Đặt chân đến Thiên Tân để bắt đầu năm nhất đại học, cậu tân sinh viên Yang Zheyu đã có đầy đủ đồ dùng và sách vở. Thậm chí tại nhà thể chất cách ký túc xá vài trăm mét, trong một chiếc lều xanh dương bé xíu, mẹ của Yang luôn túc trực để sẵn sàng phục vụ cậu con trai: từ nấu bát mì ăn liền, mua xà phòng cho tới lau sàn phòng trọ.
“Em cảm thấy yên tâm hơn khi có mẹ ở đây”, Yang cho biết. "Em chưa bao giờ phải xa nhà cả."
Bà Ding Hongyan là một nông dân sống ở vùng quê cách Thiên Tân khoảng hơn 700 dặm. Ảnh: New York Times . |
Hàng nghìn phụ huynh đi phục vụ con
Vượt qua chuyến hành trình dài hơn 36 giờ bằng tàu hỏa và xe buýt từ quê nhà để đến được Thiên Tân, mẹ của Yang, bà Ding Hongyan, là một trong số hơn 1.000 phụ huynh của sinh viên khóa 2022 cắm trại tại trường trong tháng này để trợ giúp con cái ổn định cuộc sống khi bước vào đại học.
Từ năm 2012, Đại học Thiên Tân, nằm ở phía đông nam Bắc Kinh, đã cung cấp dịch vụ "lều tình thương" miễn phí với mục đích giúp đỡ các gia đình nghèo thực hiện truyền thống “cắp cặp theo con”.
Nhiều phụ huynh, phần lớn là nông dân, giáo viên và công nhân xây dựng đến từ các vùng nông thôn, cho biết họ đã đăng ký ở lại trong lều vì không yên tâm cho con đi học xa nhà và bỡ ngỡ trong một thành phố lớn.
Những ông bố bà mẹ này mang theo cả túi hạt hướng dương, ba lô Hello Kitty nhét đầy giấy vệ sinh và ghi nhớ hàng tá những lời khuyên khác nhau như: giá bánh bao hấp là bao nhiêu (khoảng 1.5 USD), ngành nào có thu nhập cao nhất (kỹ thuật luôn là ngành được yêu thích) hay có nên cho con cái hẹn hò không (tốt nhất nên tránh để tập trung học).
Các ông bố bà mẹ cắm trại trong nhà thể chất đại học Thiên Tân để tiện phục vụ con cái. Ảnh: New York Times. |
Đến tối, hàng trăm ông bố bà mẹ với chăn gối trong tay xếp hàng đi vào nhà thể chất, chen lấn hòng chiếm được vị trí dựng lều gần khán đài. Phòng thay đồ gần đó trở thành nơi cho các “vị khách” vệ sinh cá nhân.
Nuông chiều con quá?
Cả nhà thể chất xôn xao tiếng nói chuyện với đủ thứ giọng địa phương và các cha mẹ phải cố gắng lắm mới hiểu được nhau. Trước khi đi ngủ, họ chia sẻ cho nhau địa chỉ quán ăn ngon và cửa hàng bán ga gối rẻ nhất. Họ còn so sánh điểm số của con mình trong kỳ thi tuyển sinh đại học và thảo luận cách làm thế nào khuyến khích các con theo đuổi những ngành nghề có thu nhập cao.
Hiện tượng các bậc phụ huynh đi theo phục vụ tân sinh viên này đã lan truyền rộng rãi đến nhiều trường đại học trên toàn Trung Quốc, dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu các ông bố bà mẹ có đang quá nuông chiều và khiến những đứa trẻ độc nhất của gia đình không thể tự lập được hay không.
Nguyên do của hiện tượng này bắt nguồn từ chính sách một con của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1979 đến năm 2016, khiến các gia đình Trung Quốc chỉ được phép có duy nhất một “cậu ấm” hoặc “cô chiêu”.
