Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo Mỹ ca ngợi thế trận chiến tranh nhân dân của tướng Giáp

Tờ Washington Post dành 5 trang để viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi vị anh hùng của Việt Nam qua đời. Bài báo ca ngợi tư duy chiến lược quân sự của ông, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân.

Chúng tôi lược dịch bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên báo Washington Post.

Võ Nguyên Giáp, vị chỉ huy quân sự và anh hùng dân tộc từng thành lập một quân đội để đánh bại Pháp và Mỹ trong cuộc chiến 30 năm tại Đông Nam Á, đã qua đời. Sinh thời ông được coi là một trong những người sáng lập đất nước Việt Nam. Với các học giả quân sự khắp thế giới, ông là một trong những nhà chiến lược hàng đầu trong việc áp dụng nghệ thuật chiến tranh du kích hiện đại.

"Với 34 người trong một khu rừng ở miền bắc Việt Nam vào tháng 12/1944, tướng Giáp xây dựng một đơn vị chiến đấu rồi phát triển đơn vị ấy thành quân đội nhân dân Việt Nam. Ban đầu, toàn bộ vũ khí của họ gồm hai khẩu súng lục ổ quay, một súng máy hạng nhẹ, 17 súng trường và 14 súng kíp. Một số khẩu súng của họ ra đời trong chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905)", Cecil B. Currey, người viết tiểu sử về tướng Giáp, cho biết.

34 chiến sĩ đầu tiên đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ nghiêm trang. Họ thề chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam tới hơi thở cuối cùng và cam kết không giúp đỡ hay hợp tác với các thế lực thực dân và nước ngoài. Tới tháng 8/1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc bằng việc Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh, họ đã trở thành một đội quân gồm 5.000 người, với những vũ khí của Mỹ. Hồi ấy Mỹ cấp vũ khí cho đội quân của tướng Giáp để giúp họ chống lại quân phát xít Nhật.

Suốt gần ba thập kỷ, tướng Giáp đã lãnh đạo quân giải phóng trong cuộc chiến với những kẻ thù hùng mạnh và được trang bị vũ khí hiện đại hơn nhiều. Năm 1954, ông kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương bằng chiến dịch vây hãm cứ điểm Điện Biên Phủ trong 55 ngày đêm. Đối với hàng triệu người Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là thắng lợi quân sự. Nó còn là chiến thắng về tâm lý và tinh thần đối với một nước đế quốc đã áp bức họ trong vài chục năm. Chiến thắng ấy cũng khiến tên tuổi của tướng Giáp trở thành một huyền thoại.

21 năm sau, vào  ngày 30/4/1975, chế độ ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, khép lại một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt giữa những người cộng sản ở miền bắc và chính phủ do cường quốc hùng mạnh nhất thế giới hậu thuẫn ở miền nam. Sau này tướng Giáp nói rằng thời khắc hạnh phúc nhất trong đời ông diễn ra khi ông nghe tin chế độ Sài Gòn tan rã.

Trong đời binh nghiệp, tướng Giáp chỉ huy vài triệu chiến sĩ trong quân đội chính quy. Đội quân của ông phối hợp với bộ đội địa phương, du kích và dân quân trên khắp lãnh thổ Việt Nam để xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Ông áp dụng một chiến thuật để kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy: mai phục, phá hoại cơ sở hạ tầng, gián điệp, tấn công trong lòng địch và giao chiến trên trận địa. Vị tướng huyền thoại đẩy thế trận chiến tranh nhân dân tới mức cao nhất. Trong thế trận ấy, các thôn nữ vận chuyển vũ khí, đạn và những thứ khác ra tiền tuyến,  trẻ em báo tin về những đơn vị đối phương qua các làng, mọi người dân đều canh chừng máy bay địch.

“Mọi người dân Việt Nam đều là chiến sĩ. Tất cả làng mạc và đường phố đều là pháo đài. Cả đất nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Trong chiến trường ấy, chúng tôi bao vây, tấn công và đánh bại kẻ thù”, tướng Giáp từng nói.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy trong nghệ thuật động viên và tổ chức quần chúng trong chiến lược chiến tranh nhân dân. Ảnh tư liệu.

