Trang News.asiaone mô tả trận Trung Quốc gặp Qatar thuộc vòng loại World Cup 2018 diễn ra tối nay bằng chữ "biểu tượng" và bỏ trong dấu ngoặc kép. Đây giống như cách mỉa mai. Sau những vụ đầu tư rầm rộ, Trung Quốc và Qatar lại chạm mặt nhau trong thế nhà giàu cũng khóc.
Bóng đá ở hai quốc gia này có điểm chung rất tham vọng, đầu tư bạo tay để "hóa rồng". Trung Quốc tốn 1 tỷ USD cho mục tiêu "hóa rồng" vào năm 2050, theo Giáo sư Simon Chadwick. Họ mong muốn đăng cai World Cup và giành luôn chiếc cúp vàng danh giá.
Trung Quốc đang tiến gần đến nguy cơ dừng bước sớm tại vòng loại World Cup 2018. |
Còn Qatar, sự khoe khoang giàu có được thể hiện qua con số 200 tỷ USD phục vụ cho World Cup 2022. Chỉ riêng mỗi sân vận động phục vụ cho World Cup tốn kém đến 10 tỷ USD. Từ thực tế đó, nhà sáng lập trang web bóng đá Trung Đông, Cameron Wilson nhìn thấy một cuộc chuyển giao quyền lực đang diễn ra.
Lúc 18h35 ngày 15/11, Trung Quốc sẽ tiếp Qatar ở loạt trận thứ năm của vòng loại World Cup 2018.
"Sự cân bằng về sức mạnh các nền bóng đá đang diễn ra. Châu Âu không còn giữ thế độc tôn nữa. Tiền bạc làm thay đổi mọi thứ. Việc Trung Quốc và Qatar chuyển mình cho thấy họ không hề kém về tiềm lực tài chính", ông Wilson nói với AFP. Đồng quan điểm này có Giáo sư Chadwick.
"Thật sai lầm nếu bỏ qua trận Trung Quốc gặp Qatar. Đây không phải cặp đấu giữa những quốc gia kém phát triển về bóng đá. Đây là màn so tài giữa hai đội tuyển có khát khao và tham vọng rất lớn giành quyền tham dự World Cup 2018", Giáo sư Chadwick phân tích.
Nhưng mặc cho rất nhiều tiền của được chi ra, Trung Quốc và Qatar lại lâm vào tình cảnh rất thảm hại. Tại vòng loại World Cup 2018, thành tích của Trung Quốc đáng xấu hổ hơn Qatar. Họ mới giành được 1 điểm sau 4 trận. Trong khi đó, đại diện Trung Đông có 3 điểm nhờ 3 trận hòa và 1 trận thua.
Qatar (áo đỏ) cũng không khá hơn Trung Quốc là mấy. |
Vì vậy, bất kỳ đội nào thất bại sau 90 phút tới đây coi như kết thúc giấc mơ dự World Cup 2018. Đó sẽ là một sự hổ thẹn. "Hiệu ứng dây chuyền sau trận đấu sẽ để lại hậu quả khó lường. Tham vọng một trong hai đội sẽ bị dội gáo nước lạnh", Giáo sư Chadwick bình luận.
Để cứu vãn tình thế, Trung Quốc dùng tiền lôi kéo HLV tài năng Marcello Lippi. Họ trả cho nhà cầm quân người Italy mức lương 20 triệu USD/năm. Còn Qatar nhờ tới Jorge Fossati, vị HLV dày dặn kinh nghiệm từng đưa Al-Sadd tới danh hiệu AFC Champions League năm 2011.
"Ở Nhật Bản, người ta cố gắng thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các đội bóng trẻ trong nước và thế giới. Còn tại Trung Quốc, khoảng cách là cả một Thái Bình Dương. Tôi chẳng tìm thấy nhân tài nào ở Trung Quốc cả",
Tom Byer nói.
Từ Trung Quốc tới Qatar, hai gã nhà giàu này đều cố gắng vẫy vùng để thoát khỏi nguy cơ lún sâu hơn. Trên ESPN, cây bút Michael Church nhìn thấy một sự vô nghĩa, đặc biệt với Trung Quốc. Ông viết: "Bóng đá Trung Quốc cần những sự đầu tư cơ bản, không phải dùng tiền để quyết định mọi thứ".
Để nói rõ vấn đề hơn, Tom Byer, giáo viên bóng đá từ New York đang làm việc cho Bắc Kinh Quốc An, mổ xẻ vấn đề: "Bạn có thể thuê và đuổi cổ những HLV và cầu thủ giỏi nhất thế giới, tuy nhiên không thể làm điều đó với các bậc phụ huynh hay văn hóa cần thiết để đảm bảo thành công. Tiền bạc mua được vinh quang ở cấp độ CLB, nhưng vô nghĩa ở đội tuyển quốc gia".
Tài phép của HLV Lippi có cứu được Trung Quốc? |
Vấn đề của Trung Quốc hệt như "xây nhà từ nóc". Ngay cả khi có được chữ ký của HLV Lippi, tương lai xán lạn chưa chắc mở ra. "Thuê ông Lippi như một gia đình giàu có đi thuê giáo sư trường Harvard chỉ để làm gia sư cho những đứa trẻ", người dùng phần mềm Wechat bình luận.
Với Trung Quốc và Qatar, họ đều mong chờ phép màu sẽ xuất hiện. Nhưng chiến thắng chỉ dành cho một đội và cái giá cho kẻ thất bại rất cay đắng. Dấu hỏi về sự xứng đáng sẽ dành cho Qatar nếu họ thua Trung Quốc trong bối cảnh World Cup 2022 được tổ chức trên quốc gia này.
Còn Trung Quốc, không ai biết quốc gia Viễn Đông này sẽ làm gì để nuôi tiếp tham vọng World Cup.
Bảng xếp hạng các đội tại vòng loại World Cup 2018. |