Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị trí cần kiểm tra đầu tiên khi máy lạnh không mát

Nguyên nhân khiến máy lạnh không mát có thể xuất phát từ một bộ phận quan trọng, nhưng ít được người dùng để ý.

Trong những ngày hè nắng nóng, máy lạnh là thiết bị được sử dụng nhiều, hoạt động trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số người dùng gặp trường hợp bật máy lạnh mà không mát. Dù bật hết công suất máy lạnh hay để nhiệt độ giảm sâu, quạt gió chạy ở mức mạnh nhất nhưng vẫn thấy nóng bức.

Lý do máy lạnh không mát

Theo chia sẻ của các kỹ sư điện lạnh, nguyên nhân chính khiến máy lạnh chạy nhưng không mát là do bộ phận lưới lọc máy lạnh lâu ngày không được làm sạch. Bụi bẩn bám chặt vào lưới, cản trở quá trình lưu thông gió từ thiết bị tới không gian phòng.

“Phần lớn trường hợp máy lạnh kém mát mà bên tôi được thuê kiểm tra là do lưới lọc quá bẩn. Thường người dân sử dụng máy lạnh vào mùa hè còn mùa đông không che đậy cẩn thận, nên máy lạnh bị bám bụi”, anh Tạ Quang Trường, chủ một cửa hàng sửa máy lạnh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Cach xu ly khi dieu hoa khong mat anh 1

Trong những ngày hè nắng nóng, máy lạnh là thiết bị được sử dụng nhiều, hoạt động trong thời gian dài. Ảnh: Sharp.

Ngoài ra, việc lưới lọc bị bẩn cũng khiến máy lạnh phải chạy với công suất cao hơn, gây tốn điện và tạo ra nhiều tiếng ồn.

“Lưới lọc máy lạnh bám bụi sẽ làm giảm lượng không khí lưu thông, khiến phòng không mát. Điều này có thể khiến lượng điện tiêu hao tăng lên khoảng 10-15% so với khi lưới lọc được vệ sinh thường xuyên”, anh Trường tiếp tục.

Không những vậy, nếu máy lạnh không được bảo trì thường xuyên còn có nguy cơ gây ra các bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng như viêm họng, viêm mũi...

Với 8 năm kinh nghiệm sửa chữa máy lạnh, ông Chu Ngọc Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Bảo Hành của Tập đoàn Kangaroo khuyên người dùng tháo lưới lọc để vệ sinh định kỳ.

"Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, màng lọc nên được vệ sinh khoảng 1 tháng/lần để đảm bảo sự tối ưu hiệu quả làm lạnh. Riêng việc vệ sinh tổng thể toàn bộ máy lạnh nên được làm khoảng 3 tháng/lần", ông Vũ cho biết.

Vì vậy, khi máy lạnh không mát như ý muốn hoặc phát ra tiếng ồn lớn, việc đầu tiên người dùng cần làm là kiểm tra lưới lọc.

Các bước vệ sinh lưới lọc

Để giải quyết vấn đề trên, ông Vũ tư vấn mọi người có thể tự tháo màng lọc và vệ sinh loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, sau đó lắp lại vị trí cũ để tiếp tục sử dụng.

Bước 1: Xác định vị trí lưới lọc máy lạnh. Các sản phẩm máy lạnh hiện nay thường đặt bộ phận lưới lọc ở ngay sau nắp mặt trước của điều hoà.

Bước 2: Ngắt hoàn toàn điện vào thiết bị. Tùy vào cách thiết đặt, người dùng có thể ngắt aptomat hoặc phích cắm điện của máy lạnh để đảm bảo an toàn trong quá trình vệ sinh.

Bước 3: Mở nắp mặt trước của máy lạnh, sau đó rút tấm lưới lọc bụi ra ngoài. Thông thường, một máy máy lạnh sẽ có 2 tấm lưới lọc bụi.

Bước 4: Sử dụng khăn hoặc máy hút bụi vệ sinh phần bụi bám trên bề mặt. Nếu bụi bám quá dày, người dùng có thể vệ sinh màng lọc dưới vòi nước bằng bàn chải. Nên lưu ý nhẹ tay để không làm hỏng phần lưới lọc.

Bước 5: Dùng khăn vải khô để thấm hết nước trên tấm lưới lọc. Người dùng cũng có thể để lưới lọc khô tự nhiên. Dùng bàn chải khô và khăn để lau bụi bám ở các chi tiết khác trong máy lạnh.

Bước 6: Lắp lại tấm lưới lọc bụi vào vị trí cũ của máy lạnh. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn trên, hãy cấp lại nguồn điện cho máy lạnh để tiếp tục sử dụng.

Sau khi đã vệ sinh máy lạnh sạch sẽ và chạy thử, nếu phòng vẫn không mát, người dùng nên liên hệ với thợ sửa chữa để tìm nguyên nhân chính xác và có biện pháp khắc phục.

Ông Vũ cũng lưu ý rằng trong trường hợp thuê thợ, mọi người có thể tham khảo giá thị trường để tránh bị "bắt chẹt", nhất là vào cao điểm nắng nóng.

Theo đó, giá vệ sinh màng lọc máy lạnh hiện nay khoảng 100.000 đồng/lần, đối với vệ sinh tổng thể toàn bộ máy máy lạnh dao động 150.000–200.000 đồng/lần.

Sử dụng điều hòa thế nào để tiết kiệm điện?

Mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng máy lạnh và quạt trong nhà sẽ tăng cao, kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng. Vậy người dùng nên sử dụng các thiết bị điện như thế nào cho tiết kiệm?

10 mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện

Chi phí điện năng khi sử dụng điều hòa khiến nhiều người lo lắng. Với 10 bí kíp dưới đây, người dùng có thể tiết kiệm một khoản tiền điện mỗi tháng.

Nhu cầu mua điều hòa bảo vệ sức khỏe tăng cao trong thời dịch

Các dòng điều hòa có công nghệ lọc sạch không khí, tiết kiệm điện... thu hút khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Việt Anh

Bạn có thể quan tâm