gia khác.
Vì vậy, bà chỉ có thể phán quyết bằng chứng chống lại Mạnh Vãn Châu có đủ để khởi tố và đưa ra xét xử ở Canada hay không.
Nếu Holmes đồng ý tiếp tục quy trình dẫn độ, vụ việc sẽ được chuyển đến Bộ trưởng Tư pháp Canada để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có giao Mạnh Vãn Châu cho phía Mỹ hay không.
Trong trường hợp bà cho rằng hồ sơ không đủ chứng minh tính hợp pháp của việc bắt giữ CFO Huawei, trình tự dẫn độ cũng sẽ ngưng lại. Theo Reuters, hiếm khi chính phủ Canada kháng cáo phán quyết của tòa án đình chỉ việc dẫn độ.
Mạnh Vãn Châu được quyền kháng cáo bản án của thẩm phán và yêu cầu xem xét lại quyết định của Bộ trưởng Tư pháp trong trường hợp bất lợi cho mình. Việc này có thể mất nhiều năm, thông qua các tòa án và kết thúc tại Tòa án Tối cao Canada.
Trong thời gian đó, bà Mạnh có thể đưa ra yêu cầu đánh giá lại các điều kiện để được tại ngoại.