Tử tù tại Nhật Bản thường phải chờ đợi hàng năm với cái chết treo lơ lửng trên đầu, để rồi được thông báo ra pháp trường chỉ ít giờ trước khi trút hơi thở cuối cùng trên giá treo cổ.
Trái với tại nhiều nước phương Tây, án tử hình tại Nhật Bản vẫn nhận được sự ủng hộ lớn trong dư luận.
"Giá một mạng người chỉ 100.000 yen"
Tử tù thường là tội phạm sát nhân hàng loạt.
Vào ngày hành quyết, họ được bịt mắt và đưa đến giữa phòng thi hành án, với tay chân bị trói chặt và cổ quấn dây thòng lọng. Cuối cùng, cánh cửa sập bật mở dưới chân người phạm nhân, kết thúc những năm dài chờ đợi cái chết.
Việc hành hình không được thực hiện bởi người được đào tạo chuyên nghiệp mà bởi các quản ngục. Họ là những người đã có nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm trời canh gác chính những tử tù có mặt trong buổi hành quyết; thuộc lòng cả thân nhiệt, nhịp thở và cách nói chuyện của phạm nhân.
Giá treo cổ tại Nhà giam Tokyo. Ảnh: AP. |
Cánh cửa sập được kích hoạt bởi một trong những nút bấm đặt tại căn phòng bên cạnh. Đến giây phút quyết định, các quản ngục sẽ bấm nút đồng loạt mà không biết đâu là công tắc thật.
"Thật kinh khủng khi nhìn thi thể của họ rung trên sợi dây nylon, cứ như thể đó là một vật vô tri nặng gần 70 kg", Toshio Sakamoto, một người từng chứng kiến việc thi hành án tử, kể lại.
Ông nói quá trình thi hành án thật sự "vượt ngoài sức chịu đựng" của mình.
Sau khi hoàn thành công việc, mỗi quản ngục nhận được khoản thù lao 20.000 yen (gần 180 USD). Họ cũng không được hỗ trợ tư vấn tâm lý mà phải tự giải quyết với những cơn trầm cảm của mình.
"Đây là công việc tồi tệ nhất trên đời. Giá một mạng người chỉ bằng 100.000 yen", Sakamoto chia sẻ.
Mòn mỏi chờ cái chết gõ cửa
Theo AFP, trong số những nước dân chủ và có nền công nghiệp phát triển trên thế giới, chỉ có Mỹ và Nhật Bản còn duy trì án tử hình.
Hệ thống án tử hình của Nhật Bản thu hút sự chú ý quốc tế vào ngày 6/7. Án tử hình của 13 thành viên giáo phái Aum, chủ mưu vụ khủng bố tại Tokyo vào năm 1995 khiến 13 người thiệt mạng và gần 6.000 người chịu tác động của khí độc thần kinh Sarin, được thi hành đồng loạt trong 1 ngày.
Nhiều ý kiến cho rằng mức án này quá tàn nhẫn đối với tội phạm, người thân của họ và các quản ngục có liên quan.
Shoko Asahara, thủ lĩnh giáo phái Aum, đã được cho thi hành án tử hình vào đầu tháng 7. Ảnh: Kyodo. |
Luật pháp Nhật Bản quy định án tử hình phải được thi hành trong vòng 6 tháng sau khi khi tòa án tối cao ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, các tử tù thực tế phải chờ thi hành án trong nhiều năm trời.
Hiện Nhật Bản có tổng cộng 110 tử tù chưa thi hành án.
"Các phạm nhân thường chỉ được báo trước thời điểm hành quyết chỉ vài giờ. Một số trường hợp còn không được báo trước", báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.
"Tù nhân phải sống trong cảnh cô độc, không biết khi nào họ mới trực tiếp đối diện với cái chết. Nhiều trường hợp kéo dài hàng thập niên", tổ chức này thông báo.
Trong khi đó, gia đình các tử tù cũng chỉ được thông báo về việc thi hành án sau khi mọi chuyện đã an bài.
Munehiro Nishiguchi, một tội phạm sát nhân đang chờ Tòa án Tối cao Nhật Bản ra kết luận về đề nghị kháng án tử hình, nói vụ hành quyết các thành viên giáo phái Aum là một cú sốc lớn ngoài sức tưởng tượng đối với ông.
"Tôi thấy mình yếu ớt một cách thảm hại. Giờ tôi đã nhận ra: Hình phạt và nỗi đau thật sự của mức án chính là sự sợ hãi mà tôi cảm nhận mỗi ngày khi chờ đến thời khắc quyết định", Nishiguchi viết trong lá thư gửi đạo diễn Yo Nagatsuka, người từng làm một bộ phim tài liệu về án tử hình tại Nhật Bản.
Tranh cãi về án tử hình
Theo cựu quản ngục Sakamoto, tỉ lệ tòa án Nhật Bản chấp nhận đề nghị mức án tử hình của bên công tố là hơn 90%. Tuy nhiên, các vụ án lại dựa nhiều vào lời tự thú của nghi phạm, tạo ra nhiều lỗ hổng trong quy trình dễ dẫn đến ép cung và oan sai.
Một số ý kiến cho rằng thực chất quá trình thi hành án quá bí ẩn nên không tạo được tranh luận đáng kể trong xã hội. Chính phủ mới một lần cho phép truyền thông vào nhà giam Tokyo (một trong 7 cơ sở giam giữ có giá treo cổ tại Nhật Bản) để ghi hình phòng thi hành án tử.
Chuyến viếng thăm chỉ kéo dài 30 phút.
Cựu quản ngục Toshio Akamoto. Ảnh: AFP. |
Có 80% trong 1.800 người tham gia khảo sát năm 2014 của chính phủ Nhật Bản cho rằng án tử hình là "không thể tránh khỏi", 10% ủng hộ việc bãi bỏ mức án này. Phương án thay thế án tử bằng án tù chung thân không ân xá được ủng hộ với tỉ lệ 38%.
Hình phạt gây tranh cãi này vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể trong dư luận Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn AFP, một doanh nhân 62 tuổi tại Tokyo cho rằng sẽ thật điên rồ nếu chính phủ bỏ án tử hình.
Mika Koike, một kỹ sư công nghệ thông tin 29 tuổi, cũng ủng hộ án tử vì đó là hình phạt thích đáng nhất "nếu cân nhắc đến các nạn nhân và người thân của họ".
"Chúng tôi có câu nói: 'Nợ máu phải trả bằng máu'. Những kẻ sát nhân phải bị tử hình vì tội ác ghê tởm của họ. Điều đó là không thể tránh khỏi", Kotaro Yamakami, một sinh viên ngành chính trị 25 tuổi, nhận định.
Dù ủng hộ án tử, Yamakami cũng thừa nhận các ý kiến ủng hộ bãi bỏ hình phạt này đang xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội.
Nhiều người đang kêu gọi chính phủ Nhật Bản điều chỉnh bộ luật hình sự và bổ sung thêm án tù chung thân không ân xá.