Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một tuần biến động kinh hoàng với những phiên giảm điểm kỷ lục mà mở màn là thị trường Mỹ.
Phiên đầu tuần chìm trong sắc đỏ
Chứng khoán Mỹ ngày 5/2 chìm trong sắc đỏ. Ảnh: CNBC. |
Mở phiên giao dịch đầu tuần (5/2), chứng khoán Mỹ nối tiếp đợt bán tháo mạnh từ thứ 6 tuần trước khiến các chỉ số giảm kỷ lục. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trải qua phiên giảm sâu nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, có lúc mất tới 1.600 điểm, còn chỉ số S&P 500 có lúc mất đến 5% - mức cao nhất 6 năm. Chốt phiên, Dow Jones giảm 1.175,21 điểm, tương đương 4,6%, còn S&P 500 sụt 113,1 điểm tương đương 4,1%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq mất 273,4 điểm, tương đương 3,7%.
Nối gót phố Wall, các chỉ số chứng khoán ở châu Á đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số Nikkei 225 có lúc giảm hơn 1.500 điểm - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/1990.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên giảm mạnh nhất 2 năm khi Shanghai Composite Index sụt 3,4%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 3%.
Đảo chiều thành công
Phố Wall quay đầu thành công sau phiên giao dịch đầu tuần đỏ lửa. Ảnh: Reuters. |
Sang ngày 6/2, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 567 điểm, tương đương 2,3%, S&P 500 tăng 46,2 điểm, tương đương 1,7%, còn Nasdaq tăng 148,3 điểm, tương đương 2,1%.
Tuy nhiên, trái với sự hồi phục của phố Wall, thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên 6/2 với Stoxx Europe 600 sụt 2,4% điểm - mức giảm lớn nhất kể từ giữa năm 2016.
Còn tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 rơi vào trạng thị trường điều chỉnh. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) sụt 2,5%, mức giảm thấp nhất trong 5 tuần.
Phố Wall Tăng điểm phiên cuối tuần, nhưng chốt tuần sụt mạnh nhất 2 năm
Chứng khoán Mỹ vừa có tuần sụt mạnh nhất 2 năm. Ảnh: Reuters. |
Phiên giao dịch ngày thứ 6 (9/2), thị trường chứng khoán Mỹ chứng khiến sự đảo chiều mạnh mẽ so với phiên giảm 4% ngày 8/2 và đóng cửa với mức tăng 1,5% của chỉ số S&P 500, còn Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt 1,4% và 1,7%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu và châu Á lại có thêm một phiên giảm điểm mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần. Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu giảm 1,4% chạm đáy 5 tháng.
Trong khi đó, chỉ số MSCI Emerging Market của các thị trường mới nổi giảm điểm phiên thứ 7 liên tiếp với mức giảm 1,6%.
Tuy nhiên, chốt tuần, thị trường chứng khoán giao dịch với mức giảm mạnh nhất trong 2 năm, có thời điểm sụt tới 12% từ mức đỉnh cao nhất.
Đợt bán tháo của tuần này đã xoá sạch thành quả tăng điểm của thị trường kể từ đầu năm. Tuần qua, chỉ số S&P 500 đã sụt 5,2%. Đây là mức giảm nhất của chỉ số này trong 1 tuần kể từ tháng 1/2016.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europ 600 của châu Âu vừa có một tuần giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2016. Còn chứng khoán Trung Quốc cũng có tuần giảm điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm. Chỉ số MSCI World Index của thị trường toàn cầu trải qua tuần giảm giá mạnh nhất từ năm 2016.
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua. Ảnh: CNBC. |
Các đợt bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ diễn ra trong tuần qua là do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 4 năm. Thêm vào đó, sự tăng trưởng ổn định của Mỹ với thị trường việc làm khả quan là những yếu tố làm dấy lên lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD sớm hơn và cao hơn kỳ vọng.
Thị trường đang ngóng dữ liệu về lạm phát Mỹ sẽ công bố vào tuần tới bởi các nhà phân tích cho rằng nếu lạm phát tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm, sức mua tiêu dùng cũng giảm và kéo theo lãi suất tăng. Đây là những yếu tố bất lợi cho thị trường cổ phiếu.
Theo CNBC, tuần qua phố Wall đã bay hơi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD kể từ ngày 26/1 - khi chỉ số S&P 500 đạt mức kỷ lục. Thị trường toàn cầu mất hơn 5 nghìn tỷ USD.