Ông Ba Đức bên tủ thờ trị giá 750 triệu đồng làm cho khách - Ảnh: Trường Giang |
Chiếc tủ thờ này được ông Ba Đức đóng theo đơn đặt hàng của một nữ trí thức ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông kể hôm khách xuống Gò Công xem hàng trưng bày rồi phác thảo ý tưởng chiếc tủ không đụng hàng với bất cứ ai, cha con ông toát mồ hôi hột, nửa muốn nhận nửa muốn từ chối. Vì lòng tự ái nghề nghiệp, ông quyết định ký hợp đồng và chấp nhận đánh cược với danh tiếng của mình suốt hơn 50 năm qua. Ông giải thích: “Hai năm trước tui đóng được cái tủ thờ 550 triệu đồng với 21 trụ là hú hồn hú vía rồi. Còn cái tủ 750 triệu đồng này tui vừa làm vừa hồi hộp, vì nếu khách không chịu lấy thì có nước đổ nợ dù họ đã đặt cọc 30%”.
Suốt hai tháng ròng đóng tủ, ông Ba Đức và người con trai thứ bảy Ngô Tấn Lộc không dám rời khỏi xưởng, lúc nào cũng đứng canh thợ làm để chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ.
Nghề đóng tủ thờ Gò Công được ông cố của ông Ba Đức là Nguyễn Văn Non khai sinh trên vùng đất này cách đây hơn 110 năm.
Tủ thờ Gò Công nổi tiếng vì được đóng bằng những loại gỗ quý, kiểu dáng đẹp, cẩn xà cừ tinh xảo. Thế nhưng khoảng năm 1985 trở đi nghề đóng tủ thờ Gò Công rơi vào khủng hoảng trầm trọng do kinh tế khó khăn, ít người có khả năng mua sắm tủ thờ đắt tiền.
Ông Ba Đức kể: “Lúc đó những thợ mộc ở xứ này thất nghiệp phải bôn ba khắp nơi từ Long An, đến Bạc Liêu rồi xuống Cà Mau kiếm sống bằng nghề đóng bàn ghế. Ở đây chỉ còn mấy cha con tui cố bám trụ lại. Tui vừa dạy nghề cho con, vừa động viên chúng: Nghề nào cũng có lúc suy, lúc thịnh. Hôm nay suy thì ngày mai, ngày mốt chắc chắn sẽ thịnh. Cứ nghe lời cha ráng làm rồi sẽ hết khổ thôi con”.
Những năm cuối thập niên 1990 kinh tế khá hơn, người mua sắm tủ thờ Gò Công nhiều hơn trước. Ông Ba Đức nhắn gọi những thợ mộc lành nghề đang lưu lạc khắp nơi trở về cùng ông gầy dựng lại nghề đóng tủ thờ. Dần dần nghề này phục hưng, nhiều thợ giỏi mở cơ sở sản xuất tủ thờ riêng làm cho làng nghề ở ấp Ông Non trở nên nổi tiếng.
Đi dọc quốc lộ 50 về hướng phà Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ, qua địa bàn xã Tân Trung chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy cổng chào ghi dòng chữ “Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công” và hàng chục cửa hàng, cơ sở sản xuất, buôn bán tủ thờ, bàn ghế bằng gỗ. Trong số này có tới gần chục cơ sở mang tên Ba Đức 1, Ba Đức 2... Ba Đức 8 của gia đình ông Ba Đức. Những hình ảnh ấy đã nói lên sự thịnh vượng của làng nghề này.
Ở tuổi 84, tóc đã bạc trắng nhưng ông Ba Đức vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hằng ngày ông vẫn vào xưởng truyền nghề cho thợ trẻ, tiếp đón khách nồng hậu để giải thích cặn kẽ, tư vấn họ nên đóng loại tủ thờ nào phù hợp. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của làng nghề tủ thờ Gò Công hàng chục năm qua và cũng là người sáng tạo những chiếc tủ thờ kiệt tác chỉ có ba trụ ban đầu lên 21 trụ rồi 30 trụ.
Anh Ngô Tấn Lộc (42 tuổi, con thứ bảy của ông Ba Đức) cho biết nghề đóng tủ thờ Gò Công là chân truyền, không phải thợ mộc nào cũng làm được. Cũng theo anh Lộc, hồi xưa đến giờ ba anh đã dạy thành nghề hàng trăm người thợ làm tủ thờ nhưng chưa lấy của ai đồng tiền công nào.
Xuất khẩu tủ thờ
Năm năm qua ông Ba Đức đã bán hơn 100 chiếc tủ thờ Gò Công cho Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp. “Họ về nước xem hàng rồi ký hợp đồng. Đóng xong tui chở lên TP.HCM gửi tàu chở qua cho họ. Có hai Việt kiều ở Úc thường xuyên đặt hàng mua tủ thờ để bán lại cho người Việt ở bên ấy” - ông Ba Đức nói.