Tùng Dương: 'Tôi lẳng lơ, không đanh đá như Lê Hoàng'
“Gã nhà quê hát jazz” mặc sơ mi trắng, quần jeans trông chẳng có gì nổi bật giữa đám đông. Sắc sắc không không. Ở Tùng Dương có những thứ thấy vậy mà chẳng là vậy chút nào.
>> Thanh Lam - Tùng Dương 'bùng nổ' tại 'Bài hát yêu thích'
>> Miu Lê giải đáp nghi vấn bồ bịch với Lê Hoàng
>> Lê Hoàng tiếp tục 'cầm cân nảy mực'
Quái có tính toán
- Nhìn Tùng Dương ở ngoài hiền thế! Cái “quái” trên sân khấu giấu đâu mất rồi?
- Nên tự tạo cho mình sự khác biệt. Nếu “quái” trên sân khấu lẫn ngoài đời thì là cái “quái” đó thuộc về bản năng rồi. Tùng Dương “quái” một cách tư duy, vì thế hãy gọi tôi là “người quái có tính toán”! Bởi trong cái thời đại này, chúng ta phải tính toán để bảo vệ chính mình.
- Nói vậy, cái “quái” của anh là sự giả tạo à? Thế đâu mới là con người thật của anh? Tùng Dương ma mị trên sân khấu hay Tùng Dương đơn giản ngoài đời thực này?
- “Quái” nằm trong tư tưởng. Tôi không tự bóp méo cái “quái” ấy bằng lối suy nghĩ thiển cận hay bản năng được. Bản năng thì không thể đi xa. Tất nhiên chất “quái” đã có sẵn trong tôi như một cơ sở, nhưng đôi khi tôi phải bắt mình dịu lại.
- Anh có khả năng kiểm soát được bản năng của mình?
- Tôi nghĩ khả năng đó là do quá trình tập luyện sau một thời gian làm quen với nghề. Chẳng phải từ những va vấp ghê gớm hay những cái giá đắt đỏ nào mà như tôi đã nói, tất cả đều được tính toán để đem lại lợi ích cho công việc của mình. Có thể gọi đó là tham vọng.
- “Lợi ích” anh muốn nhắc tới được thấy qua số lượng khán giả hay qua giải "Cống hiến" anh vừa đạt được?
- “Ta làm gì cũng nên có mục đích”, đúng không? Mục đích của tôi là được cống hiến cho khán giả. Tôi tự tin vì có một lượng khán giả nhất định, có thể không nhiều bằng những ca sĩ khác, nhưng chính lượng khán giả trung thành đó đã và đang nuôi dưỡng niềm đam mê trong tôi. Còn giải thưởng là thứ ghi nhận nỗ lực của tôi. Nhưng tôi khẳng định, tôi cố gắng vì khán giả chứ không vì giải thưởng.
- Nghe có vẻ hơi phi lô-gic! Không cố gắng vì giải thưởng, sao giải "Cống hiến" năm nào cũng có tên anh tham gia?
- Khán giả của tôi, trong đó có các nhà báo. Họ là những khán giả cao cấp, những khán giả khó tính. Tôi vẫn đang phải chứng tỏ với họ - khán giả của tôi - rằng, tôi luôn luôn giữ được phong độ, tôi luôn luôn bền bỉ sáng tạo. Danh hiệu mà khán giả cùng báo chí trao tặng cho tôi, tôi đón nhận nồng nhiệt. Nhưng, tôi ý thức được bản thân mình chỉ là một trong số những người đang miệt mài cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Tôi không bị ảo tưởng. Và nếu cần, tôi vẫn có thể tự chế giễu mình.
- Cống hiến được 7 tuổi, song, Tùng Dương thì hết 5 lần được giải rồi. Thật lòng, anh chán giải thưởng chưa?
- Chưa bao giờ! Giải thưởng là sự ghi nhận phong độ của ca sĩ. Mọi người cứ nói “phong độ nhất thời, đẳng cấp mãi mãi”, nhưng chẳng phải ca sĩ cũng nên giữ vững cái phong độ của mình sao! Quan trọng là ta phải làm cho “đến” cái giá trị mà ta đặt ra.
- Giá trị mà Tùng Dương phải làm cho “đến” đó là gì?
- Tôi là người không muốn dừng tiếp nhận và luôn luôn làm những cuộc cách mạng trong mình. Thế nên tôi mới thấy mình chẳng thể chạm được cái đỉnh nào cả. Có những người chọn giải pháp an toàn, nhưng tôi thì khác. Tôi nghĩ cuộc sống là cuộc đấu tranh vật lộn với bản ngã. Thậm chí, tôi phủ nhận chính mình để đi lên. Bằng chứng là những sản phẩm của tôi được mọi người chấp nhận là tôi luôn thay đổi. Tôi rất ít ra album, từ khi đi hát đến giờ chỉ có 3 cái: Chạy trốn, Những ô màu khối lập phương, Li ti. Mỗi album đều có sự khác biệt nhau. Và lần nào tôi cũng thấy được lỗi của nó.