Để tồn tại, tướng Giáp phải linh hoạt, có khả năng thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh và ông đã chứng tỏ được phẩm chất ấy. Trước những đợt ném bom và pháo kích rầm rộ của Mỹ, ông áp dụng một chiến thuật cận chiến. Nó giống như việc võ sĩ quyền Anh tóm vào đai của đối thủ, kéo lại gần để cú đấm trở nên hiệu quả hơn. Trong cận chiến, bom và đạn pháo của kẻ thù không thể phát huy hết uy lực, nhưng bộ đội lại có thể chiến đấu hiệu quả hơn.

Cuối cùng đội quân của tướng Giáp đã giành ưu thế trước kẻ thù nhờ chiến lược trường kỳ kháng chiến. Người dân Pháp tỏ ra mệt mỏi trước cái giá mà họ phải trả để chiến đấu ở Việt Nam. Nước Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự sau khi hơn 58.000 người Mỹ chết và Washington sa lầy bởi cuộc chiến ở quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé.

“Đế quốc Mỹ muốn đánh nhanh. Một cuộc chiến dai dẳng là thất bại lớn đối với họ. Tinh thần chiến đấu của họ thấp hơn cả cây cỏ. Những cuộc chiến giải phóng dân tộc cần một khoảng thời gian dài để thành công. Người Mỹ không hiểu rằng chiến sĩ của chúng tôi tồn tại ở khắp nơi và họ không có cơ hội để khiến chúng tôi cảm thấy bất ngờ”, tướng Giáp bình luận.

Ít nhất một tướng Mỹ đã phát hiện chiến lược của tướng Giáp ngay từ khi Lầu Năm Góc bắt đầu can dự vào Việt Nam. Trong một biên bản ghi nhớ dành cho tổng thống Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara vào năm 1966, tướng Victor Krulak thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ, đã khẳng định: “Tướng Giáp từng tin chắc rằng nếu tổn thất về nhân mạng và tài chính đủ lớn, người Pháp sẽ tự đánh bại họ ở Paris. Ông ấy đã đúng. Rất có thể ông ấy đang nghĩ tới điều tượng tự đối với Mỹ”.

Là bậc thầy về quản lý và vận tải quân sự, tướng Giáp chỉ đạo hoạt động xây dựng, bảo dưỡng và vận hành đường mòn Hồ Chí Minh – tuyến đường huyết mạch để đưa người và vũ khí từ miền bắc tới tiền tuyến ở miền nam. Dưới sự chỉ huy của ông, khoảng 100.000 người Việt và Lào đã vận chuyển hàng hóa qua vô số đầm lầy và rừng rậm, lên rồi xuống những quả núi để đưa những thứ cần thiết tới chiến trường. Từ mạng lưới những đường mòn trên núi mà người dân sử dụng từ vài thế kỷ, họ tạo ra một hệ thống đường, kho, hầm, doanh trại, bệnh viện với tổng chiều dài lên tới 20.000 km. Phần lớn hệ thống đó nằm ở miền trung của Lào. Một số đoạn đường mòn đó là đường lát đá hai làn, cho phép xe tăng và xe tải hạng nặng chạy qua. Những phần khác chỉ là những đường đất bụi bặm hoặc lầy lội. Họ cũng xây dựng hầm tránh bom, trạm dừng chân và cầu trên tuyến đường mòn. Công binh phải sửa chữa và nâng cấp tuyến đường mòn liên tục do hoạt động phá hoại của không quân Mỹ.

Nhiều người ở Việt Nam ví tướng Giáp như “núi lửa dưới tuyết”, bởi bề ngoài ông là người điềm đạm, song tinh thần chiến đấu luôn sôi sục trong tâm trí ông. Những người từng làm việc cùng tướng Giáp nói rằng ông luôn tỏ ra là người tràn trề sinh lực và quan tâm tới bạn bè.

