Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tuần qua, một vết nhơ mới được thêm vào lịch sử nước Mỹ'

Alexander Parini, giảng viên môn Hoa Kỳ học tại Đại học Hoa Sen, cho rằng vụ bạo loạn ở Điện Capitol làm xấu đi hình ảnh đất nước anh và đặt ra thử thách cho tiến trình phát triển.

Alexander Parini là người Mỹ sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Anh nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và hiện là giảng viên bộ môn Hoa Kỳ học tại Đại học Hoa Sen. Đây là bài viết riêng của anh cho Zing. Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả.

nguoi bieu tinh My anh 1

Tuần qua, khi người dân trên khắp thế giới xem tin tức truyền hình, có lẽ nhiều người nghĩ rằng đó là những hình ảnh họ sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời.

Khi những người biểu tình xông vào Điện Capitol hôm 6/1 và gây ra làn sóng chấn động trên toàn quốc, họ đã đặt chính trị lên trên pháp quyền. Hành động của họ mâu thuẫn trực tiếp với các giá trị cốt lõi của nền dân chủ Mỹ.

Các sự kiện này khiến bất cứ ai quan tâm đến chính trị đều có cái nhìn e ngại về đất nước tôi.

Thực tế là nước Mỹ đang trải qua giai đoạn chính trị đầy thử thách.

Trong lịch sử, nước Mỹ đã giúp kiến tạo hệ thống toàn cầu, sản sinh ra một số quốc gia thịnh vượng. Tuy nhiên, thành công của nước Mỹ không che lấp được những vết sẹo nó đã gây ra. Chính phủ và người dân đất nước tôi không phải lúc nào cũng làm đúng.

Và trong tuần qua, một vết nhơ mới đã được thêm vào lịch sử Mỹ.

nguoi bieu tinh My anh 2

Người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Không hệ thống nào hoàn hảo 100%

Đôi khi, chúng ta cảm thấy thật lộn xộn và khó chịu khi theo dõi tiến trình dân chủ. Điều này chắc chắn đúng với trường hợp của Mỹ. Thật sai lầm khi cho rằng bất kỳ hệ thống nào cũng không thể mắc lỗi. Đây chính là lý do những người lập quốc tạo ra hệ thống “kiểm soát và cân bằng” (check and balance).

Hiến pháp Mỹ đảm bảo cho mọi người dân quyền “được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, nhưng những quyền đó không được trao cho mọi người.

Trong suốt hai thế kỷ qua, nền dân chủ Mỹ dần mở rộng, trao cho phụ nữ, người da màu cùng các nhóm thiểu số khác quyền bầu cử và tham gia vào chính phủ.

Tuy nhiên, tiến trình này không diễn ra liên tục và tuyến tính.

Năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln ra Tuyên bố Giải phóng Nô lệ, theo đó "tất cả người bị bắt làm nô lệ" trong biên giới nước Mỹ “từ đây sẽ được tự do”.

Nhưng sắc lệnh hành pháp này, vốn nhằm tôn vinh quyền tự do thiêng liêng cho tất cả người Mỹ và đặc biệt là cho những nô lệ chịu bất công, đã bị thách thức bởi những quan điểm đối lập.

Việc nước Mỹ thống nhất chính thức chấm dứt những tội lỗi từ thuở sơ khai, nhưng định kiến trong xã hội không thể bị xóa bỏ.

nguoi bieu tinh My anh 3

Alexander Parini là giảng viên môn Hoa Kỳ học tại Đại học Hoa Sen, TP.HCM. Ảnh: Alexander Parini.

Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục hy vọng khi nhìn vào những nguyên tắc sáng lập nên nước Mỹ nhằm bảo vệ người dân, đặt công lý trước chính trị và bảo vệ quyền tự do.

Nhà hoạt động dân quyền, tiến sĩ Martin Luther King Jr., có niềm tin mãnh liệt vào tiềm năng của nước Mỹ. Ông từng nói: "Chúng ta có thể từng đi trên những con tàu khác nhau, nhưng giờ đây chúng ta đã cùng hội cùng thuyền".

Là một nhà lãnh đạo trong phong trào dân quyền của Mỹ, ông King từng bị chỉ trích bởi nhiều nhóm khác nhau.

Họ coi ông là mối đe dọa đối với hiện trạng phân biệt chủng tộc thời đó. Ngay cả những người không nghĩ vậy, họ vẫn cảm thấy hệ thống xã hội khi ấy quá bệ rạc và không thể thay đổi được.

Nhưng tiến sĩ King vẫn kiên trì.

