Hiện nay, bóng đá là môn thể thao vua đối với khán giả ái mộ trái bóng tròn Việt Nam. Và lịch sử du nhập môn bóng đá vào Việt Nam, được sách Sài Gòn Chợ Lớn: thể thao và báo chí trước 1945 cho là từ dạo năm 1905 với sự kiện khi ấy diễn ra trận đấu giữa đội bóng của tàu Anh H.M.S King Alfred viếng thăm Sài Gòn đấu với đội bóng địa phương gồm các cầu thủ Việt và Pháp. Kể từ dạo đó, bóng đá không ngừng được phát triển với đội bong đầu tiên của người Việt thành lập năm 1908, đội Gia Định Sports do ông Ba Vẽ là người sáng lập.
Kể từ dạo ấy, bóng đá được nhiều người yêu thích, đặc biệt phát triển ở Nam kỳ với đội bóng Ngôi sao Gia Định để lại nhiều tiếng tăm trong lịch sử bóng đá nước nhà thuở đầu. Dần dà về sau, không chỉ có giải bóng đá được tổ chức nội bộ theo kỳ, mà còn thi đấu với các đội bóng trong khu vực Đông Dương hoặc Đông Nam Á. Tỉ như năm 1928 đội bóng Cochinchina đấu với với đội Singapore, rồi nhiều lần đội Ngôi sao Gia Định đấu với các đội bóng từ tàu Anh ghé Sài Gòn... Thậm chí, đội tuyển An Nam dạo tháng 9/1928 từng đá với đội tuyển Pháp ở Singapore.
Bóng đá kể từ khi du nhập vào Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. |
Về bóng đá Việt Nam và Cao Miên, năm 1934 đội Ngôi sao Gia Định từng sang Nam Vang thi đấu với các đội bên nước bạn. Và từng có giải đá banh cúp Xuyên Đông Dương được tổ chức dành cho các đội Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và Cao Miên những năm 30.
Một trong những lần bóng đá Việt Nam và Cao Miên so tài, ấy là năm 1943. Báo Thể tháo Đông Dương (dạo ấy dùng thể tháo chứ không phải thể thao) số 67 ra ngày 27/2/1943 đưa tin về cuộc tranh cúp Lambert diễn ra tại sân Namvian (Nam Vang, tức Phnom Penh) với kết quả Nam Kỳ thắng Cao Miên (Camphuchia) với tỷ số 2-1. Theo tường thuật của báo này với tiêu đề "Quận về cúp Lambert, tại sân Namvian Nam Kỳ thắng Cao Miên 2-1" (quận về được hiểu là lượt về) mỗi năm hai đội Nam Kỳ và Cao Miên sẽ gặp nhau hai lần tại Sài Gòn và Namvian để đá lượt đi và lượt về, tranh cúp Lambert.
Kết quả của hai lượt đá được Thể tháo Đông Dương số 67 tường thuật chi tiết như sau: "Năm nay quận đi đấu tại Sài Gòn, đoàn đại biểu đất chùa Tháp đã bị đám anh hào Bến Nghé hạ 5-3".
Trong khi đó ở lượt về được miêu tả chi tiết:
"Ngày chúa nhựt 21 Février 1943 vừa qua, tại sân Namvian, hai đội lại gặp nhau để giải quyết sự hơn kém giữa hai toán cầu đại biểu hai xứ.
Báo Thể tháo Đông Dương số 67. |
Công chúng ở kinh đô Cao Miên quốc đi coi tuần nầy đông đảo lắm. Rốt cuộc Nam Kỳ lại thắng Cao Miên lần nữa, song lần này chỉ thắng khích (khít) nút mà thôi. Bên Cao Miên, người ta thấy có đủ mặt hảo thủ lương tài, nhưng bên Nam Kỳ, mới lần thứ nhứt, vắng mặt con "thần mã" Hòa, thành thử đoàn Nam chỉ còn trông cậy có một cánh mặt (cánh phải) trên thế công để làm nên chuyện mà thôi.
Trong trận nầy Cao Miên chống ngăn hẳn hòi lắm song nghệ thuật đã suy kém hơn hồi Penhorg, Nguyên, Cúi, Sang đang lúc hưng thạnh". Kết quả với hai trận toàn thắng, đội Nam Kỳ đoạt cúp Lambert. Còn độc giả chúng ta xem tường thuật của báo Thể tháo Đông Dương cách nay tới 76 năm thì thấy rõ ràng dạo đó, thuật ngữ dành cho môn bóng đá (khi ấy gọi là bóng hoặc banh tròn) còn rất ít ỏi là lối tường thuật, đưa tin thì thực là chân chất, mộc mạc chứ không được bay bướm như hiện tại.
Với bản lĩnh Việt Nam, U22 Việt Nam đang là niềm hy vọng giải cơn khát vàng bóng đá nam tại SEA Games 30. |