Nhóm chat của lũ bạn từ hồi còn học mẫu giáo với nhau bỗng trở nên xôm tụ sau bao lâu yên ắng. Nhưng lý do thật buồn là vì bố của một đứa vừa qua đời. Câu chuyện cũng chỉ dừng lại ở những lời xã giao, thăm hỏi, gửi tiền phúng viếng.
Đến ngày hôm sau xong việc, mới có đứa khẽ khàng gửi một tin nhắn: “Tao nhớ bọn mày, nhớ những ngày xưa quá! Ước gì được quay về tuổi thơ”.
Rồi cả lũ thi nhau nói về nỗi nhớ, nhưng những ký ức đẹp nhất và rực rỡ nhất phần nhiều vẫn nằm ở bao mùa hạ đã qua.
Cứ mỗi mùa phượng nở, sân trước của ủy ban xã lại ngập tràn sắc đỏ. Những cây phượng với tán to lớn, trĩu từng chùm hoa, sà xuống sát bờ rào. 5 đứa nhỏ học tiểu học bàn nhau cứ đến tối lại rủ nhau qua đó hái trộm.
Uớc chừng giờ bác bảo vệ đã tắt đèn đi ngủ, cả hội thực hiện kế hoạch. Đứa ở dưới, đứa ở trên, đứa canh chừng, đứa hái hoa. Rồi nghe tiếng chó sủa hay tiếng hét lớn: “Đứa nào phá đấy” thì thi nhau chạy tán loạn, cười nắc nẻ. Hoa phượng lấy về chẳng được nhiều, cũng chẳng biết để làm gì nhưng vẫn cứ đi bẻ ngày qua ngày, năm qua năm.
Hồi ấy, đó có vẻ như trò vui khó bỏ. Thậm chí, lòng vòng trong làng hết thứ lấy, có đứa còn dắt sang vườn cam nhà ông ngoại để cho lũ bạn hái trộm.
Ai cho tôi một vé đi tuổi thơ? Ảnh minh họa: Kidengage.com. |
Có đứa ban ngày giấu quả bưởi to của nhà mình ở gần bờ rào để tối đến rủ bạn vặt. Có đứa ngó nghiêng nhà hàng xóm xem quả roi đã chín đỏ chưa, đường nào chui sang vườn bên ấy thì thuận tiện nhất rồi rỉ tai đám bạn.
Mỗi tối thứ bảy, cả lũ chăm ngoan học giỏi trong mắt bố mẹ lại trở thành những tên siêu trộm với biết bao trò quậy phá.
Những buổi trưa mùa hè nắng chang chang, cả đám đi lên núi leo trèo khám phá, đào đá thạch anh mà ngỡ kim cương, hay ra đầm sen lội xuống nước ngập ngang ngực chỉ cố với cho được bông sen đương nụ.
Bao nhiêu tai nạn nhớ đời xảy ra như đỉa bám vào chân, kinh hãi hét lớn, nhờ người qua đường bắt hộ hay chạy ngã trầy cả chân, bươu đầu mấy ngày liền, cũng không bao giờ dám nói với bố mẹ.
Dù nhiều lần bị mẹ đánh đòn vì tội trốn ngủ, áo quần sũng nước lò dò đi về, hoa sen, hoa súng được mấy búp chia nhau len lén giấu sau áo, cũng chẳng làm nhụt ý chí… muốn đi tiếp.
Những mùa gặt tháng 5, lũ trẻ con sung sướng tận hưởng lớp rơm rạ rải khắp đường. Với người lớn, đó là công việc làm ăn, nhưng với trẻ con là khu vui chơi muôn vàn kỳ thú.
Những đống rơm chất cao để bày trò chơi trốn tìm, hay làm cầu trượt để lao băng băng từ trên xuống dưới, nhảy chồm chỗm sung sướng. Chúng hò nhau quấn rơm thành từng bó đuốc nhỏ, đêm tối dò dẫm mò đường y như phim kiếm hiệp thỉnh thoảng được xem ở tivi nhà hàng xóm.
Nhớ những đêm đom đóm bay rợp đường thì lùa nhau đi bắt, bỏ vào ống đu đủ, làm cây gậy ánh sáng…
Đi chăn bò trên triền đê cũng là những ngày tháng lấp lánh trong tuổi thơ. Bò được thả gặm cỏ một góc riêng còn cả lũ thi nhau bày trò ra chơi. Lúc thì nhảy dây, trốn tìm, ô ăn quan, chặt tre làm thẻ; lúc lại lội bì bõm xuống ruộng đuổi nhau chạy mặc áo quần dính bẩn hết, bùn bắn lên khắp cả mặt.
Áo quần có bẩn cũng chỉ việc lội xuống vũng nước giũ cho sạch rồi nắng gió sẽ nhanh chóng làm khô trước khi lùa bò về nhà. Nghĩ lại sợ nhất là khi khát nước, hò nhau dùng mũ múc nước sông lên uống, còn khen vừa ấm vừa ngon như nước mẹ nấu ở nhà…
Những kỷ niệm ấu thơ nhắc lại đứa nào cũng cười như nắc nẻ. Nỗi nhớ thật lắm và nỗi thèm khát một chiếc vé về tuổi thơ cũng thật lắm. Nhưng việc mỗi đứa ở một thành phố và cách trở bởi cuộc sống riêng đã khiến cho lũ bạn không thể thân thiết như xưa.
Tất cả tâm sự cũng chỉ có thể là “bao giờ tụ họp được nhỉ?”, “đợt này bận chạy dự án này kia”, “không về được đâu, chồng tao đi công tác”…
Dường như mọi thứ để làm nên tuổi thơ rực rỡ trong ký ức vẫn còn đó, chỉ cần bắt một chuyến xe là về được thôi. Nhưng chúng ta đều đã lớn rồi, có gặp nhau thì cũng trở nên khách sáo khôn cùng.