Cùng với rất nhiều nhà hoạt động tận tụy khác, ông đã chiến đấu không ngừng vì quyền bình đẳng và biến nước Mỹ trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.

"Tôi vẫn có niềm tin vào quê hương Mỹ"

Không thể phủ nhận đây là thời kỳ nước Mỹ chia rẽ, nhưng cũng là thời kỳ người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xích lại gần nhau để bảo vệ nền dân chủ, pháp quyền và tình yêu đất nước.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng nói: “Hai thế kỷ qua đã chứng minh rằng tiến trình phát triển sẽ bị gián đoạn. Không phải lúc nào nó cũng là một đường thẳng. Và không phải lúc nào đây cũng là con đường êm ả”.

Tiến trình phát triển của nước Mỹ vẫn chưa dừng lại. Trong tuần qua, thế giới đã chứng kiến tiến trình ấy tiếp tục diễn ra tại Mỹ.

Hôm 5/1, người dân Georgia bỏ phiếu bầu thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang của họ. Kết quả là Raphael Warnock trở thành thượng nghị sĩ da màu đầu tiên của Georgia, là hiện thân cho tiến trình phát triển của nước Mỹ.

Khi mẹ anh còn là thiếu niên, bà hái bông để kiếm sống qua ngày. Giờ đây, con trai út của bà sẽ đại diện cho người dân Georgia tại Thượng viện Mỹ, đại diện cho một bang từng chiến đấu để duy trì chế độ nô lệ.

nguoi bieu tinh My anh 4

Trong đại dịch, một số người Mỹ kêu gọi quyên góp nhu yếu phẩm để giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Ảnh: Getty.

Trong bất kỳ nền dân chủ nào, người làm nên sự vĩ đại của chính phủ chính là những người dân hiện thân cho đất nước đó. Đây chính là lý do tại sao tôi tiếp tục có niềm tin vào nước Mỹ, quê hương của tôi.

Mỗi này, người Mỹ vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ. Mỗi ngày, người Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu vì những mục tiêu cao đẹp. Mỗi ngày, người Mỹ vẫn tiếp tục mong muốn điều tốt nhất cho quê hương mình và cho thế giới.

Trong suốt đại dịch, tôi vẫn nhìn thấy người Mỹ kiên trì cố gắng vì những mục tiêu cao đẹp. Trên khắp đất nước, người dân Mỹ đang nỗ lực để tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội và trên thế giới.

Tương tự, khi Covid-19 lan rộng khắp đất nước, người dân Mỹ bắt tay vào hành động để cải thiện tình hình.

Tại thành phố New York, ngày càng nhiều chó và mèo được các trại cứu hộ nhận nuôi trong đại dịch.

Tại thành phố Happy Valley, bang Oregon, một công ty hợp tác với chính quyền địa phương để sản xuất khẩu trang cho các lao động tuyến đầu. Hoạt động này cứu vãn công ăn việc làm của người dân, đồng thời giúp bảo vệ những người anh hùng đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Nước Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo, nhưng quê hương tôi vẫn là nơi các cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt thực sự trong nước và trên thế giới.

Đặc tính mạnh mẽ của tinh thần Mỹ là yếu tố góp phần lớn tạo ra sự thay đổi trong thời kỳ nước Mỹ chuyển mình.

Trong giai đoạn thử thách, điều quan trọng là phải ghi nhớ tiến trình đã đạt được.

Và luôn luôn phải có chỗ cho thử thách, để chúng ta có thể suy ngẫm và hành động.

Cảnh sát Capitol hét lên đau đớn giữa đám đông bạo loạn Khi cảnh sát đang cố ngăn chặn đám đông người biểu tình muốn xông vào Điện Capitol, một sĩ quan cảnh sát đã bị kẹt giữa cánh cửa và đám đông quá khích bên ngoài đang muốn tiến lên.

Nguy cơ bạo loạn bùng nổ vào ngày ông Biden nhậm chức

Giới chuyên gia cảnh báo các phần tử cực đoan không ngừng lan truyền những thông điệp thù hận, kích động bạo loạn diễn ra vào ngày nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden.

Phó tổng thống Mỹ không nói chuyện với ông Trump từ sau vụ bạo loạn

Các nguồn tin của CBS tiết lộ Phó tổng thống Mike Pence không nói chuyện với Tổng thống Donald Trump sau vụ người ủng hộ ông Trump tấn công Điện Capitol đòi hủy kết quả bầu cử.

Alexander Parini

Biên dịch: Hương Ly

Bạn có thể quan tâm