Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ Luka Modric

Những khó khăn khi chạy loạn, nỗi sợ hãi bom đạn, nỗi lo âu cho số phận những người thân yêu, năm tháng đối diện với hậu quả cuộc chiến góp phần hình thành tính cách Luka Modric.

Khi tôi lên bốn tuổi, nhà tôi có thêm một thành viên mới: em gái Jasmina ra đời. Đó cũng là một trải nghiệm lạ lùng với tôi. Tôi không nhớ khi đó tôi muốn có em trai hay em gái, và cũng không nhớ rõ cả nhà đã chuẩn bị chào đón bé như thế nào.

Tôi chỉ nhớ mình đã vui thích khi đón em tôi về nhà, khi tôi lần đầu thấy em, khi tôi nựng và hôn em. Jasmina trở thành một phần trong cuộc sống của tôi kể từ đó và cho tới mãi sau này, khi anh em tôi cùng nhau lớn lên, chúng tôi vẫn luôn giữ được tình cảm thân thiết đó.

[…]

Thời đó vẫn còn chưa có điện thoại di động, máy tính hay Internet. Tôi sống và vui thích khám phá vẻ đẹp của tự nhiên, cũng như học cách tôn trọng những quy luật của nó. Mọi thứ dường như đều rất ổn và hẳn sẽ còn tốt đẹp hơn nữa. Tuy nhiên, số phận luôn có những kế hoạch của riêng nó…

Tôi chưa đủ lớn để hiểu chuyện gì đang xảy ra, song tôi cũng cảm thấy có điều gì đó bắt đầu thay đổi. Đầu tiên là mọi thứ quanh tôi vốn đang “chạy ngon trớn” nay thình lình đứng lại: cha mẹ tôi không còn đi làm ở Obrovac nữa. Khi nói chuyện với nhau, họ bỗng trở nên nghiêm trọng và kiệm lời. Cảm giác tương tự cũng xuất hiện ở nhà nội tôi: dù ông bà nội, như cha mẹ tôi, ráng giữ cho mọi thứ y như cũ, song tôi cảm thấy không khí trong nhà đã thay đổi, không thể như xưa nữa.

Điều tôi còn nhớ nhất về cái ngày bi thảm đó chính là nỗi lo lắng của cha tôi. Hôm đó ông nội tôi không về nhà, và mọi người bổ đi tìm.

Luka Modric anh 1

Luka Modric. Nguồn: Sportske Novosti/AFP

Khi người ta đưa xác ông nội về, tôi còn không hiểu điều gì đã xảy ra, mà chỉ cảm thấy buồn. Cha tôi quàng tay qua vai tôi, dẫn tôi tới bên quan tài và nói “Con ơi, hãy chào từ biệt ông đi!”. Tôi không biết rằng đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ông nội. Ngay sau đó, cha mẹ dẫn tôi ra khỏi phòng, vì họ không muốn tôi chứng kiến những đau khổ nhiều hơn nữa.

Đám tang diễn ra ở Obrovac. Ông nội Luka của tôi là người được kính trọng và yêu mến ở đây. Tôi có thể hình dung cha tôi cảm thấy đau đớn như thế nào, vì ông rất yêu quý cha mình. Nhiều năm về sau, cha tôi vẫn còn kể lại sự đau đớn tận cùng khi ông nhìn thấy xác ông nội trong vũng máu.

Ông tôi chết trên cánh đồng cỏ ven đường, chỉ cách nhà ông vài trăm mét, nơi ông đang chăn dắt đàn dê của mình. Đó là vào tháng 12/1991, khi cuộc nội chiến mới bắt đầu. Ông nội tôi không phải là người hèn nhát, song có lẽ ông đã không hình dung đầy đủ tính nghiêm trọng của tình hình.

Bà nội Jela kể rằng hôm ấy bà nhìn thấy vài chiếc xe quân sự trên đường, nên đã khóa kín cửa và núp trong nhà. Sáng hôm đó, như có linh tính, cha tôi vội vã chạy qua nhà ông bà để xem tình hình, và khi thấy đàn dê quay về mà không có ông nội tôi đi cùng, cha tôi biết ngay đã có chuyện xảy ra.

