Bài dịch từ tự truyện của Drogba:
Galatasaray muốn tôi tiếp tục gắn bó với họ sau khi hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn vào cuối mùa bóng 2013/14, nhưng ngặt nỗi tôi vừa nhận được lời đề nghị từ phía Juventus. Huấn luyện viên của họ lúc đó, Antonio Conte muốn có tôi trong đội hình, mà thực tế từ lâu tôi đã mong được thử sức tại giải Italy.
Tuy nhiên, tôi còn nặng tình với Galatasaray, đi hay ở thật sự là một quyết định rất khó nói. Cũng trong năm đó, Conte rời Juventus vào tháng 7. Nhưng dù gì cơ hội được đá cặp cùng Carlos Tevez trên hàng công vẫn là điều khó lòng từ chối.
Từ ngày Jose Mourinho rời Chelsea, tôi và ông ấy vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhau. Ngày tôi ra đi, ông ấy đang làm việc tại Real Madrid, có lần Jose nói: “Một ngày nào đó cậu phải trở lại Chelsea. Đó là nhà của cậu, là nơi mà cậu thuộc về”.
Đáp lại ông ấy, tôi quả quyết: “Tôi sẽ không quay lại nếu ở đó không có thầy, bởi vậy thầy cũng sớm tìm đường trở về đi nhé”.
Chỉ có mối quan hệ với Mourinho mới thuyết phục được Drogba trở lại Chelsea một lần nữa. |
Trong suốt mùa hè năm 2013 khi ông ấy trở lại Chelsea, Jose đã tìm đủ mọi cách “cướp” tôi khỏi Galatasaray nhưng ban lãnh đạo đội bóng không chấp nhận bởi tôi vừa gia nhập chỉ cách đó vỏn vẹn 6 tháng.
Bởi vậy, khi nghe tôi nói Juve ngỏ ý muốn có tôi, ông ấy một mực ngăn cản: “Không có đi đâu hết, cậu phải ở yên đó và chờ tôi”. Và điều kỳ diệu đã tới khi chủ tịch Roman Abramovich đồng ý để tôi trở về giúp sức cho câu lạc bộ.
Tới cuối tháng 7, Chelsea chính thức gửi tới tôi bản hợp đồng có thời hạn một năm. Khi đó, Jose Mourinho tuyên bố trước toàn đội rằng ông đem tôi trở lại Chelsea không phải vì lý do cá nhân mà bởi vì Jose tin tôi vẫn là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới.
Thật tuyệt khi được nghe những lời đó. Với tôi, quyết định khoác áo Chelsea một lần nữa quả thực rất dễ dàng. Nơi này là nhà của tôi, và hơn tất cả, người thầy tôi luôn ngưỡng mộ cũng đang ở đây. Chẳng có gì để đắn đo cả.
Ngày trở lại Stamford Bridge, tôi ngỡ như mình chưa từng rời xa nơi đây. Có nhiều gương mặt tôi chưa từng quen biết nhưng mọi thứ thì vẫn vậy, từ màu áo, logo, sân vận động và dĩ nhiên, cả những cổ động viên.
Lần trở lại này, phải nói rằng tôi cảm kích Oscar rất nhiều bởi cậu ấy đã nhường lại cho tôi chiếc áo số 11 quen thuộc. Một cử chỉ hào phóng dù cho thật sự cậu ấy hoàn toàn có thể không làm như vậy.
Oscar cho Drogba cơ hội khoác lên mình chiếc áo số 11 tại Chelsea. |
Một gương mặt khác khiến tôi hứng thú khi quay lại nơi đây là Eden Hazard. Còn nhớ trước khi rời Chelsea năm 2012, tôi đã một mực thuyết phục cậu ấy gia nhập câu lạc bộ.
Khi đó, chúng tôi chỉ đứng thứ 6 tại giải quốc nội còn Eden Hazard thì nhận được sự quan tâm rất lớn từ Manchester United và Real Madrid. Nhưng ngay sau ngày đăng quang Champions League, tôi lập tức nhờ Gervinho gọi điện thuyết phục cậu ấy rằng Chelsea mới chính là bến đỗ hoàn hảo. Và đó cũng chính là cuộc gọi định mệnh đưa cậu ấy đến với màu áo xanh.
Jose gặp rất nhiều khó khăn trong lần trở lại này. Kể từ năm 2007 khi ông ấy ra đi, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt.
Một điểm khá thú vị là trong lần tái ngộ này, cách nói chuyện của Jose Mourinho với cả đội đã khác hẳn so với lần đầu tôi làm việc cùng ông ấy. Nhớ hồi đó, ông thầy tôi quyết liệt và cộc cằn hơn rất nhiều.
Tôi đồ rằng nguyên nhân chính là bởi đội hình hiện tại có nhiều nhân tố trẻ hơn so với năm 2004 khi Chelsea tập hợp những gã già lì lợm. Dĩ nhiên bạn không thể nói chuyện với những chàng trai trẻ giống như đang nói với các cầu thủ dày dặn kinh nghiệm được. Có lẽ đó là lý do chính khiến Jose luôn cẩn trọng trong từng câu chữ của mình.
Nhưng tính tỉ mẩn trong từng việc nhỏ nhặt của ông ấy thì lại chả khác tẹo nào. Hồi 2004, cả đội thường cùng nhau ngồi phân tích về đối thủ sắp tới, xem đi xem lại những trận đấu trước đó của họ.
