Một hôm, Tư Mã Ý đang u sầu ủ dột, đột nhiên nghe thấy quân do thám về báo rằng: “Gia Cát Lượng đã chết, an táng tại núi Định Quân, nghe thấy mọi người đồn nhau, thiên thư cũng được chôn theo ở trong mộ".
[..]
Tư Mã Ý dẫn binh mã đến núi Định Quân, chỉ thấy ở lưng chừng núi vừa mới xây xong một ngôi miếu điện cao lớn, trước điện có một cổng bài phương lớn, trên bài phường có một bức hoành to bằng đá, trên bức hoành đề sáu chữ lớn là “GIA CÁT VŨ HẦU CHI MỘ”.
Nhìn ra phía sau bài phường, tịnh không bóng người. Tư Mã Ý đang định bước vào, đột nhiên ông bèn lui ra vài bước, nghĩ bụng, nói không chừng Gia Cát Lượng đặt mai phục ở đây thì sao?
Bèn ra lệnh cho lính đinh vào trong tra xét do thám. Một lúc sau, binh đinh ra bẩm báo rằng: “Bên trong quả thật không có lấy một người. Lúc này, Tư Mã Ý mới yên tâm mà can đảm bước qua bài phường đi vào bên trong đại điện.
Trong đại điện dựng ba bức tượng thần nhìn ra cửa, bên trái có một đồng tử ôm một thanh kiếm trong lòng, bên phải có một đồng tử tay bưng một chiếc diêu cầm. Bức tượng thần chính giữa đầu đội luân cân bằng tơ, mình mặc áo bát quái, tay cầm vũ mao phiến, ba chòm râu dài, mặt như quan ngọc, phiêu diêu như thần tiên giáng trần, hình giống như Gia Cát Khổng Minh danh trấn tam quốc.
Tư Mã Ý trông thấy bức tượng thần của Gia Cát Lượng, không thể không khiến mình nhớ lại những chuyện cũ, kế như không thành kế, bát quái trận, Hồ Lô Cốc, trong lòng chợt bùng lên một ngọn lửa vô danh, quả muốn xô ngã bức tượng thần này ngay tức khắc.
Nhưng chợt nghĩ lại, hắn đã là người thiên cổ, từ giờ trở về sau, trên thế gian này còn ai có thể chống cự được với ta chứ? Niệm chút tình đồng môn, ta nên bái hắn một bái vậy! Bèn ra lệnh cho binh đinh đốt đèn thắp hương.
Tư Mã Ý tiến lên vài bước, lễ trước tượng Gia Cát Lượng. Nào ngờ sau cái lạy này, cơ thể ông như thể đã cắm rễ xuống đất vậy, không thể đứng dậy được nữa. Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu vội vàng tiến lên dìu đỡ, cũng không thể đỡ dậy được.
Tư Mã Ý kinh hãi đến độ hồn bay phách tán. Đang lúc tuyệt vọng, ông ngẩng đầu nhìn lên trên rường kèo ở nóc điện có vài hàng chữ nhỏ:
Niệm tại đồng song nghị,
Nhiêu nhĩ nhất mênh quy.
Thoát tận khôi hoà giáp,
Phương khả ly thử địa.
(Giảng nghĩa: Niệm cái tình đồng môn, tha cho ngươi một mạng để quay về, cởi bỏ hết khôi giáp, mới được phép rời khỏi chốn này).
Tư Mã Ý vội vàng bảo hai con giúp mình cởi bỏ khôi giáp, lúc này mới có thể đứng dậy được. Ông lại ra lệnh cho binh sĩ đào đất lên mà xem, thì ra ở phía dưới đất ấy chôn một khối đá nam châm rất lớn.
Tư Mã ý xấu hổ mà thành giận, chẳng thể ngờ được là Gia Cát Lượng sau khi chết rồi mà vẫn xém hại đến tình mạng mình.
Càng nghĩ càng giận, ông bèn rút Thanh phong bảo kiếm ra, chém mạnh đứt hết tay chân tượng Gia Cát Lượng, rồi ra lệnh cho hai người con trai và binh lính thảy cùng xông lên, bên trái thì xô ngã tượng đồng tử ôm kiếm, bên phải thì đá đổ đồng tử bưng đàn, rồi xô ngã tượng Gia Cát Khổng Minh ở chính giữa.
