Ngày 13/11/2012, Mark Swidan đang trò chuyện với mẹ mình, bà Katherine, qua điện thoại thì cảnh sát Trung Quốc đột kích khách sạn tại Quảng Châu nơi anh đang ở và bắt giữ anh.
Swidan đến Trung Quốc để tìm nguồn nguyên liệu cho công việc kinh doanh của mình, bà Katherine cho biết và nói thêm rằng trong cuộc điện thoại hôm đó, hai người đã bàn về việc mua vé trở về quê nhà Houston, Texas để Swidan làm lễ cưới.
Bỗng nhiên Swidan nói rằng có ai đó gõ cửa.
"Tôi nghe thấy tiếng đập cửa, và sau đó tôi không nghe gì nữa", bà Katherine nhớ lại.
Mark Swidan và mẹ của anh, bà Katherine Swidan. Ảnh: Katherine Swidan. |
Thời điểm kết án khó hiểu
Sau nhiều tuần chờ đợi trong lo lắng, cuối cùng lãnh sự quán Mỹ cũng liên hệ với bà Katherine và cho biết con trai của bà đã bị phía Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc buôn lậu ma túy.
Phải một năm sau đó, anh Swidan mới được đưa ra xét xử tại tòa án trung cấp Giang Môn, và 5 năm sau nữa, tức là vào tháng 4/2019, tòa mới tuyên Swidan án tử hình nhưng hoãn thi hành án 2 năm.
Toàn bộ thời gian này, Swidan đều bị giam giữ trong điều kiện tồi tệ. Trong khi đó, bản án dành cho anh cũng đến một cách rất bất ngờ, cùng vào thời điểm các quan chức Mỹ có mặt ở Bắc Kinh để đàm phán thương mại.
Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ, Canada và các quốc gia phương Tây, có những lo ngại cho rằng những trường hợp như của Mark Swidan sẽ được Bắc Kinh sử dụng để gây sức ép với các nước khác.
Swidan không phải là người nước ngoài duy nhất bị giam giữ ở Trung Quốc. Vụ việc của anh ít thu hút dư luận, nhưng gần đây đã được chú ý trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.
Trong lúc hai nước đóng cửa lãnh sự quán của nhau để trả đũa qua lại, cùng với đó là các lệnh trừng phạt trên đủ lĩnh vực, ngày càng có nhiều các vụ truy tố hình sự dường như mang tính chất trả đũa hoặc như một chiến lược ngoại giao. Chính phủ các nước phương Tây đang cảnh báo công dân của họ ở Trung Quốc về nguy cơ bị giam giữ tùy tiện ngày càng tăng.
Bà Katherine cho biết con trai mình đã cố tự tử 3 lần trong khi bị giam, và sau một lần như vậy đã bị cùm chặt xuống sàn.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây, với việc hai nước đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Ảnh: AFP. |
"Mark đang ở trong một trung tâm nơi nó bị nhốt chung với 25 người khác. Có một cái hố trên sàn để đi vệ sinh. Và giấy vệ sinh bị hạn chế. Không có nước nóng ngay cả vào mùa đông", bà Katherine nói.
"Nó nói với tôi: 'Mẹ ơi, đời con chưa bao giờ thấy lạnh thế'. Tôi nhìn những bức ảnh khi còn nhỏ của nó, và chỉ muốn nó được cảm thấy ấm áp", bà Katherine chia sẻ.
Những chỉ trích không tác dụng
Những người ủng hộ Swidan cho rằng có quá ít bằng chứng cho việc bắt giữ công dân Mỹ này, chưa kể đến việc kết tội anh ta. Nhóm vận động vì quyền tù nhân Dui Hua cho biết không có bằng chứng được đưa ra để liên hệ Swidan với bất cứ giao dịch ma túy nào.
John Kamm, Chủ tịch của Dui Hua, đã biện hộ cho khoảng 6.000 tù nhân trong 30 năm qua, và cho biết tổ chức đã giúp hàng trăm người được nhận sự khoan hồng. Kamm làm việc trực tiếp với các cơ quan chính phủ Trung Quốc và việc vận động của ông thường chỉ giới hạn ở các tù nhân chính trị và tôn giáo, nhưng khi được bà Katherine Swidan tiếp cận, ông Kamm quyết định giúp đỡ trường hợp này.
"Thật kinh khủng. Anh ta đã bị bắt bớ, anh ta đã bị cài bẫy", ông Kamm nói với Guardian từ San Francisco.
Án tử hình của Swidan được đình chỉ trong vòng 2 năm, điều này nghĩa là có khả năng nó sẽ được giảm xuống thành một án tù nếu phạm nhân có hành vi tốt. Đây là điều phổ biến trong hệ thống pháp luật Trung Quốc, nhưng Swidan được cho là người Mỹ đầu tiên nhận hình phạt này.
"Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi thời gian hoãn thi hành án kết thúc", bà Katherine chia sẻ và nói thêm rằng nếu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu như đã làm với Thành Đô, con trai bà sẽ còn nhận được ít sự hỗ trợ và đại diện hơn.
"Nó nói với tôi rằng: mẹ ơi con sẽ về nhà trong cái hộp đựng tro, hoặc là bằng máy bay; nhưng dù gì thì con cũng sẽ về nhà", bà mẹ nói.
Tại Trung Quốc, khoảng 99% các vụ truy tố kết thúc bằng kết án, và mặc dù đôi khi vẫn có các trường hợp trắng án, điều đó hiếm khi xảy ra.
Ông Kamm cho rằng giới chức Trung Quốc đang cố bắt Swidan nhận tội bằng cách "giam giữ anh ta trong một địa ngục tuyệt đối".
"Tôi đặt cược mạng sống của mình rằng người đàn ông này vô tội. Anh ấy là nạn nhân của những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và Liên Hợp Quốc cũng đồng ý với điều đó", ông Kamm nói.
Liên Hợp Quốc cho rằng vụ bắt giữ Mark Swidan là vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng không có gì xảy ra sau tuyên bố đó. Ảnh: Guardian. |
Hồi tháng 2, nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về các vụ bắt giữ tùy tiện kết luận Swidan đã bị bắt giữ tùy tiện, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho người này "cùng với tiền bồi thường". Không có gì xảy ra sau đó.
Gia đình Swidans đến từ Houston, Texas và có rất ít khả năng tài chính để được hỗ trợ pháp lý.
Bà Katherine cho biết cha của Swidan đã qua đời khi anh còn nhỏ, và con trai bà dùng một khoản thừa kế nhỏ để đi du lịch. Bà mô tả Mark là một nghệ sĩ, một đầu bếp và là người thông minh. Bà tự hào kể lại rằng con trai mình đã đọc Dostoyevsky từ năm lớp 8. Mark Swidan dự kiến kết hôn ở Houston một tháng sau khi trở về từ Trung Quốc.
Yếu tố chính trị
Trong thời gian Swidan bị giam giữ, cả bà Katherine và người con trai còn lại đều phải điều trị ung thư. Bà được phép nói chuyện với Swidan trước khi phẫu thuật, nhưng anh trai của Mark thì không. Bà cảm thấy tức giận vì thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền Mỹ để giúp giải thoát con trai bà.
Trong báo cáo năm 2019 về hình phạt tử hình, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết án tử hình trong các vụ án liên quan đến ma túy ở Trung Quốc "dường như đóng vai trò trung tâm trong bối cảnh đối đầu chính trị với một số quốc gia khác".
Hồi tháng 6, Karm Gilespie, một công dân Australia, đã bị kết tội buôn bán ma túy và bị kết án tử hình sau khi bị bắt từ năm 2013. Phán quyết bất ngờ của tòa án được đưa ra 5 năm sau khi phiên tòa diễn ra, trùng với thời điểm Trung Quốc và Australia căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng.
Tháng 8, Cheng Lei, một công dân Australia khác, phóng viên kinh doanh của hãng truyền hình nhà nước Trung Quốc, bất ngờ bị bắt giam mà không rõ lý do.
Hồi tháng 12/2018, vài ngày sau khi chính quyền Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu, Trung Quốc nhanh chóng bắt giữ 2 công dân Canada là nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.
Tháng 1/2019, các nhà quan sát đã vô cùng kinh ngạc khi một tòa án Trung Quốc tăng mức án của công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg từ 15 năm tù lên tử hình, sau khi người này đệ đơn kháng cáo.
Trung Quốc tăng hình phạt từ 15 năm tù lên tử hình cho Robert Lloyd Schellenberg, một công dân Canada, sau khi người này kháng cáo. Ảnh: Tòa án Nhân dân Trung cấp Đại Liên. |
Trong tháng này, một tòa án Trung Quốc cũng tuyên tử hình Xu Weihong, công dân Canada, về tội danh liên quan đến ma túy.
Bắc Kinh phủ nhận những bản án này liên quan đến chính trị. Khi được hỏi về bản án của Xu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nó không có tác động nào lên quan hệ Canada - Trung Quốc.
"Tôi đi đến suy nghĩ rằng về cơ bản, tất cả các vụ việc liên quan đến công dân Mỹ đều có yếu tố chính trị. Đặc biệt là thời gian này. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc không có tâm trạng để làm bất cứ điều gì cho công dân Mỹ", ông Kamm nhận định.
Cả ông Kamm và bà Katherine đều tỏ ra giận dữ về việc không có những hành động, thậm chí là sự thiếu quan tâm rõ ràng từ chính phủ Mỹ.