Đêm đầu năm 2016, khu vực Bệnh viện Đa khoa Tâm Đức (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) chật kín. Hàng chục cảnh sát được huy động bảo vệ trật tự. Phía trong, nhiều người thân nạn nhân vụ ngạt khí ở lò đá vôi xã Hoàng Giang khóc ai oán.
23h, công tác khám nghiệm hoàn tất, thi thể từng nạn nhân được công an bàn giao cho người nhà lo hậu sự.
4 trong số 9 nạn nhân là người cùng gia đình
Trong đêm lạnh, người dân Yên Thái không ngủ, tập trung thành từng nhóm trò chuyện. Khuôn mặt ai cũng đượm buồn.
Trên tuyến đường liên thôn, chốc chốc lại có chiếc xe kéo từng cỗ quan tài về nhà các nạn nhân. Công tác lo hậu sự được các gia đình và hàng xóm chuẩn bị vội vã suốt đêm. Không khí tang thương bao trùm.
Lò vôi của gia đình ông Thong. Hố nung hình tròn là nơi 9 người gặp nạn. Ảnh: Mạnh Thắng - Lê Hiếu. |
Tại căn nhà cấp 4 của gia đình ông Lê Văn Thong, quan tài của ông và cô con gái út đặt ngoài sân, dưới chiếc rạp dựng vội. Thi thể cô con gái lớn đã được đưa về nhà chồng ở gần đó. Con trai cả cùng khoảng 30 người thân, hàng xóm tập trung lo hậu sự.
Trong số 9 nạn nhân thì 4 người thuộc gia đình ông Thong (57 tuổi, chủ lò vôi) và vợ, bà Lê Thị Nguyên (55 tuổi, đang cấp cứu tại bệnh viện); hai con gái Lê Thị Mai (30 tuổi) và Lê Thị Nga (con út, 26 tuổi). Tuy nhiên, nếu tính cả anh em họ, nhà ông Thong có 7 nạn nhân.
Theo hàng xóm, chị Nga vào miền Nam làm việc và mới lập gia đình, đang có bầu khoảng 3 tháng. Trước khi xảy ra sự việc, hai người con gái về nhà bố mẹ chơi.
Còn ở gia đình ông Phạm Văn Tuyên (làm thuê cho ông Thong), người vợ ngất xỉu không gượng dậy được. Hai người con làm ăn xa chưa kịp về nên việc hậu sự chỉ có họ hàng xa và làng xóm lo bàn.
"Cả làng Yên Thái bàng hoàng vì vụ việc. Đi đâu chúng tôi cũng nghe tiếng trống, tiếng gõ mõ của đám ma, đau lòng lắm", anh Nguyễn Đăng Mạnh, người thân nạn nhân Tuyên nói.
Phút kinh hoàng ở lò vôi
Gần nửa đêm, ông Lê Đình Ngọc (53 tuổi) trở về nhà ăn vội bát mì tôm sau khi lo xong thủ tục ở bệnh viện cho những người họ hàng. Ông Thong là anh họ xa của ông Ngọc.
Trong căn nhà nằm bên đường liên thôn, người đàn ông 53 tuổi vẫn chưa hết run rẩy, kể câu chuyện đứt quãng về tai họa ở lò vôi.
Ông Lê Đình Ngọc kể lại giây phút đưa 9 nạn nhân ra khỏi nạn nhân bị ngạt khí ra khỏi lò vôi. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Chiều 1/1, tại khu vực lò vôi chỉ có ông Thong và một người làm thuê là ông Phạm Văn Tuyên (53 tuổi). 7 nạn nhân còn lại là người thân và những người làm việc gần đó.
Nạn nhân đầu tiên là ông Phạm Văn Tuyên, trong quá trình xếp đá vôi lên lò bị ngạt khí ngất xỉu. Thấy vậy ông Thong bắc thang xuống cứu, nhưng mới được vài bậc đã ngất xỉu.
Phát hiện sự việc, vợ, hai người con gái của ông Thong và các công nhân đang làm việc gần đó lao xuống cứu cũng gặp nạn.
