John Duerden, một cây bút chuyên về thể thao châu Á đã có những lời nhận định về tiềm năng của AFF Cup so với sự phát triển của bóng đá thế giới.
AFF Cup 2018 được tổ chức từ đầu tháng 11, trong đó hai lượt trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 11 và 15/12. Theo tác giả, đây sẽ là "màn trình diễn hấp dẫn nhất thế giới trong khoảng thời gian cuối năm".
Thái Lan thành công nhất trong lịch sử AFF Cup với 5 lần vô địch. Ảnh: AFF Cup. |
Thực trạng của giải đấu khu vực tại châu Á
Duerden viết: "Theo ước tính, sân vận động Jakarta của Indonesia sẽ có sự xuất hiện của 90.000 cổ động viên (CĐV), điều tương tự cũng xảy ra tại Kuala Lumpur. Còn ở Việt Nam năm 2008, cả nước thậm chí còn đổ ra đường ăn mừng thâu đêm vì thành tích lần đầu tiên vô địch khu vực".
Để nói về Đông Nam Á, không ít người gọi đây là "vùng trũng" của bóng đá châu lục. Tuy nhiên, xét theo bình diện nhận được sự quan tâm của người hâm mộ, môn thể thao vua ở khu vực này có thể tạo nên sự phấn khích cao độ và cả nỗi thất vọng tột cùng, còn hơn cả những giải đấu tại những khu vực phát triển hơn như Nam, Tây và Đông Á.
Có thể lý giải rằng những đội tuyển quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Iraq đã đủ sức mạnh để vươn ra biển lớn châu lục và thế giới, nên không còn mặn mà gì với những đấu trường khu vực. Những giải đấu mang tính bó hẹp như vậy chỉ là môi trường mang tính chất hữu ích, cọ xát chứ không được chú trọng cấp thiết.
Bằng chứng là giải đấu Đông Á từng một hai lần không tổ chức và ít khi nhận được sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Với những cầu thủ đã chơi ở châu Âu và không thể trở về phục vụ đội tuyển quốc gia (ĐTQG), các đội tuyển Hàn Quốc hay Nhật Bản chỉ coi đấu trường khu vực như một cơ hội để chứng minh năng lực bên cạnh mặt trận quốc nội.
Bên cạnh đó, giải đấu tại Tây Á lại khá được quan tâm nhưng việc thắng hay thua chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến sự nghiệp của cầu thủ. Tệ hơn, Nam Á chưa phát triển lắm về chuyên môn cũng như tình yêu với môn thể thao này.
Các cầu thủ Timor Leste (áo đỏ) chiến đấu kiên cường để giành suất chơi tại AFF Cup 2018. Ảnh: AFF Cup. |
Bóng đá Đông Nam Á cuồng nhiệt bậc nhất châu lục
Ngược lại, Đông Nam Á lại cho thấy niềm đam mê bất tận với trái bóng tròn. Tại đây, một số đội đang ở giữa bảng xếp hạng châu lục, đồng nghĩa với việc họ hiếm khi đủ điều kiện để tham dự Asian Cup (dù điều này đang dần thay đổi khi cúp châu Á nới rộng từ 16 lên 24 đội trong năm 2019).
World Cup vì thế cũng là giấc mơ xa vời. Có lẽ mọi thứ phải đợi đến năm 2026 mới khả quan hơn một chút khi FIFA tăng số đội châu Á tham dự lên con số 48. Vì vậy, không có quá nhiều cầu thủ trong những nước thuộc khu vực này mạo hiểm chơi bóng ở nước ngoài, các ĐTQG vẫn dồi dào lực lượng để bước vào giải đấu khu vực với quyết tâm giành chiến thắng.
Bị đánh giá là bóng đá non trẻ trong châu lục, AFF Cup (trước đó có tên là Tiger Cup) đã có bề dày tổ chức trong 22 năm, đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nền bóng đá của quốc gia trong khu vực.
