Sáng 15/9, tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gieo mình xuống bề mặt Sao Thổ, một phút rực sáng ngắn ngủi đánh dấu kết thúc của sứ mệnh kéo dài 13 năm.
Gizmodo đã có cuộc trò chuyện với các kỹ sư và nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) và trong khuôn viên của Học viện Công nghệ California (Caltech). Họ là những người đứng sau sứ mệnh Cassini từ khi con tàu chỉ là ý tưởng cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành.
Từ những nhà khoa học kỳ cựu đã gắn bó hàng chục năm với sứ mệnh không gian cho đến những người mới chỉ được tuyển dụng vài tháng, tất cả đều chia sẻ cảm xúc đan xen của niềm tự hào, sự kiệt sức và nỗi buồn khi đối mặt với “màn trình diễn cuối cùng” của Cassini.
Giám đốc dự án Cassini Earl Maize (phải) bắt tay với Bill Heventhal tại phòng điều khiển của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) ở Pasadena, California, Mỹ sau khi xác nhận sự kết thúc của phi thuyền Cassini, ngày 15/9. Ảnh: AFP/Getty. |
Từ biệt sứ mệnh Sao Thổ
“Tôi vẫn tự hỏi có phải nàng thơ của tôi đang thực sự biến mất hay không”, Jonathan Lunine, nhà khoa học liên ngành điều phối việc khám phá Titan, vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ, cho biết.
“Cassini sẽ luôn luôn là nền tảng cho sự nghiệp của tôi. Tôi mong đợi được dành nhiều thời gian làm việc với các dữ liệu hơn là lên kế hoạch mới”, ông nói.
David Doody, người giám sát các hoạt động trong thời gian thực, lại tóm gọn cảm xúc trong từ “sợ hãi”. “Sứ mệnh tuyệt vời này đang kết thúc và sẽ trôi vào cõi hư không”, anh nói với Gizmodo vài ngày trước khi Cassini lao mình xuống Sao Thổ.
Doody bắt đầu làm việc cho sứ mệnh Cassini từ năm 1997. Anh đóng vai trò giống như người điều tiết giao thông, phân phối những dữ liệu nhị phân của Cassini tới các trạm trung chuyển thích hợp.
Nhiệm vụ kết thúc để lại cho anh nhiều trăn trở nhưng không có nghĩa anh sẽ nghỉ ngơi. “Tôi còn cả đống tài liệu phải hoàn thành”, anh nói.
Màn hình máy tính ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) đếm ngược những phút cuối khi tàu Cassini rơi xuống khí quyển Sao Thổ. Ảnh: NASA. |
Trina Rey, người gắn bó lâu năm với Cassini, tham gia nhóm từ năm 1996 trong giai đoạn thử nghiệm con tàu. “Tôi đã được gọi tới các cuộc họp của chiến dịch trong 20 năm qua. Cuộc họp cuối cùng là vào ngày 12/9”, bà vừa nói vừa lấy khăn chấm nước mắt. Bà cho biết sẽ phải mất một thời gian để quên được thói quen này.
Cassini đã trả lời những câu hỏi. Nhưng giống như bất kỳ sứ mệnh nào khác, nó đã tạo ra thêm nhiều câu hỏi cần được trả lời.
Carl Murray, thành viên sứ mệnh Cassini
“Tôi nghĩ mình vẫn chưa chấp nhận được chuyện này”, Carl Murray tâm sự trong giờ ăn trưa khi Cassini đang thực hiện chuyến đi cuối cùng trên Sao Thổ hôm 14/9.
Murray gia nhập đội ngũ Cassini với nhiệm vụ sử dụng phép đo sao để phân tích các bức ảnh do phi thuyền gửi về. Nhờ phương pháp này, ông đã phát hiện ra Peggy, vệ tinh bí ẩn nằm ở rìa ngoài của vành đai Sao Thổ.
“Cassini đã trả lời những câu hỏi. Nhưng giống như bất kỳ sứ mệnh nào khác, nó đã tạo ra thêm nhiều câu hỏi cần được trả lời”, ông nói. “Có lẽ thứ hai sẽ là ngày đầu tiên để bắt đầu công cuộc tìm ra lời giải”.
Phút rực sáng của Cassini
Sau khi Cassini bốc hơi trong bão khí quyển Sao Thổ, tín hiệu vô tuyến cuối cùng cũng biến mất mãi mãi. Tâm trạng hụt hẫng và chết lặng như bao trùm lên gian phòng nơi các nhà khoa học theo dõi những phút cuối cùng của con tàu.
Sự căng thẳng choán lấy tâm trí mọi người, ngay cả những ai nghĩ mình không liên quan. Một phút buồn bã trôi qua, tiếng vỗ tay nổi lên và tiệc mừng được bắt đầu.