Ông nội Luka đã bị giết bằng những loạt đạn súng máy ở cự ly gần. Năm đó ông 66 tuổi. Mỗi khi nghĩ đến việc ông chết ngay trước cửa ngôi nhà của ông, trái tim tôi lại quặn đau. Họ là loại người gì mà lại đi tước đoạt mạng sống của một ông già vô tội - đó là câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi khi tôi 10 tuổi, học lớp ba. Hôm đó thầy giáo ra đề bài yêu cầu cả lớp viết về một kỷ niệm để lại ấn tượng buồn đau hay sợ hãi đối với từng người, đó là lần đầu tiên những cảm xúc đó bật ra trong tôi:

Dù còn nhỏ, em đã có nhiều trải nghiệm về nỗi sợ. Có nỗi sợ chiến tranh và bom đạn, nhưng em đã dần dần bỏ chúng lại phía sau.

Sự kiện và nỗi sợ mà em không bao giờ quên được đã xảy ra bốn năm trước đây, khi bọn Chetniks giết ông nội của em. Em yêu ông biết bao. Mọi người trong nhà đều khóc thương ông, còn em thì không sao hiểu được tại sao ông nội không còn nữa.

Em thường hỏi mọi người, rằng những kẻ đã giết ông nội em, đã khiến gia đình em phải bỏ chạy khỏi ngôi nhà của mình, những kẻ đó có thể được gọi là con người nữa không?

Kể từ đó, tôi rất ít nói về ông nội, nhất là ở những nơi công cộng. Cuộc sống của chúng tôi bị những sự kiện quay cuồng cuốn đi, tâm trí của chúng tôi luôn đầy ắp những nỗi đau. Cha tôi tham gia vào cuộc chiến.

Luka Modric anh 2

Cuốn tự truyện của cầu thủ Luka Modrić. Ảnh: Thu Huệ.

Những lúc cả nhà có dịp bên nhau, ông thường nói là mọi chuyện vẫn ổn, để anh em tôi cảm thấy yên lòng. Bất chấp thảm kịch gia đình đã xảy ra, tôi chưa từng cảm thấy sự thù hận nơi cha tôi, ông không bao giờ nói gì đến sự trả thù. Sau này khi lớn lên và hiểu thêm đôi chút về cuộc nội chiến này, tôi hiểu cha tôi thực sự cao thượng trong nỗi đau riêng của gia đình.

Đó là một chi tiết cho thấy lòng nhân hậu của ông, cũng như trách nhiệm của ông với các con. Ông thường dạy anh em tôi rằng dù từ đâu đến, dù có hay không có những gì, điều quan trọng là việc ta có phải là một người tốt hay không, vậy thôi!

Những chuyện đã xảy ra với gia đình tôi thực sự khủng khiếp và bi thảm, nhưng cha mẹ luôn dạy chúng tôi cách tôn trọng và yêu thương người khác. Họ muốn anh em tôi lớn lên trở thành những người đàng hoàng, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai. Tôi biết ơn họ vì những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cách tôi nhìn nhận thế giới này.

Tương tự, những khó khăn khi phải chạy loạn, nỗi sợ hãi bom đạn, nỗi lo âu thường trực cho số phận của những người thân yêu, những năm tháng phức tạp đối diện với hậu quả cuộc chiến và điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống mới, tất cả cũng góp phần hình thành tính cách của tôi.

Mọi thứ như thể tác động qua lại, chồng chéo lên nhau khi tôi bước vào tuổi thanh niên, thời gian mà những góc nhìn sai lệch có thể dẫn con người dễ dàng lầm đường lạc lối. May thay, cha mẹ biết cách giữ cho tôi đi theo con đường đúng đắn; và sau này, khi sự nghiệp của tôi đã phát triển, tôi càng quyết tâm giữ vững lối đi đó.

Luka Modric, Robert Matteoni / NXB Trẻ

SÁCH HAY