Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tử thần hiện hữu trên đất Lào sau 40 năm chiến tranh

Hàng trăm quả bom chưa nổ từ thời chiến nằm rải rác ở Lào là mối nguy hiểm rình rập người dân nơi đây.

Tháng 4/2014, quả bom nặng 226,8 kg mà chồng của Buan Kham cất dưới ngôi nhà phát nổ. Buam mất một phần chân trái, hai người con của cô mang thương tật vĩnh viễn và một người thu mua kim loại thiệt mạng. Sau 5 tuần chữa trị tại một bệnh viện ở thủ đô Vientiane, các bác sĩ lắp cho người phụ nữ này một chiếc chân giả. "Nó thật nặng nề. Tôi cảm thấy rất đau mỗi lần phải đeo nó", Buam nói. 
Mất khả năng lao động cũng như không thể chăm sóc nhà cửa, Buam sợ rằng một ngày nào đó, chồng cô sẽ bỏ đi và để lại hai đứa trẻ cho cô chăm sóc. Theo COPE, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương chuyên cung cấp các bộ phận giả và dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật, một phần ba số bệnh nhân của tổ chức này là nạn nhân của các vụ nổ bom.
Mai Khang, 30 tuổi, là một góa phụ và là mẹ của 4 đứa trẻ sống tại làng Khang Khae. Tháng 4/2012, khi Nengyong Yang, chồng của cô cố gắng chặt một cái cây trên ruộng lúa của gia đình, một trái bom phát nổ khiến anh mù hai mắt và mất khả năng lao động. Một tháng sau khi rời bệnh viện, Nengyong treo cổ tự tử.
"Tôi đã khuyên Nengyong nên hướng tới tương lai. Gia đình vẫn rất yêu anh ấy", Mai nói. Sau khi chồng mất, cô đốt các đồ dùng của anh để xua đuổi những linh hồn xấu xa ra khỏi căn nhà, nơi Nengyong từ bỏ cuộc sống. Bức ảnh này là một trong số ít những kỷ vật của chồng mà cô giữ lại.
Hầu hết nạn nhân của các vụ nổ bom sau chiến tranh là nông dân. Trên những cánh đồng, hàng trăm quả bom chưa nổ nằm rải rác trong lòng đất. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng 20.000 người thiệt mạng hoặc bị thương bởi đào trúng bom, mìn. Theo Guardian, khoảng 60% nạn nhân thiệt mạng, trong đó 40% nạn nhân là trẻ em.
Khu vực lòng sông cũng là nơi ẩn chứa những quả bom chưa nổ trong chiến tranh hơn 40 năm trước.
Một đội dò mìn đang kiểm tra một cánh đồng thuộc khu vực Man Som, tỉnh Xieng Khouang.
Xeng Thor, 16 tuổi, mang trên người những thương tật vĩnh viễn sau khi một quả bom chùm phát nổ. Peng, em trai 10 tuổi của Xeng, qua đời trong vụ nổ đó. Một năm sau khi tai nạn xảy ra, bàn tay của Xeng vẫn găm đầy mảnh bom. "Mỗi ngày, cháu đều thấy rất đau. Ngày trước, cháu có thể làm rất nhiều việc. Nhưng bây giờ, mới chỉ hoạt động một chút mà cháu đã cảm thấy mệt và đau ở lưng", Xeng nói.
Quả bom phát nổ trên cánh đồng mà hai anh em thường hái thuốc. Sau đó, gia đình Xeng Thor nhận được một khoản bồi thường nhỏ. Số tiền giúp họ mua được một con gà trống.
Ngày 24/11/1968, tại hang Tham Piu thuộc vùng ngoại ô Muang Khoun, lính Mỹ đã tàn sát 374 dân thường, những người trú ẩn trong hang để tránh các vụ oanh tạc.
Một phần của trái bom tại nhà ông Van Kham, 85 tuổi. Ông từng là một người thu nhặt kim loại trong vài năm sau khi chiến tranh kết thúc. Gia đình ông trở về khu vực Na Kuan sau khi sống 7 năm trong trại tị nạn. Khi trở về, họ phát hiện một khu vực rải rác bom chùm và pháo cối.
Chan Duong Ly, 85 tuổi, là một nhà sư trong tu viện Wat Phia Wat tại thành phố Muang Khoun. Trong chiến tranh, Mỹ không kích thành phố và phá hủy gần như toàn bộ nơi này. Năm 1966, quân đội Mỹ bắn phá tu viện bởi nghi nơi này là địa điểm tích trữ lương thực của quân giải phóng Việt Nam. Bức tượng Phật đen và nứt nẻ trong sân tu viện là một trong số ít các di tích còn lại của thời kỳ trước chiến tranh.
Hang Tham Sangja, ở làng Nong Tang, thuộc tỉnh Xieng Khouang, từng là nơi lực lượng Cộng sản Pathet của Lào sử dụng làm trạm y tế trong chiến tranh. Ngày nay, nhiều kỷ vật như ống tiêm và chai lọ từ những năm 60 vẫn còn rải rác trong hang.
Ông Kampuang Dalaseng, 84 tuổi, nằm trên mặt đất diễn lại cách ông tránh bom trong chiến tranh. "Tôi ghét người Mỹ kể từ ngày ấy. Họ đánh bom, đốt cháy và phá hủy mọi thứ. Nếu tổng thống của họ ở đây, tôi sẽ tát vào mặt ông ta", Dalaseng nói. 
Năm 1969, Dalaseng và gia đình trốn sang Việt Nam. Họ bắt đầu hành trình chỉ sau 4 ngày vợ ông sinh con. Năm 1975, họ trở về quê hương. "Cách duy nhất để Mỹ bù đắp cho những lỗi lầm mà họ gây ra là dọn sạch những quả bom, xây dựng hệ thống đường xá, trường học và bệnh viện", ông nói.
Xác một chiếc xe tăng PT-76 do Nga sản xuất tại khu vực Phou Khoun. Năm 1969, nó bị trúng bom của quân đội Mỹ.
Nyoua Yang, 16 tuổi, sống tại tỉnh Nam Kha, mất thị lực mắt phải vào một buổi chiều năm 2009. Khi đó, cô dọn cỏ trên ruộng lúa của gia đình và vô tình cuốc trúng một quả bom chùm. "Tôi chỉ nhớ sau tiếng nổ, một mảnh đạn găm găm vào mắt. Khi đến bệnh viện, bác sĩ từ chối phẫu thuật bởi khi đó tôi quá nhỏ", Yang nói.
Dấu vết sót lại của cuộc oanh tạc của Mỹ tại khu vực Ban Khay, tỉnh Xieng Khouang. Hàng trăm hố bom vẫn nằm rải rác trong khu vực.
Học sinh tại làng Nông Tặng, tỉnh Xieng Khouang, đi bộ trên con đường, nơi từng là đường băng Lima Site L-108 do CIA sử dụng trong suốt cuộc chiến 40 năm trước.

Chiến tranh Việt Nam qua ảnh phóng viên quốc tế

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, lính VNCH đánh một người đàn ông bị tình nghi là quân Giải phóng là hình ảnh ấn tượng về Chiến tranh Việt Nam trên báo nước ngoài.

Kim Ngân

Ảnh: Guardian

Bạn có thể quan tâm