Mặc cảm, tự ti vì bệnh tật
Mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được NSƯT Duy Hậu. Số điện thoại là phương tiện duy nhất để biết ông đang ở đâu thì hiềm một nỗi, ông lại thay liên tục. Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ - nơi ông từng gắn bó cho đến khi về hưu - cũng lắc đầu khi được hỏi về ông.
Nghệ sĩ Duy Hậu. |
Lần mãi mới được địa chỉ nhà thì biết, ngôi nhà đẹp như biệt thự nằm ngay mặt phố - tài sản của cha mẹ để lại cho mấy anh em ông đã bán mấy năm nay. Khi biết được số điện thoại mới nhất của ông thì cũng phải thuyết phục khá lâu ông mới đồng ý “phá lệ” mà gặp gỡ, do nể cái sự kiên trì của phóng viên. Ông từ chối vì “giờ có đi diễn nữa đâu, biết chia sẻ gì với báo chí? Hơn nữa, từ khi ốm đau, tôi gần như hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè cũng không còn giao du nhiều nữa”.
Thực ra, ông làm vậy là có lý do. Nó xuất phát từ bệnh tình của ông. Lúc đầu, bị mất ngủ kéo dài, ông cứ nghĩ đó là hậu quả của lần bị tai nạn ô tô khi đi diễn từ Hải Phòng về Hà Nội.
“Anh lái xe bất cẩn khiến xe va chạm, tôi bị hất tung lên trần xe rồi rơi xuống sàn, máu chảy đầm đìa. Tôi bị chấn thương sọ não, phải nằm điều trị mất 6 tháng trời” - ông nhớ lại.
Nhưng hóa ra, những triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ là xuất phát từ bệnh thận. Những cơn đau kéo dài khiến ông hầu như không ăn, không ngủ. Ngủ kém nên sinh ra nghĩ quẩn. Cái chết vì bệnh tật mà không có người ở bên chăm sóc là một trong những suy nghĩ thường trực trong đầu ông.
Lo lắng, sợ hãi kéo theo tâm lý mặc cảm. Cảm giác như mình là người vô dụng khiến ông không muốn gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Sợ gặp rồi nhớ nghề, say nghề, mà bệnh tình của ông không cho phép suy nghĩ. Có những phim nhận lời rồi, nhưng cầm kịch bản lên đọc, suy tính cách thể hiện là chứng mất ngủ lại hành hạ ông.
Để chữa bệnh, điều đầu tiên ông phải làm là triệt tiêu suy nghĩ về công việc. Nhớ nghề, lại thêm bệnh tật khiến ông suy sụp đến mức khủng hoảng tinh thần. Đang 58 kg, ông sụt xuống còn 48 kg. Chiều cao 1,7 m càng khiến ông gày gò. Sức khỏe yếu đến nỗi, ông đi lại cũng không vững. “Nhìn chỉ có quần với áo thôi chứ không thấy người” - ông ví von.
Đứng trước hai khả năng, một là cắt đi quả thận hư, hai là phẫu thuật để duy trì, nhưng thành công đến đâu thì hên xui, cuối cùng ông quyết định làm phẫu thuật với hy vọng “biết đâu nó phục hồi được”. Cuộc phẫu thuật thành công cho ông niềm vui sống trở lại.
So với cách đây 6 - 7 năm, ông Hàm của Đất và người nổi tiếng ngày nào đã lấy lại được vẻ nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, tinh thần cũng phơi phới hơn.
Hỏi chuyện chắc đang có người đỡ đần chăm sóc, ông nói: “Chính vì không vướng bận đến ai cho nên mới được thế này. Có người bảo tôi lập dị, nhưng tính tôi ngại làm phiền đến người khác lắm, sợ mình trở thành gánh nặng của ai đó. Thôi thì cứ sống một mình, dù là đi ngược lại quy luật nhưng nó khiến mình thoải mái, được làm theo ý mình”.
Nghệ sĩ Duy Hậu sống lẻ bóng 30 năm nay. |
Đã quen với cô quạnh
Tính ra, nghệ sĩ Duy Hậu đã sống lẻ bóng được 30 năm. 30 tuổi lập gia đình, ông chỉ sống cuộc sống gia đình thực sự vỏn vẹn 5 năm. Ngày đó, vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức. Hai năm sau, bà muốn cả gia đình sang đó sinh sống nhưng ông không đi.
Ông tâm sự: “Mình là nghệ sĩ thì làm được gì khác ngoài nghệ thuật? Có làm gì cũng không thể thoát cái nghiệp ấy. Hơn nữa, tôi vốn là người Hà Nội gốc nên thiên về hoài cổ, sẽ không thích hợp nếu sống ở môi trường quá hiện đại. Vậy là hai mẹ con bà ấy đi, thỉnh thoảng cũng có về chơi. Bây giờ bà ấy sống ở Đức, còn con trai thì làm việc ở Thụy Sỹ. Bố con có việc vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Tôi cũng không muốn phiền đến con vì tính ra, con cũng không ở với mình, sợi dây tình cảm chắc chắn sẽ không có nhiều gắn kết. Mình cũng có chăm được con ngày nào đâu mà đòi hỏi...”.
