Plato (trái) và Aristotle trong bức họa Trường học Athens của danh họa Raffaello. Ảnh: Wikiart. |
Buổi tọa đàm “Triết học Aristotle & những nền tảng cổ xưa trong thời đại mới” diễn ra vào chiều 27/3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ hội Tri thức Nền tảng. Tại đây, các diễn giả và độc giả đã cùng bàn luận về giá trị và tính ứng dụng của triết học Aristotle trong thời đại ngày nay.
Aristotle (384-332 TCN) là một trong những triết gia Hy Lạp có tầm ảnh hưởng nhất trong nền tri thức phương Tây. Trong đó, yếu tố được đánh giá cao nhất trong những di sản của Aristotle là hệ thống luận của ông.
Aristotle, thay vì đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng để độc giả làm theo, lại đưa ra một chuỗi biện luận chặt chẽ nhưng không xác định, từ đó, độc giả có thể “tự giải ảo” cho mình. Vị triết gia này đề cao việc tự quan sát và đúc rút phương pháp của mỗi người, sau đó áp dụng vào từng trường hợp cụ thể.
Đây chính là lý do tư duy luận biện của Aristotle vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Không những thế, những tư tưởng của ông cũng đặt nền móng cho nhiều triết gia, nhiều phát kiến, xu hướng mới trên thế giới.
Chia sẻ về những ứng dụng của Aristotle, nhà văn Hà Thủy Nguyên lập luận rằng trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chắc chắn sẽ được bàn đến nhiều. Bà nói: “Khi chúng ta huấn luyện AI, chúng ta đưa vào nó rất nhiều hệ thống thông tin, nhiều khái niệm. AI sẽ phải ‘học’ toàn bộ hệ thống khái niệm đó và diễn giải sao cho trình tự, rành mạch và xác đáng nhất. Để làm được vậy, chúng ta phải nhờ đến hệ thống luận của Aristotle”.
Làm thế nào để diễn tả đúng một vấn đề? Làm thế nào để gọi tên đúng một vấn đề? Làm thế nào để lập trình một hệ thống câu? Đó là những vấn đề mà Aristotle bàn đến và tìm cách giải quyết trong các cuốn sách của mình. Những đề xuất của ông thực tế đã tạo nền tảng cho hệ tư duy của phương Tây suốt hơn 2.000 năm qua.
Bà Hà Thủy Nguyên cho rằng AI như ChatGPT bây giờ vẫn đưa ra những văn bản chung chung, diễn đạt theo kiểu “lấp đủ chữ”, chứ chưa cung cấp thông tin rành mạch, hệ thống như một trợ lý tri thức cho chúng ta. Bà tin rằng để AI có thể thực sự hỗ trợ được con người, AI cũng sẽ phải học lối tư duy của Aristotle.
Ông Lê Duy Nam (trái) và bà Hà Thủy Nguyên (phải) là hai diễn giả chính của buổi tọa đàm. Ảnh: LL. |
Cũng trong buổi tọa đàm, diễn giả Lê Duy Nam, dịch giả kiêm trưởng dự án dịch thuật Aristotle, CEO Book Hunter, cho rằng trong những quan điểm của Aristotle, một nhà triết học cổ xưa như vậy, có những điểm còn nguyên giá trị.
Aristotle có tư duy mong muốn xây dựng một xã hội nơi mỗi người đều có thể hoàn thiện mình, sống một cuộc sống hạnh phúc và cống hiến được cho cộng đồng, được cộng đồng trân trọng… Theo ông Lê Duy Nam, hệ thống luận của Aristotle giúp độc giả hiểu hơn về mình và thế giới xung quanh.
Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc công ty sách Omega+, chia sẻ thêm rằng di sản của Aristotle có nhiều điểm còn giá trị nhưng cũng có những điểm chưa chính xác. Nhưng cũng từ những điểm này đã đặt ra những đối thoại, khiến người ta phải quay đi quay lại phản bác, tạo ra cả một cuộc tranh luận kéo dài cho đến ngày nay.
Bà nói: “Tôi không cho rằng giá trị của Aristotle nằm ở chỗ mọi thứ của ông đều đúng. Quan điểm ấy đi ngược lại với phương pháp của ông. Cho nên, tôi nghĩ rằng phương pháp ông để lại là cái giá trị lớn nhất, còn những kết luận, những kết quả nghiên cứu từ 2.500 năm trước, giờ khó mà được coi là đúng được”.