Các thành viên của sứ mệnh Cassini đội chiếc mũ trang trí hình Sao Thổ để kỷ niệm sứ mệnh Cassini trong buổi họp báo công bố kết thúc sứ mệnh của NASA ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL), California, Mỹ, ngày 15/9. Ảnh: AFP/Getty. |
“Tôi rất may mắn vì được là một phần của sứ mệnh này và được sống trong kỷ nguyên vũ trụ”, Andrew Ingersoll, một nhà khoa học khí quyển, xúc động nói. Ông đã có 27 năm làm việc với Cassini và luôn háo hức mỗi khi con tàu gửi về những mẫu khí quyển thu thập được để ông phân tích.
“Hydrogen và helium trôi nổi trên bề mặt Sao Thổ. Bất cứ thứ gì không phải là hydro hay heli nhất định là mưa rơi từ trên xuống!", ông giải thích.
Phía bên kia hội trường, John Casani, người quản lý dự án phóng tàu Cassini và Charles Elachi, cựu giám đốc giám sát các hoạt động của JPL và dẫn đường radar của Cassini, bày tỏ niềm tự hào về nhiệm vụ đã hoàn thành.
“Tôi cảm thấy thật tuyệt! Con tàu đã biến mất theo cách mà tôi muốn kết thúc cuộc đời mình: thật nhanh chóng!”, Casani nói.
“Và làm khoa học đến phút cuối”, Elachi nói đế thêm.
Trong cuốn sách của tôi, đây là một trong những sứ mệnh khoa học vĩ đại nhất mà đất nước này từng thực hiện.
Charles Elachi, cựu giám đốc JPL
Khi được hỏi về khám phá mà mình tâm đắc nhất, Casani trả lời không chút do dự: “Enceladus”.
Trong năm đầu tiên tới Sao Thổ, Cassini đã khám phá ra rằng vệ tinh băng giá này không chỉ chứa đại dương ngầm dưới lớp vỏ băng mà còn có các mạch nước phun trào. “Có những hòn đá nhỏ bên trong phun nước ra ngoài không gian. Thật không thể tin nổi”, ông nói.
"Trong cuốn sách của tôi, đây là một trong những sứ mệnh khoa học vĩ đại nhất mà đất nước này từng thực hiện", Elachi nhận định. Phát hiện hàng đầu của ông là những hồ nước và biển của vệ tinh Titan.
"Titan giống như Trái Đất, nhưng khí quyển ở đó toàn là khí thiên nhiên hóa lỏng", ông cho biết.
Những người sống cùng phi thuyền
Nổi bật trong chiếc áo màu cam, Kareem Badaruddin, người chịu trách nhiệm phát hiện và sửa chữa các vấn đề kỹ thuật của Cassini, cho biết cảm giác của anh lúc này là “mệt mỏi”.
20 năm trước, cũng trong hội trường này, Badaruddin đã có mặt để theo dõi phi thuyền Cassini được phóng lên vũ trụ. Khi đó, vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng.
Sau khi vụ phóng thất bại vì lỗi phần mềm, họ đã cùng nhau tới chứng kiến Cassini rời khỏi Trái Đất thành công vào ngày 15/10/1997. Chín ngày sau, con trai họ ra đời.
Các nhà khoa học theo dõi những phút cuối trước khi tàu Cassini bị phá hủy trong bầu khí quyển khắc nghiệt của Sao Thổ và hoàn toàn mất tín hiệu từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực ở California, Mỹ, ngày 15/9. Ảnh: AFP/Getty. |
“Con trai tôi và Cassini đã cùng nhau trưởng thành. Chúng tôi đến được Sao Thổ khi cậu ấy học lớp 1, khám phá mạch nước phun trào trên Enceladus khi cậu ấy học lớp 2”, anh nói.
Lúc này, Badarudding hồi tưởng lại tất cả. Anh nhớ những buổi sáng lạnh giá phải tới JPL từ lúc 3h30 khi trời còn tối đen để xử lý các vấn đề kỹ thuật cho Cassini.
Sáng 15/9, người thân của các kỹ sư và các nhà khoa học cũng có mặt tại hội trường. Rosina Maize nói bà tự hào về những thành tựu của chồng, Earl Maize, trong vai trò người quản lý chương trình của Cassini.
"Tôi có thể ở một mình vào dịp Giáng sinh hoặc mời tất cả nhà khoa học châu Âu về nhà của chúng tôi", bà nhớ lại thời điểm tàu thăm dò Huygens của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) tách khỏi Cassini vào ngày 24/12/2004.
Từ nhiều năm này, bà Maize vẫn ghi lại lịch trình của sứ mệnh Cassini lên cuốn lịch riêng. Bà tiết lộ ngoài ghi chú về “màn trình diễn cuối cùng” của Cassini ngày hôm trước, bà cũng viết thêm một lưu ý cá nhân vì đó là kỷ niệm ngày cưới của họ.