Diễn biến này khá bất ngờ, do trước đó mọi dự đoán đều nghiêng theo hướng giá vàng sẽ lao dốc mạnh nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định tăng lãi suất đồng đôla.
Động thái này được lý giải theo nhiều hướng khác nhau, như việc tăng lãi suất của FED đã được dự báo từ trước, mức tăng không mạnh và trước đó giới đầu tư đã bán tháo quá nhiều…
Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới tương đương 28,98 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng trong nước đã quay trở lại ngưỡng 33 triệu đồng/lượng sau khi bị rơi khỏi ngưỡng này vào hôm qua, bán ra ở mức 33,05 triệu đồng/lượng vào hôm nay, 19/12. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn 4,07 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, giá USD bán ra tại các ngân hàng gần như không đổi trong vòng ba ngày qua, bán ra ở mức kịch trần: 22.547 đồng/USD, mua vào 22.497 đồng/USD, dù Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng rất nhanh bằng cách hạ lãi suất huy động USD của cá nhân về mức 0%/năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng, giá USD “căng” do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thời điểm cuối năm và FED vừa tăng lãi suất.
Theo các chuyên gia, để tăng niềm tin của người dân vào VND qua đó ổn định giá USD, ngoài việc hạ lãi suất đồng đôla, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thêm nhiều biện pháp khác để tăng niềm tin với đồng VN, như kiểm soát lạm phát ở mức độ thấp và tiếp tục kiên trì với lộ trình chống đôla hóa.
Mặt khác, do điều kiện thị trường hiện nay đã thay đổi, FED đã tăng lãi suất và dự báo còn tiếp tục tăng trong năm 2016. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng liên tục hạ giá đồng NDT.
Với diễn biến này, việc điều hành chính sách tỷ giá cũng phải thay đổi linh hoạt cho phù hợp và có động thái nhằm duy trì sự ổn định cần thiết có thể chấp nhận được.