Thế hệ người lớn tuổi Trung Quốc từng trải qua khó khăn và hỗn loạn thời kì Cách mạng Văn hóa 1960-1970 lại lên tiếng chỉ trích những ông bố bà mẹ này đang chiều hư con cái họ, khiến chúng trở thành “ông vua bà tướng” không biết thế nào là khổ cực.
Hàng nghìn phụ huynh của các sinh viên năm nhất cắm trại theo con để hỗ trợ các sinh viên mới nhập trường. Ảnh: New York Times. |
Còn người trẻ Trung Quốc sinh ra và lớn lên trong những năm bùng nổ dân số thì cho rằng họ nên tự quyết định cuộc sống của mình. “Em sẽ học cách tự chăm sóc bản thân,” Yang nói. "Em không lo lắng gì cả."
Ngày nay, nhiều bạn trẻ Trung Quốc là người đầu tiên trong gia đình học đại học. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng mở thêm hàng trăm ngôi trường và số lượng tuyển sinh năm 2017 đã lên đến 37,8 triệu sinh viên, tăng hơn 20% kể từ năm 2010.
Ông Qi Hongyu, đến từ một thị trấn phía đông Giang Tô, cho biết ông đến Thiên Tân vì ông muốn nhìn ngắm ngôi trường đại học của cô con gái mà ông rất mực tự hào. “Con bé đang thực hiện ước mơ của tôi,” ông nói.
Ông Qi, người từ bé đã sống và làm việc trong trang trại, cho biết con gái ông và bạn học đang có cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với các thế hệ trước. Ông cũng hy vọng chúng sẽ biết tự lập khi sống xa nhà.
"Những đứa trẻ này đã lớn lên trong nhà kính", ông nói. “Chúng chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống thực mà từ trước tới giờ chỉ vùi đầu vào sách vở thôi.”
Bà Yang Luping, giáo viên tiếng Anh, nhắc nhở con gái mình rằng sắp tới cô bé sẽ phải học cách tự giặt quần áo. "Con đã biết cách giặt rồi mà", con gái của cô, Lu Yizhuo, nói.
Bà Yang tự miêu tả mình như là một “người mẹ hổ” khi đã làm việc vất vả nhiều năm để đảm bảo rằng con gái bà có thể vào được một trường đại học tốt. Những năm trước, bà gửi con gái đến theo học tại trường nội trú và giặt quần áo cho con vào mỗi cuối tuần.
Bà Yang Luping (trái) đang dặn dò con gái Lu Yizhuo. Ảnh: New York Times . |
Bà Yang xúc động nói rằng con gái mình như một “món quà được gửi đến từ thiên đường” và bà rất muốn cô bé có thể an tâm bắt đầu năm học mới với sự hỗ trợ của gia đình.
"Tôi muốn được bên cạnh con gái để đảm bảo rằng con bé luôn thấy an toàn và hạnh phúc", bà Yang nói. "Tôi luôn nói với con rằng tôi ước mẹ con mình vẫn có thể là mẹ và con gái ở kiếp sau."
Đối với nhiều bậc cha mẹ, cùng con lên thành phố nhập học và chăm sóc chúng thời gian đầu cũng là một cơ hội để họ đặt ra vài quy tắc cho con cái.
Bà Ding tâm sự, con trai bà, Yang, thường hay bị sốt, đôi khi quá nghiện điện thoại hay đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Sau một hồi thỏa thuận, bà Ding kết luận với Yang: Không trò chơi điện tử, không chơi với bạn bè lười biếng, và không yêu đương. Hai mẹ con bà Ding thống nhất thêm một vài quy tắc nữa và nói sẽ giữ liên lạc với nhau qua WeChat, miễn là không ảnh hưởng đến việc học của con trai.
Bà Ding cho biết bà rất lo lắng về việc con trai mình sẽ sống trong môi trường đầy phiền nhiễu. Với hơn 17.000 sinh viên, Thiên Tân là một trong những trường đại học lâu đời nhất của Trung Quốc. Thành phố Thiên Tân là một thành phố cảng quốc tế với những tòa nhà chọc trời, nhà thờ và biệt thự cổ được xây dựng từ thời đế quốc thực dân cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.