Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi trẻ hy sinh và cống hiến

Được cử sang Liên Xô học, nhưng Nguyễn Minh Khôi đã từ chối cơ hội này, vì anh suy nghĩ “Lúc đất nước cần tuổi trẻ hy sinh và cống hiến, mình lại không có mặt thì em không thể".

Năm 1955-1958, quan hệ giữa bố tôi và anh Khôi từ khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bề ngoài là yên bình và phải đạo, nhưng bên trong, dường như vẫn ẩn náu những sóng ngầm. Tôi biết bố tôi rất thương yêu anh, một thứ tình yêu nhẫn nại và thiên vị, không phải chỉ vì anh là con trai trưởng, là cháu đích tôn của dòng họ Nguyễn Hữu, vì thực tâm, bố tôi trân trọng dòng họ Đỗ Mai Lĩnh ở Xuân Mai, Phúc Yên bên mẹ tôi hơn. Cũng không phải anh Khôi luôn xuất sắc cả trong việc học hành lẫn quan hệ cộng đồng, vì riêng phần này, bố tôi không những không thích mà còn nhiều lo lắng về những biến động khôn lường.

Lo lắng đấy, nhưng can ngăn thì không. Đối với những sơ sót của anh trong vụ lao động gây quỹ giúp bạn nghèo ở Phà Đen, vụ “cách mạng” chuồng xí ở Trần Nhật Duật, ông đều tỏ ra rộng lượng, mặc dù sau mỗi vụ, nỗi lo lắng về anh lại chồng chất cao hơn. Trong khi anh Khôi, có lẽ tin rằng mình đã rất hiểu bố nên không nghĩ tới những nỗi lo của bố. Khi sự lo lắng quá giới hạn thì sóng ngầm sẽ nổi lên thành bão.

Năm cuối cấp hai của anh Khôi, trường Chu Văn An của anh tổ chức cho học sinh đi lao động nhiều ngày ở nông trường An Khánh, Xuân Mai, Hòa Bình. Đây là nông trường của anh em bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève 1954, chia cắt hai miền Nam Bắc. Những ngày sống và làm việc ở đây, anh Khôi, với bản tính quảng giao, chan hòa, luôn thu hút những người quanh mình, đã kết thân được với nhiều người…

Sau đợt lao động này, các anh ở nông trường, vào những dịp chiều thứ bảy, chủ nhật, kéo nhau về Hà Nội, tụ tập ở Câu lạc bộ Thống Nhất, nằm ở góc đường Lê Thái Tổ, Hàng Trống, nơi dành riêng cho những sinh hoạt, hội họp, của cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết, cách nhà tôi chưa đầy trăm mét. Các anh đều thích kéo nhau về nhà tôi, coi anh Khôi là em kết nghĩa, còn bố tôi thì các anh nhận là bố nuôi. Họ còn nói vui nhà tôi là Câu lạc bộ Thống Nhất 2.

Những năm tháng đó, Hà Nội được gọi là vùng từng bị địch tạm chiếm. Cán bộ quản lý thành phố các cấp, các ngành, hầu hết từ chiến khu về, thường xuyên được nhắc nhở phải tuyệt đối đề cao cảnh giác để không bị “ăn đạn bọc đường”. Còn học sinh từ lớp năm trở lên, mỗi đầu niên khóa đều phải khai lại lý lịch gia đình. Nhà nào có người làm việc hoặc dính líu ít nhiều đến chế độ cũ thì có cố giấu cũng không giấu được, còn nhà có người di cư vào Nam không ai biết thì sống để bụng, chết mang theo.

Giờ, được sống giữa những người miền Nam thoải mái, phóng khoáng, nghĩ gì nói đó, kiểu một ngày sống bên nhau cũng là đồng hương, bố tôi như một người khác hẳn, tri âm gặp tri kỷ, ông cũng nghĩ gì nói đó, ôn lại những ngày tháng mình từng sống trong Nam, với các “đồng hương”. Gia đình tôi ảnh hưởng rất nhiều từ nếp sống khắc kỷ và phải đạo bên gia tộc Mai Lĩnh của mẹ tôi, với gam màu chủ đạo là trầm và ít sôi động, nên ngày nào bố tôi vui là cả nhà đều vui.

Chính những ngày bố tôi cởi mở cùng các khách từ nông trường, tôi - thằng bé luôn nghe hóng chuyện người lớn - mới biết bố từng làm báo và xuất bản ở Sài Gòn thời mặt trận Bình Dân mấy năm 1936-1939; cụ ngoại là Đỗ Văn Phong, nhân sĩ chống Pháp, vượt ngục ở Guyana về, sống rồi mất tại Bạc Liêu năm 1931; cậu ruột Đỗ Hữu Bảo là rể Bến Tre, bộ đội Việt Minh, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp 1947; dì ruột Đỗ Thị Doanh làm dâu ở Sài Gòn từ năm 1941… Trước đó tôi chỉ biết chuyện ông bà ngoại, gia đình dì Diệu, cùng gần nửa gia tộc Mai Lĩnh đã di cư vào Nam năm 1954 đang ở Sài Gòn, điều mà hiển nhiên là bố tôi đã dặn có chết cũng phải giấu.

Linh ung anh 1

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trong bảo tàng NXB Mai Lĩnh (Ảnh chị Bích Ngân chụp Tết Nhâm Dần 2022). Nguồn: firstnews.

Trong số các khách nông trường Xuân Mai có trung tá Huỳnh Văn Dương, tức Bảy Dương. Anh là dân Sài Gòn - Gia Định ra Bắc tập kết, là cấp phó phụ trách nông trường. Từ việc quý anh Khôi, đến việc biết bố tôi, hai bên trò chuyện mới vỡ ra bố anh cũng là dân làm báo ở Sài Gòn. Sau, anh Bảy được điều về Hà Nội, công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, thường xuyên qua lại nhà tôi như người trong gia đình.

Một buổi tối, anh Bảy đến nhà gặp bố tôi. Sau đó, bố tôi gọi anh Khôi ra phòng khách.

- Những ngày qua, bố có nhờ anh Bảy lo một việc hệ trọng về tương lai của con. Vì không biết việc có thành hay không, nên bố vẫn giấu, không cho con biết. Nay việc đã xong, bố mới gọi con để báo tin mừng.

Anh Khôi nhìn anh Bảy:

- Chuyện gì thế ạ?

Bố tôi bảo anh Bảy:

- Con cho em biết đi.

Anh Bảy nói:

- Anh đã thu xếp xong các thủ tục để em nằm trong số một trăm học sinh Việt Nam xuất sắc được cử sang Liên Xô học vào tháng sáu này. Đây là lứa được Trung ương chủ trương đưa đi đào tạo làm lực lượng kế thừa trong tương lai…

Anh Khôi:

- Thật là quá bất ngờ. Được đến quê hương cách mạng tháng Mười, cái nôi của cách mạng vô sản thế giới, thiên đường của chủ nghĩa xã hội, là mơ ước của bao nhiêu người.

- Như vậy, tháng sáu này sẽ đi. Tức là ngay từ bây giờ, phải lo các thủ tục giấy tờ ở trường Chu Văn An, rồi cắt chuyển hộ khẩu, làm hộ chiếu xuất cảnh…

Anh Khôi đắn đo:

- Em biết phải rất thương em, anh mới dành được cho em cơ hội đi học này, nhưng em có ý kiến được không?

- Em cứ nói.

- Được đi học em rất mừng, nên để mất cơ hội này, em sẽ rất tiếc. Tuy nhiên, em đang là một Đoàn viên Thanh niên Cứu quốc. Đất nước tuy hòa bình, nhưng vẫn hai miền chia cắt, kẻ thù Mỹ - Diệm vẫn ở bên kia bờ Bến Hải, trong khi miền Bắc đang vô vàn khó khăn về mọi mặt… nên em muốn nhường suất đi này cho bạn khác… Em sẽ học vào lúc khác… Lúc đất nước cần tuổi trẻ hy sinh và cống hiến, mình lại không có mặt thì em không thể.

Bố tôi quá bất ngờ, gắt:

- Con tưởng đây là chuyện đùa chắc?

Anh Bảy vội xuê xoa:

- Con xin bố bình tĩnh. - Rồi anh tiếp tục nói với anh Khôi. - Em nói về hiện tại của đất nước thì rất đúng và anh càng quý em hơn. Nhưng tương lai thì sao? Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không chuẩn bị lực lượng cho tương lai, khi thống nhất đất nước mới lo thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với thế giới.

Anh Khôi:

- Thiếu em thì vẫn có hàng vạn bạn khác giỏi hơn… Riêng phần em, em đang muốn phấn đấu để có những thứ mình đang thiếu.

- Thứ gì?

- Đó là “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh”.

Nguyễn Mạnh Tuấn / First News - NXB Dân trí

SÁCH HAY