Giờ ông có cuộc sống tạm ổn trong một căn nhà sạch sẽ tinh tươm do chính tay ông sửa sang, chăm sóc. Nhà neo người nên đồ đạc trong nhà được ông tối giản. Bình hoa cũng mang đậm phong cách của gia chủ. Duy nhất một chiếc bình, hoa cắm một bông và một chiếc lá. Trên bàn cũng chỉ để một cốc to uống nước lọc, một cốc nhỏ để thỉnh thoảng pha trà.
Ông nói: “65 tuổi, tôi mới có một căn nhà riêng đúng nghĩa. Trước đây, nhà có to đẹp thật, nhưng đó là tài sản chung do cha mẹ để lại cho mấy anh cùng ở. Giờ các thành viên đông lên nên cần phải bán đi dù đã giữ được cả trăm năm nay rồi. Sau khi bán, tôi chỉ thuê nhà vì một thân một mình mà mua nhà thì lãng phí quá. Hơn nữa, trong tay không có tài sản gì thì nhỡ có “đi” cũng cứ thế mà “đi” cho dễ. Có ngôi nhà này cũng là vì anh em thúc ép quá, muốn tôi phải có cuộc sống ổn định nên mới tìm mua cho. Cũng vì nghĩ đến con mà mua nữa, nhỡ con có về thì có chỗ mà ở chứ không phải đi thuê khách sạn như trước”.
Dù phải rất lâu con mới về một lần, nhưng khi sửa lại nhà, ông vẫn dành một phòng cho con trai. Ông chia sẻ: “Cứ để như thế cho ngôi nhà thêm ấm cúng. Trước đây, tôi có nuôi một con chó, cứ bế nó trên tay như trẻ con vậy. Nó quấn tôi lắm. Nhưng có những hôm tôi đi mấy ngày mới về, gửi hàng xóm thì nó không quen nên đành phải cho đi rồi”.
Khuyên ông nên tìm một người làm bầu bạn sớm tối cho đỡ cô quạnh tuổi già, ông bình thản: “30 năm sống trái quy luật tôi còn quen được nữa là giờ già rồi. Có trải qua ốm đau bệnh tật rồi mới biết, không có gì quý giá bằng sức khỏe đâu”.
Nghệ sĩ Duy Hậu từng bị đánh sau khi phim phát sóng
Cách đây hơn 10 năm, trong một lần trả lời phỏng vấn, nghệ sĩ Duy Hậu trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề, khiến người đọc cứ day dứt mãi không thôi. Ông cho biết, năm 1968, học hết phổ thông trung học, ông rời Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị, làm đủ thứ việc mà lính giao thông vận tải phải làm.
Thấy ông có năng khiếu văn nghệ, đơn vị chuyển ông vào đội Tuyên văn của Binh trạm. Năm 1982, ông chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ. Năm 1989, đạo diễn Lê Hùng tốt nghiệp ở Nga về, khởi dựng vở Trái tim chó và ông được phân vai Xaric Saricop – một kẻ đốn mạt có đời sống tâm lý phức tạp.
Ông bảo, hồi đó ông “đo hạnh phúc của mình bằng sự kinh tởm nhân vật Xaric thể hiện trên gương mặt khán giả hàng đêm”. Mỗi lần ông lên sàn diễn, có người còn quay mặt đi nhổ nước bọt.
Dường như trong giới nghệ sĩ biểu diễn ở Việt Nam, hiếm có người nào bị khán giả căm ghét như Duy Hậu.
Ông kể, sau khi bộ phim truyền hình Sóng ở đáy sông phát sóng năm 2000 (nghệ sĩ Duy Hậu đóng vai ông Đại, bố anh Núi), ông càng bị người ta ghét tợn.
Nghệ sĩ Duy Hậu trong Sóng ở đáy sông. |
Đi ăn sáng, nhiều người nhìn ông gườm gườm. Một lần, ngồi uống bia trong khu Thành Công (Hà Nội), khi nghe có người gọi tên, ông quay sang thì người này nói: "Cả nhà em ghét bác, hễ bật tivi lên mà thấy mặt bác là em chỉ muốn lấy guốc mà đập tan cái tivi ra thôi".
Cũng vì bộ phim này mà một bà già đã đánh ông lúc bắt gặp ông trên đường vì “cái mặt ghét quá”. Đòn đánh không đau, nhưng ông bảo, mình thực sự thấm thía cái mặt trái cay đắng mà nghề đem lại. Ông bước chân đi mà hai dòng nước mắt lăn dài trên má.
Ngoài các vai diễn kể trên, nghệ sĩ Duy Hậu còn khiến người xem nhớ đến và… ghét qua hàng loạt các vai diễn thành công khác, trong đó đặc biệt là nhân vật lão Hàm trong phim Đất và người.