Tất nhiên, bất kỳ giải đấu nào cũng không tránh khỏi bê bối, điển hình như việc Thái Lan và Indonesia năm 1998 đều muốn thua để tránh phải gặp chủ nhà Việt Nam trong vòng đấu tiếp theo. Rốt cuộc, Mursyid Effendi của xứ sở vạn đảo đã đá phản lưới nhà để giúp "Voi chiến" giành chiến thắng chung cuộc 3-2.
Sau đó, Đông Nam Á lại chứng kiến câu chuyện vô địch cổ tích của Việt Nam năm 2008, sự trỗi dậy của bóng đá Philippines từ năm 2010 nhưng rồi Thái Lan lại tiếp tục thống trị AFF Cup những năm trở lại đây.
Thành công của lứa U23 giúp đội tuyển Việt Nam nhận được sự kỳ vọng tại AFF Cup 2018. Ảnh: Việt Hùng. |
Tiềm năng của những đội tuyển Đông Nam Á
Hiện tại cho thấy ngọn lửa cạnh trách khốc liệt giữa những đội tuyển ở Đông Nam Á: Singapore đối đầu Malaysia, cường quốc khu vực Thái Lan chạm trán Indonesia. Nổi lên vào thời điểm này còn có Việt Nam và Philippines, trong khi Myanmar, Campuchia và Lào cũng đang dần có những bước chuyển biến tích cực.
Dĩ nhiên trong dài hạn, khi nền bóng đá khu vực ngày càng phát triển, các đội tăng chất lượng đội hình thì AFF Cup sẽ trở thành mặt trận mang tính chất "làm nóng" để chuẩn bị cho các giải lớn hơn, điều có thể thấy ở các khu vực khác. Thái Lan hiện nay là một ví dụ.
"Voi chiến" tại AFF Cup năm nay thiếu vắng 4 ngôi sao đang thi đấu ở Nhật Bản và Bỉ, nhưng đây cũng là cơ hội để những cầu thủ khác khẳng định giá trị của mình. Dù vẫn được đánh giá cao, sức mạnh của Thái Lan rõ ràng đã yếu hơn so với chính họ trong quá khứ. Đây sẽ là thời cơ lớn giúp những đội tuyển khác trong khu vực bước lên đỉnh vinh quang.
Ngoài Thái Lan, ESPN nhận định AFF Cup 2018 cũng đang chờ đợi nhiều ứng viên mới cho chức vô địch: "Sau thành công ở cấp độ U23 tại vòng chung kết châu Á đâu năm, Việt Nam đang rất khao khát được lặp lại thành tích đăng quang như năm 2008. Philippines cũng tỏ ra tham vọng được lọt vào trận chung kết đầu tiên trong lịch sử, còn Indonesia với phong độ phập phù khó đoán có thể đi rất sâu vào vòng trong, nhưng cũng không loại trừ khả năng 'ngã ngựa' ngay từ đầu".
Bên cạnh đó, tác giả cũng nhận định Malaysia và Singapore hiện tại không được đánh giá cao. Nhưng trong quá khứ, khi họ không phải chịu sức ép từ người hâm mộ, những ĐTQG này lại cho thấy màn trình diễn thuyết phục.
Theo thể thức thi đấu mới, AFF Cup 2018 sẽ chứng kiến một phiên bản hấp dẫn và cởi mở nhất từ trước đến nay: đông đội chơi, nhiều trận cầu hấp dẫn hơn đi kèm với số lượng CĐV đến sân theo dõi phong phú hơn.
Tựu trung lại, với tiềm năng phát triển của AFF Cup vào thời điểm hiện tại, những ĐTQG ở Đông Nam Á không chỉ dần đủ điều kiện để tham dự Asian Cup, mà hoàn toàn có thể hướng tới những sân khấu quốc tế lớn hơn, nơi giải đấu Đông Nam Á sẽ trở thành một bàn đạp phù hợp và hữu ích.
"Tất cả vẫn đang còn chờ thời gian trả lời, nhưng không chừng AFF Cup sắp tới sẽ là sân chơi lớn nhất của châu lục", cây bút John Duerden kết luận.
Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại bảng A AFF Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc. |