“Khoái cảm” trong âm nhạc
- Anh định hình thử cái bản ngã của mình xem thế nào?
- Tôi luôn thấy rõ cái bản ngã của mình hơn ai hết, nhưng định hình thì rất khó. Tôi luôn sống với ảo ảnh trong thế giới trừu tượng của tôi. Người nghệ sĩ cần vậy để sống lâu hơn với nghề.
- Theo lời anh, nghệ sĩ có quyền nhân danh “vị nghệ thuật” để mập mờ chính cuộc sống của họ sao?
- Tôi nghĩ trong nghệ thuật, người ta phải hình tượng hóa mọi thứ lên, chứ không thể nhìn một cách xuyên thấu được. Người của lĩnh vực khác thì có thể nhìn xuyên thấu, hoặc có thể đếm tiền rất giỏi. Nhưng nghệ sĩ thì không nên như vậy.
- Thực tế là tiền vẫn rất quan trọng đấy thôi! Nếu không có tiền thì anh lấy cơ sở đâu mà tổ chức chương trình này kia để cống hiến cho khán giả của anh?
- Tôi là Tùng Dương với cuộc sống vừa đủ. Tôi không phải một đại gia trong âm nhạc. Một đại gia trong âm nhạc - như cách mọi người vẫn nghĩ - là sống dư giả bằng nghề. Tôi không được như vậy. Nhưng nếu tính cái vốn mà tôi đã được học thì thật đáng tự hào. Và nếu tinh thần có thể quy đổi ra tiền thì tôi là người giàu có. Đó chính là cơ sở để tôi cống hiến cho khán giả của mình.
- Trong trường hợp muốn làm một show hoành tráng thì chắc chắc anh phải cần đến nhiều tiền rồi...
- Hằng ngày tôi vẫn đi hát. Tôi làm việc và được trả lương xứng đáng. Nếu tôi có một dự định to lớn thì tôi phải hy sinh những thứ khác, dù đó là thứ tôi rất muốn. Lúc ấy, lý trí vượt lên bản năng mà chi phối cái đầu của tôi.
- Lại nói về bản năng và lý trí. Anh liên tục khẳng định phần lý trí của mình. Đáng lẽ lý trí như thế, anh phải nhìn mọi vật một cách xuyên thấu chứ?
- Tôi là một nghệ sĩ. Tôi muốn cuộc sống tôi lúc nào cũng thăng hoa, khác biệt. Và tôi phải tạo ra cái khác biệt đó. Nói cách khác, tôi nghệ thuật hóa cuộc sống của tôi lên để bớt nhìn thấy những sự thật phũ phàng. Vì hơn ai hết, nghệ sĩ rất yếu đuối, họ thường chống chếnh giữa cuộc đấu tranh của bản ngã. Tùng Dương không ngoại lệ.
- Vậy trong tình yêu, anh là người thế nào?
- Tôi yêu rất bản năng.
- Cái tình yêu đó có mãnh liệt như cách Tùng Dương hát không? Như khi Tùng Dương thăng hoa trên sân khấu?
- Tôi rất thích câu này. Đúng thế! Tôi đạt được khoái cảm khi hát, từ cơn khoái cảm này nối tiếp cơn khoái cảm khác, rộng hơn, sâu hơn. Và chỉ có nghệ thuật mới đem lại cho tôi điều này.
- Người ta vẫn ưu ái gọi Tùng Dương là “Diva thứ 5” của nhạc Việt. Có phải vì cái “tính nữ” lẩn khuất trong con người anh?
- Tôi không nghĩ do cái “tính nữ” như bạn nói mà chính là sự tương đồng của tôi với các chị trong việc chọn lựa con đường đi cho mình. Khán giả có gọi tôi là diva, divo hay là chàng nhà quê hát nhạc jazz... thì tôi vẫn vui vẻ đón nhận hết. Tôi coi tất cả đều là lời khen.
- Anh quyến rũ khán giả của mình bằng cách nào?
- Tôi không đanh đá như Lê Hoàng. Tôi chẳng giỏi tán tỉnh như Lê Minh Sơn. Tôi biết mình biết người, chỉ vậy thôi.
- Chứ không phải do cái chất lẳng lơ của anh à?
- Ừ, tôi lẳng lơ Bắc Bộ, nhưng cái lẳng lơ đó chính là thứ “chất” của âm nhạc tôi đang theo đuổi. Nó không bước cùng tôi ra cuộc sống đời thực. Tôi dám chắc với bạn rằng, tôi sống rất nghiêm túc. Cái gì thuộc nghệ thuật, hãy để nó nằm trong phạm vi nghệ thuật.
Theo TNTS