Trước mỗi trận đấu, Jose còn gửi cho từng người một tập tài liệu nhỏ, trong đó bao gồm mọi chỉ dẫn tập luyện cho mỗi cá nhân. Buổi họp mặt trước trận đấu đơn giản giống như "kiểm tra bài" những thông tin thầy đã yêu cầu chúng tôi nghiên cứu trước đó.
Việc lặp đi lặp lại những bài học này giúp chúng tôi dần nắm được chìa khóa chiến thắng khi bóng còn chưa lăn. Ở Chelsea hiện tại, cách làm đó một lần nữa lại được Jose sử dụng.
Có một điều đặc biệt là Jose biết rõ mọi cầu thủ ở mọi giải đấu khác nhau, không chỉ ở Anh, những giải nước ngoài ông thầy tôi cũng nắm rõ như lòng bàn tay. Vì lẽ đó, chúng tôi hoàn toàn nắm được mọi thứ về đối thủ sắp tới.
Ngày nay, cách làm như vậy trở nên khá phổ biến ở các đội bóng hàng đầu. Nhưng thời điểm năm 2004, rất ít người có được tư duy giống thầy Jose.
So với những ngày đầu tôi khoác áo Chelsea, tư duy chơi bóng ở đây thay đổi rất nhiều. Chúng tôi khi đó thích tấn công trực diện và chỉ quan tâm tới chiến thắng chung cuộc.
Chelsea trong nhiệm kỳ đầu của Mourinho là một tập thể của những cầu thủ gan góc và giàu thể lực. |
Nhưng cách chơi đó cũng tùy thuộc vào đội hình mà chúng tôi sở hữu. Giai đoạn này, Chelsea tập hợp nhiều cầu thủ có thể hình tốt, giàu sức mạnh để có thể đá phòng ngự phản công. Chúng tôi giỏi phòng ngự và triển khai tấn công, dù cho chỉ có một nửa cơ hội ghi bàn thì chúng tôi cũng sẽ tận dụng triệt để.
Chelsea hiện tại không còn như vậy bởi các cầu thủ lúc này khác xa khi ấy. Chúng tôi chuyền bóng nhiều hơn, chăm kiểm soát bóng và chơi chậm hơn hẳn so với lối chơi đã trở thành thương hiệu của Jose.
Dù thay đổi nhiều nhưng Chelsea vẫn thích nghi tốt với lối chơi mới. Chúng tôi có một khởi đầu cực kỳ hoàn hảo, bất bại trên mọi đấu trường trước khi vấp ngã lần đầu trong trận gặp Newcastle vào tháng 12.
Tôi bỏ lỡ giai đoạn đầu mùa do bị trật khớp trong một trận giao hữu hè. Phải mãi tới tận tháng 10, tôi mới được huấn luyện viên sử dụng do Diego Costa gặp phải một chấn thương.
Trong ba trận liên tiếp được thầy trao cơ hội, tôi đều sút tung lưới đối phương. Trận đầu tiên là tại vòng bảng Champions League, gặp Maribor. Tôi đóng góp một bàn từ chấm phạt đền vào chiến thắng “sáu sao” tưng bừng của đội bóng.
Bàn thắng thứ hai tôi ghi được đến từ chuyến làm khách tới sân của Manchester United. Còn nhớ lần cuối tôi sút tung lưới họ, bàn thắng đó đã đưa Chelsea lên đỉnh Premier League.
Sau 53 phút hai đội cầm chân nhau không bàn thắng, tôi bật cao đánh đầu tung lưới họ từ một pha đá phạt góc. Một thứ cảm xúc quá đỗi tuyệt vời!
Hàng thủ vững chãi của chúng tôi ngăn chặn mọi đường tấn công từ phía đội họ. Nhưng khi tất cả đã nghĩ đến chuyện trở lại London với 3 điểm thì Robin Van Persie bất ngờ sút tung lưới chúng tôi ở những phút cuối cùng.
Điều này thật khó chấp nhận cho dù kết quả hòa cũng đủ để Chelsea duy trì khoảng cách an toàn với Southampton, đội đang xếp thứ hai tại giải quốc nội khi đó.
Đối lập hoàn toàn với bàn thắng trên sân Old Trafford, pha làm bàn thứ ba của tôi được ghi trong một ngày thứ ba mưa gió trên sân vận động đẫm nước và đầy bùn đất tại Shrewsbury.
Shrewsbury Town, đội bóng đang chơi tại giải hạng hai, đã phải dựng thêm hai khán đài tạm bợ để đáp ứng lượng khán giả đến sân đông kỷ lục. Trận đấu đó thực sự là một bài test khó khăn với chúng tôi. Không chỉ bởi điều kiện sân bãi tồi tàn mà còn vì tinh thần máu lửa của đối thủ khi được đối đầu với một đội bóng lớn như Chelsea.
Họ kiên cường cầm hòa chúng tôi 0-0 cho tới hết hiệp thi đấu đầu tiên. Cho dù trước đó tôi có bị từ chối một bàn thắng hợp lệ nhưng tới phút 48, tôi cũng sút tung lưới họ sau đường chuyền của Mohamed Salah, bàn thứ ba trong vòng ba trận liên tiếp.
Bàn gỡ hòa của họ ở phút 77 khiến chúng tôi bừng tỉnh và nhanh chóng chiếm lại thế trận. Và điều gì đến cũng phải đến, dưới sức ép từ tôi, một trung vệ trẻ của họ lóng ngóng phản lưới nhà, chấm dứt hi vọng làm nên điều kì diệu.
Còn nữa