Thủ tướng mới đây đã ký ban hành Nghị định số 63/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc Nhà nước.
Nghị định quy định cụ thể, mức xử phạt bằng tiền và cảnh cáo đối với các vi phạm hành chính trong công tác quản lý và sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kho bạc Nhà nước…
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kho bạc Nhà nước là 50 triệu đồng với cá nhân, và 100 triệu đồng với tổ chức.
Còn với lĩnh vực thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, mức phạt tiền tối đa sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức.
Dàn ôtô phục vụ hội nghị APEC năm 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Đáng chú ý, trong nghị định lần này có quy định mức phạt với các hành vi vi phạm hành chính sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Cụ thể, nếu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền, mức phạt sẽ dao động 1-10 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới/trên 100 triệu đồng.
Trong trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, hoặc ôtô để phục vụ mục đích cho thuê, kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Mức phạt tương tự cũng áp dụng với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê… sai mục đích được phê duyệt.
Ngoài việc bị phạt tiền mặt, cá nhân, tổ chức vi phạm cũng sẽ buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi. Nếu không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản tương đương và phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm.
Nghị định cũng quy định xử phạt tới 20 triệu đồng với hành vi tự ý bán, thanh lý ôtô công khi dự án kết thúc, mà chưa có quyết định phê duyệt.
Trường hợp cá nhân có cùng những hành vi nêu trên thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
Ngoài ra, hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị… bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức cũng sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Nghị định còn quy định cụ thể mức phạt tiền và cảnh cáo với hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; hay tài sản kết cấu hạ tầng...
Dự kiến, Nghị định này có hiệu lực thay thế Nghị định Nghị định 192/2013 và Nghị định 58/2015.