Nghe một tiếng vang to “ầm”, tượng đắp của Gia Cát Lượng đổ xuống đất, phía dưới lại hiện ra một tấm bia đá, trên đó viết vài hàng chữ:
Khả hận đồng song hữu,
Huỷ tượng tình bất lưu.
Tặng thư Khương Bá Ước,
Dữ sư báo thử cừu.
(Giảng nghĩa: Đáng giận thay người bạn đồng môn, hủy tượng thì không còn tình nghĩa gì nữa cả, tặng thư cho Khương Bá Ước (tức Khương Duy) để báo thù này cho thầy.
Tư Mã Ý xem xong văn khắc, cười khẩy một trận, dẫn hai người con trai đến đằng sau đại điện, thấy một ngôi mộ lớn có đá xanh lát phía trên. Ông nhìn bên trái, nghía bên phải, quan sát một lượt từ trước ra sau, bên trái bên phải, không thấy có vết tích gì khả nghi, bèn ra lệnh cho mọi người mở cửa mộ ra.
Bản tính Tư Mã Ý đa nghi, lúc này e là lại trúng kế của Gia Cát Lượng. Nhưng mà thiên thư đang ở ngay trước mắt, để người khác vào thì mình lại không yên tâm, bèn quyết kế mạo hiểm chui vào.
Ông ra lệnh cho quân sĩ châm đuốc, để Tư Mã Sư cầm kiếm đi ở đằng trước mở đường, Tư Mã Chiêu bám chặt ở đằng sau, còn mình thì ở giữa. Ba cha con tiến vào bên trong ngôi mộ, một chân rón, một chân rén, sờ bên Đông, ngó bên Tây.
Tư Mã Ý sở thấy đầu quan tài, đột nhiên chạm phải một chiếc hộp nhỏ, trong bụng cả mừng, lập tức ôm hộp sách vào trong lòng, vội vàng chạy ra ngoài cửa mộ. Ông ta phủi phủi bụi đất bám trên người, bảo hai con trai dẫn binh sĩ đi sang một bên, rồi mình mới cẩn thận nhẹ nhàng mở chiếc hộp sách ra.
Chỉ thấy bên trong đó gói một tấm lụa màu vàng, mở tấm lụa vàng ấy ra, ồ, quả thật là bộ kỳ thư của thầy! Tư Mã Ý vui mừng quên giận, đang định mở quyển sách đó ra xem kỹ, đột nhiên nhớ lại năm xưa từng mắc một cú lừa của thầy, giờ đây không được mắc mưu của Gia Cát Lượng nữa.
Ông suy nghĩ một lúc, rồi mỉm cười, nói thì thầm một mình: “Hứ! mình sẽ xem ngược lại từ đằng sau”. Ông lập tức lật ngược sách lại, lật từng trang từng trang một mà xem ngược về đằng trước.
Tư Mã Ý đọc sách thì có một thói quen, chính là lấy ngón tay liếm nước bọt mà lật sách, bỗng cảm thấy trời đất xoay chuyển, hoa mắt buồn nôn, chợt nhìn thấy trên đầu sách có một hàng chữ nhỏ:
Hại nhân phản hại kỷ,
Độc tễ Tư Mã Ý.
(Giảng nghĩa: Hại người mà ngược lại hại mình, đầu độc giết chết Tư Mã Ý).
Tư Mã Ý xem xong, ruột gan đứt đoạn, bất giác ngẩng mặt lên trời mà thở dài, nước mắt như mưa. Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu nhìn thấy, vội vã chạy đến. Tư Mã Ý khóc và nói rằng: “Tên Gia Cát Lượng đáng ghét, đã chết rồi mà vẫn hại được ta”.
Ba cha con ôm đầu mà khóc, quả thật là gọi trời mà trời không thấu, kêu đất đất không nghe. Trong phút chốc độc tính phát tác, Tư Mã Ý hộc máu tươi, ngã “phịch” xuống đất, hai mắt mở trừng trừng, mạng tuyệt thân vong.
Sự việc này được gọi là “Tượng đất Gia Cát trị Trọng Đạt chết tươi”.