Vào tháng 2/2020, khi bắt đầu đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành Care.com - công ty kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và cung cấp dịch vụ phúc lợi cho nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả Google và Facebook - ông Tim Allen dự kiến có nhiều thay đổi trong lĩnh vực phúc lợi cho người lao động.
Tuy vậy, ông không nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Đại dịch Covid-19 dường như khiến công việc gần với cuộc sống hơn bao giờ hết. Người Mỹ nhận ra hệ thống của họ tồn tại nhiều vấn đề, từ hệ thống chăm sóc sức khỏe, trẻ em, người cao tuổi đến văn hóa làm việc khiến nhiều người kiệt sức.
Trong số đó, phụ nữ trong lực lượng lao động là đối tượng bị tác động hàng đầu. Nhiều người phải đối mặt với lựa chọn: Con cái hay thu nhập. Trong năm 2020, khoảng 3 triệu phụ nữ Mỹ rời khỏi thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao ở các phụ nữ da đen và gốc Latin.
Người Mỹ nhận ra, nếu không cải thiện phúc lợi lao động và giúp người lao động nhận được sự hỗ trợ mà họ và gia đình cần, nền kinh tế Mỹ sẽ không thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng đã bắt đầu thay đổi.
Đại dịch Covid-19 và phúc lợi lao động
Tháng 3/2021, Care.com công bố báo cáo “Tương lai của phúc lợi”, trong đó 500 lãnh đạo, quản lý, phụ trách nhân sự của các doanh nghiệp tại Mỹ chia sẻ về tác động của đại dịch Covid-19 tới phúc lợi cho người lao động.
Các lãnh đạo doanh nghiệp đều nhận thấy đại dịch đã để lại tác động tiêu cực lên người lao động: Giảm năng suất lao động, tăng số người nghỉ làm và suy giảm sức khỏe tinh thần.
Đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực đến người lao động. Ảnh: AP. |
Do đó, 98% số người được hỏi bổ sung hoặc mở rộng ít nhất một hình thức phúc lợi mà người lao động thấy cần thiết, từ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, quyền linh động về địa điểm làm việc hay hỗ trợ về sức khỏe tinh thần.
Ở chiều ngược lại, Covid-19 cũng khiến một số dạng phúc lợi khác trở nên không cần thiết và bị cắt giảm sự ưu tiên, như chăm sóc trẻ tại chỗ, ngày nghỉ có lương, hỗ trợ về di chuyển, cơm trưa…
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra người lao động không thể làm việc nếu không có phúc lợi. Người lao động chủ yếu tổ chức cuộc sống theo công việc, chứ hiếm khi có thể tổ chức công việc theo cuộc sống của mình. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 góp phần khiến xu hướng này phần nào thay đổi.
Chỉ tính từ tháng 2-9/2020, 1,2 triệu cha mẹ có con 5-17 tuổi phải bỏ việc, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn. Những nhà sử dụng lao động nhận ra họ không thể chịu đựng được một “cú sốc” lớn như vậy với thị trường lao động, và buộc phải hành động.
“Người lao động không thể bỏ lại mọi công việc khi bước ra khỏi nhà. Họ mang các mối lo đến cơ quan, điều này ảnh hưởng tới năng suất của họ”, một lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định.
57% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ quan tâm hơn tới phúc lợi về chăm sóc con cái và người cao tuổi để giúp đỡ người lao động, cả trong công việc và cuộc sống. 63% cho biết họ có kế hoạch mở rộng phúc lợi về chăm sóc con cái, bao gồm nền tảng tìm chỗ trông trẻ, trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ cha mẹ mới sinh con…
Ngoài ra, các công ty cũng quan tâm hơn tới những lao động phải chăm sóc cha, mẹ, người thân là người cao tuổi. Nghiên cứu của Care.com tại Mỹ cho thấy 83% con cái trưởng thành tìm kiếm hình thức chăm sóc khác cho cha mẹ mình trong đại dịch Covid-19.
Nhiều người muốn ở gần cha mẹ hơn sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, 17% lực lượng lao động Mỹ phải chăm sóc ít nhất một người cao tuổi. Một nửa trong số đó cũng phải chăm sóc cả con cái dưới 18 tuổi. Do đó, không bất ngờ khi 41% số người được hỏi dự định bổ sung phúc lợi về chăm sóc người cao tuổi cho nhân viên.
“Công ty chúng tôi nhận ra chăm sóc người cao tuổi quan trọng như chăm sóc con cái. Nhân viên không thể tập trung nếu họ phải chăm sóc người khác”, một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Sự linh hoạt và sức khỏe tâm lý
Nhiều hình thức phúc lợi khác cho người lao động cũng được dự báo sẽ phát triển trong thời gian tới. Sự linh hoạt về địa điểm lao động là một trong số đó.
Làm việc kết hợp trực tiếp và từ xa được coi là một xu hướng của tương lai. Khảo sát của hãng kiểm toán PwC cho thấy một số lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa sau đại dịch, nhưng không nhiều người muốn từ bỏ văn phòng hoàn toàn.
Để giữ chân lao động, các doanh nghiệp có kế hoạch cho nhân viên thêm nhiều lựa chọn về địa điểm làm việc, giúp họ có thêm thời gian cho gia đình. 66% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết họ dự định tăng cường sự linh hoạt về vấn đề này.
Cùng với xu hướng trên, các quản lý ngành nhân sự dự kiến giúp nhân viên được hưởng phúc lợi, kể cả khi họ không đến cơ quan. Ví dụ, 61% số người được hỏi cho biết họ ưu tiên phúc lợi linh hoạt về chăm sóc con cái - như tài khoản trên các nền tảng tìm kiếm người giữ trẻ trực tuyến, hơn là tổ chức một địa điểm trông giữ tập trung.
Sức khỏe tinh thần của người lao động và gia đình cũng là lĩnh vực được chú trọng. Đây đã là vấn đề xuất hiện từ trước khi nhân loại đối mặt với Covid-19, nhưng đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình hình. Không chỉ người lao động, con cái của họ cũng bị tác động bởi đại dịch do giãn cách xã hội và học trực tuyến.
Sức khỏe tinh thần là vấn đề được quan tâm hàng đầu sau Covid-19. Ảnh: Gallup. |
Đây không chỉ là vấn đề của người lao động, mà của cả người sử dụng lao động. Do đó, 41% số người được hỏi có kế hoạch mở rộng phúc lợi về sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Theo bà Jennifer Moss, chuyên gia về phúc lợi tại nơi làm việc, điều này có thể thúc đẩy sự thay đổi về văn hóa làm việc theo hướng có lợi cho người lao động.
Tương lai của phúc lợi lao động không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp hay chủ sử dụng lao động, mà còn phụ thuộc vào chính sách của các chính phủ. Tuy vậy, theo ông Tim Allen, Giám đốc điều hành Care.com, các doanh nghiệp không nên chờ đợi chính sách.
“Họ cần hành động nhanh chóng để hỗ trợ người lao động tự chăm sóc bản thân và chăm sóc cho người khác, qua đó nâng cao hiệu quả công việc”, ông Allen tuyên bố. “Bình thường mới không nhất thiết phải giống như trước đây. Trên thực tế, sẽ là tốt hơn nếu nó không tương đồng”.