Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tướng Giáp cương quyết thời chiến, cởi mở thời bình'

Theo báo New York Times, Đại tướng là nhà cầm quân cứng rắn với kẻ thù trong chiến tranh, nhưng thời bình ông ủng hộ cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Sau khi đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, New York Times, một trong những tờ báo hàng đầu tại Mỹ, viết về ông như sau:

Võ Nguyên Giáp, vị tướng có sức lôi cuốn mạnh mẽ và chưa bao giờ nao núng từng đẩy Pháp và Mỹ ra khỏi Việt Nam, đã qua đời hôm 4/10 tại Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1955. Ảnh: AFP.

Vị tướng huyền thoại là người cuối cùng trong thế hệ những nhà cách mạng đầu tiên giải phóng Việt Nam khỏi ách thực dân Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ. Trong những năm sau này, ông là biểu tượng sống của một cuộc chiến dai dẳng nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.

Trong thời chiến, tướng Giáp tỏ ra là người cứng rắn, cương quyết. Nhưng trong thời bình, ông ủng hộ cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Ông cũng cảnh báo những thiệt hại môi trường do quá trình công nghiệp hóa gây nên.

Vốn là một giáo viên, nhà báo và chưa từng trải qua bất kỳ trường quân sự nào, Võ Nguyên Giáp xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người. Đội quân ấy, với tinh thần kỷ luật rất cao, đã đánh bại hai đế quốc và thống nhất một đất nước.

Tướng Giáp tỏ ra là người bặt thiệp theo kiểu Pháp, hoạt bát và uyên bác. Ông biết cách sử dụng sức hút cá nhân để động viên chiến sĩ, hun đúc tinh thần yêu nước của họ. Những người hâm mộ đặt ông ngang hàng với những nhà chỉ huy quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Trong hai cuộc chiến, tướng Giáp hiểu điều mà các đối thủ của ông không hiểu. Chẳng hạn, ông hiểu rằng, trong thời đại của truyền hình, cuộc chiến truyền thông cũng quan trọng chẳng kém cuộc chiến trên trận địa. Điều đó thể hiện rõ trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy năm 1968. Bộ đội chính quy và du kích đã tấn công hàng loạt mục tiêu quân sự và 40 trung tâm hành chính tỉnh ở miền nam. Tướng Giáp ra lệnh tổng tiến công nhằm tạo tiền đề cho sự nổi dậy của nhân dân trong lòng địch và chứng minh rằng quân đội Mỹ cũng có thể bị đánh bại, dù họ là lực lượng hùng mạnh và hiện đại nhất thế giới.

Chiến dịch Tết Mậu Thân không giúp tướng Giáp đạt được mục tiêu cao nhất, song nó diễn ra trong bối cảnh tâm lý phản chiến đang dâng cao tại Mỹ. Những cảnh tượng tàn bạo của cuộc chiến trên các kênh truyền hình đã dẫn tới một làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Làn sóng biểu tình ấy khiến tổng thống Lyndon Johnson quyết định không tái tranh cử. Với việc Richard Nixon vào Nhà Trắng vào tháng 11 năm đó, quá trình rút quân của Mỹ bắt đầu.

Tướng Giáp nghiên cứu các học thuyết quân sự của Mao Trạch Đông, người từng nhận định rằng hoạt động truyền bá tư tưởng, phá hoại trong lòng địch và kháng chiến trường kỳ theo kiểu du kích là điều kiện tiên quyết để một cuộc cách mạng thành công.

“Ông ấy tích lũy kinh nghiệm từ các sai lầm và không bao giờ để sai lầm tái diễn”, tướng Marcel Bigeard, người từng chiến đấu với bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách là đại tá của lực lượng lính dù, nói với Peter G. Macdonald, một trong những người viết tiểu sử về tướng Giáp.

Vào những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Tổng thống John F. Kennedy tỏ ra lo ngại khi quân đội cộng sản tăng cường chiến tranh du kích để chống chế độ của Ngô Đình Diệm ở miền nam. Tới thời điểm Kennedy bị ám sát vào năm 1963, Mỹ đã đưa hơn 16.000 quân tới miền nam Việt Nam.

William Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chủ trương tận dụng sự vượt trội hơn về vũ khí trong cuộc chiến với quân đội miền bắc. Vị tướng này đo thành công của ông ta bằng số tử thi của đối phương. Mặc dù quân giải phóng không thể sánh với đối thủ về vũ khí, tướng Giáp vẫn nhanh chóng nhận ra rằng những vụ ném bom và bắn giết bừa bãi của quân ngụy và quân Mỹ đã gây nên tổn thất rất lớn về sinh mạng dân thường – một yếu tố khiến dân chúng căm ghét chế độ ở miền nam.

Khi cuộc chiến rơi vào tình thế giằng co và người Mỹ ngày càng tỏ ra chán nản với con số thương vong của binh sĩ, tướng Giáp đã nói với một nhà báo châu Âu rằng: “Đối với người Mỹ, miền nam Việt Nam là một cái hố không đáy”.

Vào ngày 30/1/1968, hơn 80 nghìn bộ đội tấn công các căn cứ quân sự và 40 thành phố ở miền nam Việt Nam trong chiến dịch Tết Mậu Thân. Sự dữ dội của cuộc tấn công cho thấy quyết tâm chiến thắng của Hà Nội, đồng thời làm lung lay ý chí của dư luận và giới lãnh đạo Mỹ.

“Mục tiêu của chiến dịch Tết Mậu Thân là tác động tới người dân miền nam Việt Nam. Nhưng hóa ra nó tác động nhiều hơn tới người dân Mỹ. Cho tới Tết Mậu Thân, người dân Mỹ nghĩ rằng họ sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến, nhưng sau đó họ hiểu rằng họ sẽ không thể thắng”, tướng Giáp nói.

Khi nói chuyện với Stanley Karnow, một nhà báo Mỹ, vào năm 1990, tướng Giáp nói rằng quân giải phóng thực hiện chiến dịch Mậu Thân để người Mỹ thấy rằng miền bắc chưa kiệt sức, rằng bộ đội có thể tấn công các kho đạn, hệ thống liên lạc, các đơn vị tinh nhuệ, thâm chí cả các trung tâm đầu não của đối phương.

“Chúng tôi muốn đưa cuộc chiến vào nhà của người dân Mỹ, vì chúng tôi biết phần lớn họ không chống lại chúng tôi”, ông nói.

Trong những năm cuối đời, tướng Giáp tiếp nhiều khách nước ngoài trong biệt thự của ông ở Hà Nội. Ông đọc sách văn học phương Tây, thưởng thức những tác phẩm của Beethoven và Liszt, đồng thời trở thành người ủng hộ việc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua những cải cách kinh tế thị trường.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi trước đây là sự xâm lược của nước ngoài. Giờ đây Việt Nam đã độc lập và thống nhất, chúng tôi lại tiếp tục giải quyết thách thức lớn nhất: nghèo đói và sự tụt hậu về kinh tế. Đất nước của chúng tôi giống như một người ốm trong thời gian dài. Trong khoảng thời gian Việt Nam hứng chịu chiến tranh, các nước xung quanh chúng tôi đã phát triển khá nhanh. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục chiến đấu”, ông nói với Neil Sheehan, một nhà báo Mỹ, vào năm 1989.

 

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm