“Thành công hay thất bại? Tiếp tục phát triển trường tồn hay sẽ bị sụp đổ? Tất cả điều này phụ thuộc việc bản thân bạn làm như thế nào hơn là môi trường xung quanh".
Đúng như lời nói của Jim Collins, Lee Kun Hee vừa là một doanh nhân dám đương đầu với thử thách mạo hiểm để giành chiến thắng, vượt qua tính cách, xuất thân và sự thất bại của bản thân, vừa là con người bình thường như bao người khác.
Trên thế gian này không có bữa trưa nào là miễn phí. Tôi tin chắc rằng Samsung của ngày hôm nay cũng không phải tự nhiên mà thành và nhà kinh doanh vĩ đại không phải vốn dĩ sinh ra đã có tài kinh doanh.
Qua cuộc đời của chủ tịch Lee, tôi học được rằng một nhà kinh doanh vĩ đại được tạo ra phụ thuộc việc tự bản thân họ làm như thế nào.
Về nước vào năm 1966, Lee Kun Hee vào làm việc tại Đài Truyền hình Đông Dương. Tháng 1/1967, ông đính hôn với bà Hong Na Hee. Đám cưới được tổ chức vào ngày 30/4 năm đó, sau khi bà Hong Na Hee tốt nghiệp đại học.
Sau khi kết hôn, ông vào làm việc tại phòng thư ký của Samsung với vai trò nhân viên thực tập. Lọc tìm những bài báo liên quan Samsung và dùng bút đỏ đánh dấu là một trong những công việc ông phải làm.
Ngoài ra, một công việc nữa của ông là tháp tùng cha khắp nơi, thậm chí cả khi cha ông đi đánh golf.
Lee Kun Hee thời trẻ cùng cha của mình - ông Lee Byung Chul. Ảnh: Wikipedia. |
Thế rồi, cuối năm đó, ông quay trở lại Mỹ, bởi quyền kinh doanh được trao lại cho người con trưởng là Lee Maeng Hee và cũng bởi ở Samsung ông không còn việc gì lớn để làm nữa.
Tuy nhiên, vào cuối năm 1968, tức một năm sau đó, cha ông - Lee Byung Chul - gọi ông trở lại và chỉ định là giám đốc truyền thông của tập đoàn.
Năm 1961, Lee Byung Chul đã gửi Lee Kun Hee sang Mỹ và dặn dò phải chuyên tâm học về truyền thông. Sau khi Lee Kun Hee nhập học Đại học George Washington, ông cũng để con trai mình học truyền thông như một môn chuyên ngành phụ.
Ở đây, chúng ta có thể cảm nhận được một diện mạo của Lee Byung Chul với phong cách của nhà chiến lược vô cùng khắt khe.
Nhưng nếu nhìn theo một góc độ khác, có lẽ, Lee Byung Chul nhận thấy Lee Kun Hee, khi đó mới ở độ tuổi ngoài 20, với cá tính đặc biệt, không phải là người phù hợp để điều hành công ty. Ông đã cố gắng định hướng cho Lee Kun Hee tập trung học về lĩnh vực truyền thông.
Câu nói của Lee Byung Chul với Lee Kun Hee khi chàng trai này đang ở độ tuổi 20 đã cho thấy điều đó: “Điều hành công ty có vẻ không hợp với tính cách của con, vậy con nghĩ sao nếu như học truyền thông?”.
Nhà văn, nhà thơ T.S Eliot - người được trao giải Nobel Văn học năm 1948 - từng nói rằng để biết được chúng ta có thể đi đến đâu, phải chịu đựng những hiểm nguy gì, thì phải đi thật xa. Và chỉ những người làm như thế mới có thể biết là họ có thể đi xa đến đâu.
“Chỉ có những người dám đối mặt với nguy hiểm và thử đi xa mới có thể biết được mình có thể đi bao xa".
Dựa vào câu nói này, rõ ràng, cậu thanh niên Lee Kun Hee khi ấy vẫn không biết là bản thân có thể tiến xa đến đâu. Bởi ông không biết liệu mình có thành công với vị trí là nhà kinh doanh hay không và điều mà bản thân ông thích thú là gì. Ông chưa từng một lần chịu chấp nhận nguy hiểm và thử bước xa hơn.
Ở độ tuổi 20, ông cũng không chấp nhận thử thách với hiểm nguy và cũng không một ai thúc giục ông phải chấp nhận nguy hiểm và tiến xa hơn. Cho đến thời điểm đó, môi trường xung quanh ông là như thế. Kết quả ông vẫn chỉ là một con người bình thường.