Sự phát triển của thị trường smartphone tạo ra những tên tuổi mới như Xiaomi, Meizu, OnePlus nhưng nó cũng giết chết một số cây đại thụ trong ngành công nghiệp này. Mảng di động của Nokia chính thức bị thâu tóm bởi Microsoft từ 4/2014. Giờ đây, đến lượt Sony, HTC hay BlackBerry đang đứng trên bờ vực.
Sony Mobile còn một năm để quyết định số phận
Khi Kazo Hirai - Chủ tịch của Sony - ra mắt 3 chiếc Xperia Z5 tại triển lãm IFA, Berlin, tín đồ của hãng không giấu được sự hào hứng. Trong số đó, Xperia Z5 Premium là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình 4K. Các phiên bản màn hình nhỏ hơn - Z5 và Z5 Compact - có cấu hình gần như tương đồng.
Sony hiện là nhà sản xuất điện thoại Android duy nhất trang bị phần cứng mạnh mẽ cho một chiếc smartphone màn hình nhỏ. Xperia Z5 sở hữu thời lượng pin vượt trội, camera lấy nét nhanh, cảm biến vân tay và chống nước tốt. Máy có cả khe cắm thẻ nhớ SD - điều gần như đã biến mất trên các mẫu máy cao cấp hiện nay.
Nếu dòng sản phẩm này bán tốt, Sony Mobile sẽ tồn tại, tuy nhiên, bộ phận này vẫn trên đà tái cơ cấu mạnh mẽ bởi khoản lỗ lên đến 480 triệu USD trong năm nay. “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi ngành công nghiệp này nếu có sự đột phá trong năm sau. Bằng không, chúng tôi không loại trừ khả năng tìm kiếm những giải pháp thay thế”, Kazuo Hirai chia sẻ với Reuters.
Thật khó để hình dung, Sony sẽ sáng tạo ra sao trong một năm ngắn ngủi sắp tới. Họ đã loại bỏ Ericsson, thực hiện chiến lược 6 tháng một mẫu flagship nhưng chưa đem lại hiệu quả cao.
Mảng di động của Sony vẫn như con thuyền trôi nổi giữa đại dương trong suốt vài năm qua. Nó có thể cập bến, cũng có thể bị sóng đánh chìm bất cứ khi nào. Trước đó, không ít tin đồn rộ lên, cho rằng Sony sẽ khai tử mảng mobile, giống với cách họ đã làm với mảng PC.
HTC sẽ sụp đổ?
Nhà sản xuất điện thoại Android đầu tiên đang ngụp lặn trong vô số khó khăn. HTC từng có thời điểm trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới. Đáng tiếc, đó chỉ là hoài niệm. Doanh số smartphone của hãng đi xuống từ 2011. Đã có thông tin về những vụ mua lại. Các nhà phân tích từ lâu đã tưởng tượng ra viễn cảnh về một thị trường di động không có sự hiện diện của HTC.
HTC có nhiều bước đi sai lầm về thiết kế sản phẩm, chiến lược marketing. Đỉnh điểm của quá trình khủng hoảng từ họ chính là việc cho ra mắt chiếc One M9. Ba năm liên tục, hãng cho ra mắt những chiếc smartphone kiểu dáng tương đồng nhau. HTC biện minh bằng việc họ muốn tạo dựng một biểu tượng smartphone, giống như dòng xe Range Rover. Đáng tiếc, chẳng ai muốn lái chiếc Range Rover của họ cả.
Apple nổi tiếng với chiến thuật “tick tock” cho dòng iPhone, tức là tung một bản nâng cấp lớn với con số mới, kèm theo đó là một bản nâng cấp nhỏ, kèm chữ S. HTC thậm chí còn đi xa hơn với “tick tock tock”, và M9 trở thành thảm họa. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi nó ra mắt cùng thời điểm với bản “tick” của Samsung là Galaxy S6 và S6 Edge.
HTC khó sụp đổ, nhưng việc phải bán mình có thể xảy ra trong tương lai không xa. Việc họ cần làm bây giờ là trình làng một chiếc flagship hoàn toàn mới, khác biệt và phá cách, nếu họ vẫn muốn tồn tại ở sân chơi Android.