Vài năm cuối của thập niên 40, tướng Giáp đã đạo diễn những chiến dịch tấn công du kích vào quân Pháp. Chủ trương của ông là tìm cách để đối phương tiêu hao sinh lực bởi những cuộc truy lùng bộ đội và du kích trong các khu vực hẻo lánh, hoặc buộc họ phải dồn quân vào một nơi để ông tiêu diệt dần. “Hãy dùng mồi nhử, mai phục và đánh nghi binh. Quân số của kẻ thù có thể lớn gấp 10 lần chúng ta, nhưng nếu chúng ta buộc họ phải phân tán lực lượng trên địa bàn rộng, quân số của chúng ta có thể lớn gấp 10 lần họ ở nơi mà chúng ta tấn công họ”, tướng Giáp từng viết như vậy trong cẩm nang dùng binh.

Quân giải phóng từng lùi bước tạm thời trong chiến dịch Sông Hồng vào năm 1951, song Việt Minh đã tập hợp lại lực lượng và đập tan quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào năm 1954. Chỉ một tháng trước khi cuộc vây hãm Điện Biên Phủ kết thúc, một số quan chức quân sự cấp cao của Pháp đã tới Washington để yêu cầu Mỹ hỗ trợ. Tại đây, vào  ngày 7/4/1954, Tổng thống Dwight D. Eisenhower tuyên bố: “Các ngài đã dựng lên một dãy domino và các ngài làm đổ cái đầu tiên. Chắc chắn domino cuối cùng sẽ đổ rất nhanh. Việc mất Đông Dương sẽ gây nên sự sụp đổ ở Đông Nam Á, giống như hiệu ứng domino”.

Mỹ không hề trợ giúp Pháp trong trận Điện Biên Phủ, song lý thuyết domino của Eisenhower sẽ ảnh hưởng tới chính sách quân sự của Mỹ tại Đông Dương trong hai thập niên tiếp theo.

Sau hội nghị Geneva, Việt Nam bị chia cắt thành hai phần: miền bắc và miền nam. Ở miền nam Mỹ thay thế Pháp để trở thành thế lực nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất. Tới những năm đầu thập niên 60, binh lính Mỹ bắt đầu tới miền nam với tư cách là cố vấn cho quân đội Việt nam Cộng hòa. Quân giải phóng đưa quân và quân nhu về phía nam để thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các đơn vị du kích miền nam bắt đầu tấn công binh sĩ và cơ sở quân sự của ngụy quyền. Tình hình đó buộc Nhà Trắng tăng mức độ hỗ trợ miền nam. Vào năm 1968, số lượng quân nhân Mỹ ở đây đã tăng tới mức 500.000.

Bước ngoặt của cuộc chiến xảy ra vào năm 1968, khi quân giải phóng tiến hành cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Để thực hiện chiến dịch này, tướng Giáp đã ra lệnh cho 100.000 bộ đội cùng quân nhu tập kết tại các vị trí chiến lược trên khắp miền nam. Vào ngày 30/1, quân giải phóng tấn công 40 trung tâm hành chính của các tỉnh và các thành phố lớn. Thậm chí họ còn tấn công cả đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Dù quân giải phóng không đạt được mục tiêu mà họ đề ra, cuộc tổng tấn công Mậu Thân đã khiến niềm tin của người dân Mỹ đối với chính sách của Nhà Trắng giảm mạnh và dẫn tới quyết định không tranh cử nhiệm kỳ hai của tổng thống Lydon Johnson.

Trong 4 năm tiếp theo, tướng Giáp chỉ đạo quân giải phóng tấn công quân ngụy và quân Mỹ bằng lối đánh du kích. Sự can dự của Mỹ vào miền nam chính thức kết thúc vào tháng 1/1973, khi Washington ký hiệp định hòa bình và rút lực lượng ra khỏi miền nam. Thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, chính quyền Sài Gòn sụp đổ hai năm sau đó.

“Lính Mỹ cũng giống như mọi người lính khác. Khi tướng chỉ huy sáng suốt, họ sẽ chiến đấu hiệu quả”, tướng Giáp từng nói như vậy khi một cựu quân nhân Mỹ hỏi ông về bí quyết chỉ huy quân đội.

 

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm