Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký năm 2015 và các năm tới, đặt biệt là Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thị trường chung ASEAN (AEC), chăn nuôi Việt Nam được cho đang đứng trước nguy cơ không thể cạnh tranh được.
Quy mô nhỏ, năng suất thấp
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) kể: “Chúng tôi vừa làm việc với với tỉnh Hà Nam về việc tỉnh này muốn bỏ lúa để trồng cỏ cho bò. Nhưng phải cơ giới hóa để giá cỏ thấp đi, bởi nếu không giá bò lại tăng lên”.
Ông Thành cũng cho biết, ở Việt Nam không tập trung được đất đai nên một số doanh nghiệp đã sang Lào, Campuchia để làm nông nghiệp. “Tôi làm việc với TH Truemilk, họ thu được lượng đất đai lớn nhưng phải 'cõng' mỗi gia đình 1-2 người tham gia. Nếu tập đoàn không có tài chính ứng ra thì khó làm được”, ông Thành cho hay.
Tích tụ đất hiện đang là một trong những khâu quan trọng để thay đổi cơ cấu và phương thức canh tác nông nghiệp, khắc phục sản xuất manh mún hiện nay. Ông Nguyễn Đức Thành dẫn nguồn điều tra nông lâm thủy sản của Tổng cục Thống kê 2011 cho biết, trong số 41.316 hộ chăn nuôi thì số quy mô nhỏ (dưới 10 con lợn/hộ) chiếm tới 86,4%, riêng số hộ quy mô siêu nhỏ (1-4 con lợn/hộ) chiếm 71,6% tổng số hộ chăn nuôi, nhưng chỉ sản xuất 43,2% tổng lượng thịt.
Còn về gia cầm, trong tổng số 7.864 hộ chăn nuôi, số hộ quy mô nhỏ (dưới 100 con gia cầm/hộ) chiếm 89,62% (riêng quy mô siêu nhỏ 1-19 con chiếm 54,39%) nhưng chỉ sản xuất 30% tổng số thịt gia cầm.
Lợn cắp nách ở chợ phiên Lào Cai. Ảnh: Baogiaothong. |
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã khuyến nghị bà con nông dân trồng lúa được chủ động chuyển đổi cây trồng sang các loại có giá trị cao hơn phục vụ cho chăn nuôi như ngô, đậu tương, cỏ… Bên cạnh đó, theo quyết định 825/QĐ/BNN-TT ngày 16/4/2012 và 1006/QĐ/BNN-TT ngày 13/5/2014 của Bộ NN&PTNT, quỹ đất dành cho cây trồng làm thức ăn chăn nuôi sẽ tăng lên đến 100.000 ha năm 2015 và 300.000 ha năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chuyển đổi này diễn ra rất chậm chạp.
Gần 10 triệu người đang hy sinh cho TPP
Hiện nay, thuế nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN rất thấp, chỉ 0-5%. Trong khi đó, thuế áp lên các nước như Australia, New Zealand, Nhật Bản vẫn ở mức cao, đặc biệt ở mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và thịt chế biến. “Như vậy, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan khi gia nhập TPP và AEC, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan (đặc biệt là nông nghiệp) sẽ bị tác động mạnh”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Nông nghiệp gần như là vật hy sinh cho TPP. Chăn nuôi của Việt Nam vẫn đang là sinh kế của gần 10 triệu người nhưng trên 50% quy mô nông hộ ở quy mô nhỏ”, ông Chinh nói.
Khi tham gia TPP, con giống, trang thiết bị, thuốc thú y, động lực học, cơ khí học phục vụ chăn nuôi được nhập khẩu về thì không phải chịu thuế.
Nhưng ngược lại, một số mặt hàng như gạo, gà công nghiệp lông trắng sẽ không có lợi thế. “Ví dụ như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, công ty hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi gà lông trắng, có khoa học, công nghệ, trình độ chăn nuôi không kém gì nước Mỹ. Nhưng người nông dân gia công cho CP thì 1 kg thịt gà hơi lông trắng sản suất có giá là 29.000 đồng. Trong khi đó, theo báo chí đưa tin, 1 kg đùi gà Mỹ có giá 20.000 đồng. Như vậy có thể thấy được sức cạnh tranh của ta hiện đang như thế nào”, ông Chinh đặt vấn đề.
Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi an ủi, chúng ta cũng có những mặt hàng có thể cạnh tranh được như: gà lông màu, vịt, trứng vịt, các loại lợn nội có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn cắp nách…
Ông Chinh cũng cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành một Nghị định và một Quyết định để định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong đến 2020, nhưng vấn đề là đợi ngân sách bố trí để thực hiện những chính sách ấy giúp doanh nghiệp và nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, thích ứng được.
Theo điều tra của VEPR, sản lượng thịt xẻ của ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2014 vào khoảng 2.628.000 tấn thịt lợn, 5.351.6.000 tấn thịt gà và 119.000 tấn thịt bò. Nếu so con số này với mức ước tính tổng tiêu thụ nội địa năm 2014 là 3.034.000 tấn, trong đó 2.035.000 tấn thịt lợn, 703.000 tấn thịt gà và 296.000 tấn thịt bò, thì có thể thấy rằng, sản xuất chăn nuôi trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa, dẫn đến nhập từ nước ngoài.