Ý tưởng về đường sách bắt nguồn từ truyền thống tôn vinh văn hoá đọc đã có từ trước đó của người dân, cũng như lãnh đạo TP.HCM.
Từ trước năm 1975, các khúc đường ngay ngã tư Pasteur - Lê Lợi đã có kios bày ra với mênh mông là sách cũ, mới. Chợ sách cũ Đặng Thị Nhu đã hình thành và hoạt động sôi nổi một số năm sau ngày thống nhất đất nước, thu hút đông đảo nhiều người say mê yêu sách.
Từ năm 2000 trở đi, cứ hai năm một lần, Hội sách TP.HCM được tổ chức rất lớn và mỗi dịp Tết đến, xuân về đường sách - đường hoa đều được diễn ra trên trục đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế.
Hoạt động thường niên này đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân thành phố và được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố cùng các nhà xuất bản, công ty sách của cả nước tham gia nhiệt tình.
Một hình ảnh rộn ràng tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Bá Ngọc. |
Tìm không gian ổn định, lâu dài cho phát hành sách
Nhìn thấy việc nên tìm một con đường để xây dựng một không gian ổn đinh, lâu dài cho hoạt động phát hành sách, một số lần lãnh đạo TP.HCM đặt vấn đề với các đơn vị xuất bản, phát hành sách của thành phố.
Đến ngày 13/11/2014, bài viết “Con đường sách nào cho Sài Gòn” của nhà báo Lê Văn Nghĩa đăng trên báo Tuổi Trẻ. Cùng lúc đó, Hội xuất bản Việt Nam đã vào cuộc với các buổi toạ đàm, lấy ý kiến vận động cho ý tưởng này đi vào hiện thực.
Sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp Văn phòng phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 (17-21/4/2015) ngay trên đường Nguyễn Văn Bình, coi đây là hoạt động thử nghiệm cho mô hình đường sách sẽ xây dựng trong tương lai.
Cũng trong dịp này, ngày 18/4/2015 ngay trên đường Nguyễn Văn Bình đã diễn ra hội thảo: "Đường sách Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Tại sao không?”, thu hút nhiều ý kiến tham gia của các nhà văn, nhà báo, người làm sách… Nhiều người đã đề cử đường Nguyễn Văn Bình, quận 1 làm đường sách.
Ngày 14/5/2015, Văn phòng phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam gửi công văn số 02-2015/CV-VPPN về việc kiến nghị các biện pháp phát triển văn hóa đọc tại TP.HCM, chính thức đề xuất với Thành ủy, cần “Hình thành Đường sách TP.HCM” - một con đường dành cho sách, cho văn hóa đọc.
Đến ngày 3/9/2015, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP.HCM có ý kiến chỉ đạo: "Qua việc tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ hai năm 2015 tại khu vực đường Nguyễn Văn Bình, quận 1 đã được nhân dân đồng thuận và có đánh giá cao, cần tiếp tục duy trì trở thành địa chỉ văn hoá hấp dẫn của thành phố, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc về một môi trường văn hoá giải trí gắn với thế giới sách...”, trích thông báo số: 704/UBND-VP của Văn phòng UBND TP.HCM.
Ngày 8/9/2015, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã ký công văn số 21/TTR-STTTT về việc xây dựng Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 và chính thức trình UBND TP.HCM đề án “Thành lập Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1” với mục tiêu được xác định rõ ràng: Tạo dựng lại mô hình đường sách trước đây đã có, xây dựng không gian phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng mô hình văn hóa đọc, lan tỏa, nhân rộng ra các quận huyện khác có điều kiện; xây dựng một thương hiệu văn hóa đọc cho thành phố và cả nước”.
Đường sách sẽ là “nơi phục vụ và thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của cư dân thành phố và du khách, nơi thưởng lãm đậm nét văn hóa của người thành phố sau những giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ hội...”.
Đường sách TP.HCM trở thành điểm hẹn văn hóa trong 5 năm qua. Ảnh: Tùng Tin. |
Một công trình văn hóa đặc sắc
Ngày 22/9/2015, UBND thành phố đã trình Thành ủy công văn số 5736/UBND-VX về việc xây dựng Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1.
Ngày 24/9/2015, Hội đồng Quy hoạch và Kiến trúcTP.HCM có biên bản kết luận về phương án thiết kế xây dựng đường sách, thống nhất bố trí đường sách trên toàn tuyến đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 (CV 3544/ SQHKT - HĐKTQH), ngày 30/9/2015, Văn phòng Thành ủy đã truyền đạt ý kiến của Thường trực Thành ủy, đồng ý chủ trương: Tổ chức Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX nhiệm kỳ 2015- 2020 (CV:10416/VP- TU).
Ngày 10/10/2015, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 (CV:6156/KH- UBND) với mục đích, yêu cầu cụ thể cho từng tiêu chí, hạng mục xây dựng... đến trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành, trong việc yêu cầu gấp rút triển khai xây dựng và hoàn thành công trình văn hóa đặc sắc chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Thực hiện kế hoạch trên, Ban điều hành Đường sách TP.HCM được thành lập (gồm Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam- QĐ: 2901/QĐ-STTTT ngày 10/11/2015) trực tiếp điều hành các công việc phục vụ cho việc xây dựng Đường sách TP.HCM theo chủ trương của lãnh đạo thành phố.
Sau gần ba tháng thi công, Đường sách TP.HCM đã được khánh thành - một công trình văn hóa đặc sắc chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đường sách TP.HCM chính thức đi vào hoạt động ngày 9/1/2016 và được bầu chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của thành phố năm 2016.
UBND TP.HCM đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị quản lý nhà nước đối với Đường sách. Ban giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đề nghị Hội Xuất bản Việt Nam thành lập Công ty TNHH Đường sách TP.HCM (ngay sau khi Ban điều hành Đường sách TP.HCM chấm dứt hoạt động) để quản lý và điều hành các hoạt động tại không gian Đường sách TP.HCM với tiêu chí phục vụ văn hóa đọc, không phải kinh doanh.
Ngày 9/12/2015, Hội Xuất bản Việt Nam ban hành quyết nghị số 03/QN-TVHXB thành lập Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM để tổ chức, quản lý, điều hành các hoat động của đường sách.