“Lúc 16h30 tôi đang ở nhà cùng vợ và cháu. Nghe làng xóm tri hô có người bị ngất xỉu trong lò nhà ông Thong, tôi vội chạy ra” – ông Ngọc nói.
Tử vong do ngạt khí CO
Trao đổi với Zing.vn sáng 2/1, đại tá Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, bà Lê Thị Nguyên (vợ ông Thong) vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh.
Công an tỉnh đã trắng đêm điều tra tại hiện trường, đến 5h sáng công tác khám nghiệm hoàn tất. Nguyên nhân vụ việc được xác định do ngạt khí CO.
Trước hậu quả nghiêm trọng của vụ việc, trong sáng 2/1, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo ban đầu gửi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Công an tỉnh đang phối hợp với VKSND tỉnh và các ngành chức năng để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Đến nơi, trước mắt ông là 5 người nằm la liệt trong hố vôi sâu chừng 2 m, đường kính 4 m. Khuôn mặt ai nấy đều tái mét.
Nhảy xuống hố thấy ngạt mũi, khó thở, ông biết có chuyện chẳng lành nên vội bịt mũi, xua tay và hô lớn để mọi người đừng xuống thêm. Tuy nhiên, trong lúc hoảng loạn, vợ và hai con gái ông Thong cùng một người nữa vẫn nhảy xuống.
"Trong chốc lát, họ lần lượt bị ngất xỉu theo. Nếu không kịp trèo ra khỏi hố, có lẽ tôi cũng không còn ngồi đây...” – ông Ngọc giọng nhỏ dần.
Lặng trong giây lát, nhân chứng kể tiếp, chỉ khi ông la hét thông báo có khí độc thì mọi người mới trấn tĩnh lại. Ít phút sau, ông chạy về nhà lấy một chiếc quạt công suất lớn, hướng thẳng vào hố.
Khi có gió mạnh thổi xua bớt khí độc, một số thanh niên khỏe mạnh được phân công bế từng nạn nhân chuyển lên trên đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Người thân cho hay, đầu năm 2015, ông Thong vay mượn hơn 100 triệu đồng để làm lò vôi trong sự ngăn cản của người thân. Nghề này có hàng chục năm nay nhưng gần đây, ai đầu tư cũng đều thất thu.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Xuân Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, gia đình các nạn nhân đa số đều hoàn cảnh khó khăn. Trong đêm, huyện đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp cùng Công an tỉnh điều tra nguyên nhân ở hiện trường và đến thăm hỏi gia đình có người bị nạn.
"Trước mắt, huyện đã hỗ trợ cho gia đình có người tử vong 5 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng" - ông Hùng nói.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hoá Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, với lò vôi, lò gạch, bên cạnh hai loại khí CO, CO2 còn có rất nhiều khí độc khác bắt nguồn từ việc cháy chưa hết của than và hơi nước. Tuy nhiên nồng độ cao nhất vẫn là CO và CO2.
Trong trường hợp nhận biết có người bị ngạt khí, người khác muốn cứu không thể chủ quan, nếu cứ mặc sức xông vào sẽ bị ngạt khí tương tự. Do đó, người cứu nên tìm cành cây để xua không khí làm loãng khí độc, nếu không có gió, khí độc sẽ tràn vào dần đạt đến nồng độ cao tự khắc sẽ gây ngạt, thậm chí chỉ trong tích tắc.
Danh sách các nạn nhân:
Ông Lê Văn Thong (57 tuổi, chủ lò vôi); bà Lê Thị Nguyên (55 tuổi, vợ ông Thong, đang điều trị ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa); Lê Thị Mai (30 tuổi, con gái ông Thong); Lê Thị Nga (26 tuổi, con gái út ông Thong); Hoàng Văn Việt (38 tuổi); Nguyễn Đình Hoàn (57 tuổi);ông Phạm Văn Tuyên (53 tuổi) - đều ở xã Hoàng Giang. Hai người còn lại ở xã Hoàng Sơn là Lê Gia Cường (30 tuổi) và Lê Văn Tân (44 tuổi).