Theo kết quả nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nếu gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ là quốc gia có mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo phần trăm; đồng thời cũng là nước đạt mức tăng phúc lợi kinh tế lớn nhất tính theo tỷ lệ thay đổi.
Nghiên cứu này cho rằng, hầu hết các nước tham gia TPP sẽ tăng phúc lợi kinh tế. Trong trường hợp hàng rào thuế quan giữa các nước tham gia hiệp định được gỡ bỏ, cùng với cắt giảm 7% hàng rào phi thuế quan trong khối, Việt Nam sẽ đạt mức tăng phúc lợi theo phần trăm lớn nhất với 5,4%.
Nếu kịch bản lạc quan nhất diễn ra, Việt Nam sẽ đạt tương đương 6,1 tỷ USD tăng trưởng phúc lợi. Ở chiều ngược lại, nhóm những nước không tham gia TPP, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ bị giảm tương đối trong phúc lợi kinh tế.
Với giả định nguồn lực cho sản xuất là cố định, các ngành sẽ cạnh tranh nhau đối với những yếu tố đầu vào như lao động và vốn cho sản xuất bằng các đề nghị lương hay mức giá cho thuê cao hơn.
Hầu hết các nước tham gia TPP sẽ tăng phúc lợi kinh tế sau khi hiệp định có hiệu lực. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong trường hợp hàng rào thuế quan giữa các nước tham gia TPP được gỡ bỏ, cùng với cắt giảm 7% hàng rào phi thuế quan, mức lương cho lao động phổ thông tăng 12,4% và cho lao động có kỹ năng tăng 14,3%. Hai con số này tương đương 39 tỷ USD và 19 tỷ USD, khi tổng giá trị đầu vào lao động tăng với lương được điều chỉnh.
Về đầu tư, mức tăng của Việt Nam sẽ gấp đôi Australia, Malaysia và Mỹ, tính theo giá trị. Việt Nam cũng chứng kiến sự thu hẹp của các ngành kém lợi thế hoặc đang suy giảm, như thịt lợn, gà, sữa... Trong khi đó, nền kinh tế sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong những ngành có lợi thế và ngành ít thương mại như dệt, may hay xây dựng.
"Đây là bản báo cáo định lượng đầu tiên được công bố liên quan tới ảnh hưởng TPP đến Việt Nam do một nhóm nghiên cứu trong nước thực hiện. Báo cáo được tiến hành dựa trên những giả thiết và sử dụng mô hình GTAP tiêu chuẩn quốc tế", tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết.