'Tuần lễ vàng' quốc khánh Trung Quốc, nửa đất nước di chuyển
Thứ ba, 2/10/2018 14:18 (GMT+7)
14:18 2/10/2018
Kỳ nghỉ quốc khánh 7 ngày tại Trung Quốc là dịp để người dân về thăm nhà, đi du lịch, mua sắm... với sự đông đúc 'ngạt thở' ở bến xe, ga tàu, sân bay cũng như các điểm tham quan.
Nếu Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc chứng kiến "cuộc di cư lớn nhất lịch sử nhân loại" thì dịp quốc khánh ở nước này, tình trạng đông đúc ở các bến xe, ga tàu, sân bay... cũng không kém cạnh. Trong ảnh là quang cảnh tại bến xe Lãng Đông ở thành phố Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị Quảng Tây, trong ngày 1/10, ngày đầu tiên của "tuần lễ vàng" quốc khánh. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Kỳ nghỉ quốc khánh năm nay tại Trung Quốc chính thức bắt đầu từ ngày 1/10 và kéo dài đến ngày 7/10. Tuy nhiên, theo China News, hoạt động đi lại đã diễn ra sôi động từ cuối tuần trước kỳ nghỉ trong dịp mà truyền thông quốc tế vẫn gọi là "một nửa đất nước Trung Quốc di chuyển". Ảnh: Tân Hoa Xã.
"Tuần lễ vàng" là chính sách được áp dụng tại Trung Quốc từ năm 1999 cho 2 kỳ nghỉ quan trọng là Tết Nguyên Đán và quốc khánh (1/10). Trước năm 2007, người dân Trung Quốc còn có "tuần lễ vàng" thứ ba là dịp Quốc tế Lao động 1/5. Ảnh: China News.
Chính phủ Trung Quốc đề ra chính sách "tuần lễ vàng" nhằm thúc đẩy du lịch trong nước, kích cầu tiêu dùng cũng như tạo điều kiện để gia đình đoàn tụ. Ảnh: China News.
Đường sắt vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến của người Trung Quốc. Năm nay, nhiều người chọn Hong Kong làm điểm đến với sự ra đời của tuyến đường sắt cao tốc mới Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong. Theo SCMP, ước tính 60.000 người từ đại lục đến Hong Kong chỉ trong ngày 1/10. Ảnh: China News.
Ga đường sắt Hồng Kiều ở Thượng Hải chật ních hành khách hôm 1/10. Theo cơ quan quản lý nhà ga, lượng khách đi tàu trong ngày này đạt kỷ lục mới với 3 triệu người. Ảnh: China News.
Tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường bộ thường xuyên diễn ra. SCMP cho hay sự cố kinh khủng nhất trong kỳ nghỉ năm ngoái xảy ra tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, với tổng chiều dài đoạn đường kẹt xe lên đến 49,73 km. Ảnh: China News.
Ước tính 335 triệu người đã sử dụng đường bộ để di chuyển trong "tuần lễ vàng" quốc khánh 2017. Một số tuyến đường được ghi nhận kẹt xe kéo dài lên đến 10 tiếng. Ảnh: China News.
SCMP dẫn nguồn số liệu Tổng cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc cho biết
năm 1999, chỉ khoảng 28 triệu người Trung Quốc đi du lịch trong "tuần lễ vàng" đầu tiên. Tháng 10/2017, số người đi du lịch trong nước đã lên đến 705 triệu, chi tiêu tổng cộng 583,6 tỷ nhân dân tệ (85 tỷ USD). Trong ảnh là khung cảnh tại Tây Hồ, Hàng Châu, trong ngày 1/10. Ảnh: China News.
Tây Hồ ở Hàng Châu là một trong những điểm đến phổ biến nhất, nơi mọi con đường, cây cầu, đình, tạ... đều ken đặc du khách thập phương. Những điểm đến phổ biến khác bao gồm Vạn Lý Trường Thành và quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay thành cổ Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc. Ảnh: China News.
Tình trạng đông đúc có thể bắt gặp gần như ở mọi địa điểm du lịch trên khắp Trung Quốc. Trong ảnh là khung cảnh tại một con phố cổ nổi tiếng ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, hôm 1/10. Ảnh: China News.
Đã có những nỗ lực nhằm xóa bỏ chính sách "tuần lễ vàng" vì lo ngại về việc hoạt động của doanh nghiệp địa phương và quốc tế bị gián đoạn trong thời gian này. Trong ảnh là khung cảnh tại Bến Thượng Hải tối 1/10. Ảnh: China News.
Du khách xem thi múa lân sư tại khu du lịch núi Tây Tiêu, thuộc thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Ngoài các điểm đến trong nước, người Trung Quốc cũng đổ ra nước ngoài dịp này với các điểm đến hàng đầu là Nhật Bản, Thái Lan... Ảnh: China News.
Khi những “cậu ấm cô chiêu” duy nhất trong gia đình vào đại học, các bậc cha mẹ Trung Quốc sẵn sàng lên đường đến dựng lều ngay trong trường để chăm sóc con cái họ.
Theo một báo cáo gần đây, bụi siêu vi PM2.5 và khí ozone là hai nguyên nhân hàng đầu khiến hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết trẻ và khoảng 20 triệu tấn nông sản hư hại mỗi năm.