"Nợ nần, bất bình đẳng và cái chết - nền kinh tế của 'Trò chơi con mực'" là tiêu đề bài viết của chuyên gia kinh tế Justin Himines tại Bloomberg Intelligence - một viện nghiên cứu trực thuộc Bloomberg. Bài viết được đăng tải ngày 12/10, theo thông tin của tờ Finance Today (Hàn Quốc).
Không chỉ Bloomberg, nhiều đơn vị truyền thông quốc tế như The Conversation, Forbes, The Guardian... cũng đăng tải bài viết nói về bức tranh xã hội tàn khốc ẩn sau bộ phim gây bão toàn cầu Squid Game.
Đây không phải lần đầu một sản phẩm nghệ thuật đến từ Hàn Quốc nhận được sự chú ý nhờ mang những thông điệp sâu cay về xã hội đương thời. Nhưng hiếm có tác phẩm nào tạo nên làn sóng phân tích, bình luận sôi nổi như Squid Game.
Từ ly cà phê ở Gangnam đến giấc mộng đổi đời đạp trên xương máu của 455 người
Trước khi Parasite và một số tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc gây chú ý nhờ thông điệp về khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, một ca khúc có giai điệu vui tươi và vũ đạo "ngớ ngẩn" đã làm được điều này, từ xấp xỉ 10 năm trước. Đó là Gangnam Style.
Bản hit Gangnam Style châm biếm lối sống phù phiếm của giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: Bussiness Insider. |
Gần một thập kỷ trôi qua, lời châm biếm về lối sống sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc, hay thậm chí vay nợ, để được uống một tách cà phê đắt tiền trên con phố ở quận Gangnam giàu có của thanh niên Hàn Quốc vẫn còn nguyên tính thời sự. Từng câu chữ, lời ca của Gangnam Style vẫn thấm thía và sâu cay tới hôm nay.
Squid Game ra đời sau Gangnam Style 9 năm, có hình thức thể hiện và màu sắc, hình ảnh hoàn toàn khác biệt, nhưng về bản chất lại đề cập chung một vấn đề. Đó là chênh lệch giàu nghèo và lối sống "flex" bất cần của bộ phận giới trẻ Hàn Quốc.
Trước tiên, cần nhìn nhận rõ Squid Game đề cập đến nhóm đối tượng nào. Đó là lớp người gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ, không có khả năng tự chi trả và chỉ trông đợi một phép màu đổi đời nào đó giúp họ vượt qua nỗi ám ảnh nợ nần.
Bài phân tích của The Guardian đã phỏng vấn Choi Young Soo - một thanh niên điển hình của lối sống ngập trong nợ nần tại Hàn Quốc. Trả lời câu hỏi về Squid Game, Choi đã nói: “Tại sao tôi lại phải xem phim về những con nợ cơ chứ? Tôi chỉ cần nhìn vào gương là được rồi”.
Không phải thiểu số, những người như Choi Young Soo đang chiếm tỷ lệ đa số trong đời thực, và cũng là người có mối đồng cảm sâu sắc nhất với 456 người chơi xuất hiện trong bộ phim. Họ đều là những người bị khoản nợ khổng lồ dồn đến đường cùng.
Đó là thực tế của xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Squid Game vẽ nên bức tranh về sự thất bại của chủ nghĩa tư bản Hàn Quốc. Ảnh: Netflix. |
Lối sống "flex" thể hiện bất bình đẳng kinh tế, xã hội
Nhiều năm qua, truyền thông quốc tế không ít lần đưa tin về lối sống "flex" hay "sibal biyong" của người Hàn. Đây là những từ chỉ về cách tiêu tiền "vung tay quá trán" của giới trẻ, họ sẵn sàng nhịn đói hoặc "ngủ bờ ngủ bụi" để dành tiền mua quần áo và túi xách hàng hiệu, nghỉ dưỡng xa hoa ở các resort 5 sao.
Những hình ảnh tận hưởng tiện nghi xa hoa, hoặc xách trên tay món đồ hiệu bản giới hạn có thể thu hút lượng lớn "like" và hàng nghìn bình luận ca ngợi, ghen tỵ trên mạng xã hội. Nhưng ẩn sau những khoảnh khắc hào nhoáng ấy, có thể là những chiếc thẻ tín dụng nợ xấu hàng trăm triệu won, hoặc có thể là những thanh niên thất nghiệp, không biết tương lai ngày mai đi đâu về đâu.
Ban đầu, "sibal biyong" là cụm từ chỉ việc một người nào đó chi tiền để tạo niềm vui cho bản thân sau khi trải qua một sự việc tồi tệ. Chi tiết nha sĩ Yoon Hye Jin (Shin Min Ah) lập tức mua đôi giày cao gót trị giá hơn 2.000 USD để an ủi bản thân sau khi bị đuổi việc trong phim Hometown Cha-Cha-Cha là ví dụ điển hình của "sibal piyong".
Nhân vật Yoon Hye Jin (Shin Min Ah đóng) trong Hometown Cha-Cha-Cha là điển hình của người theo lối sống "sibal biyong". Ảnh: tvN. |
Tuy nhiên, tình trạng bấp bênh về kinh tế, khó xin việc làm và chênh lệch thu nhập giàu - nghèo quá cao ở Hàn Quốc dần khiến định nghĩa "sibal biyong" bị biến tướng, trở thành cụm từ ám chỉ lối sống xa hoa bất chấp tiềm lực tài chính bản thân.
Nói về vấn đề này, Forbes đã phỏng vấn nhiều thanh niên Hàn Quốc và đưa ra kết luận họ đều tuyệt vọng vì xác định bản thân không thể mua nhà, không thể kiếm được việc làm ổn định trong xã hội hiện đại và phải gánh trên vai quá nhiều chi phí. Do đó, họ quyết định vung tay mua niềm vui cho mình, dù chỉ là niềm vui ngắn ngủi.
Trên Bloomberg, Justin Himanes phân tích vì mức lương cơ bản dành cho những người không xuất thân từ giới nhà giàu quá thấp, và không hề tăng lên trong những năm qua dù vật giá và chi phí đời sống lại liên tục leo thang.
Do đó, giới trẻ Hàn Quốc phải vay nợ để chi trả các chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu sống đúng mức thu nhập họ có được, những thanh niên thuộc tầng lớp bình dân này sẽ bị khinh thường, chẳng hạn họ sẽ bị bạn bè cười chê nếu chỉ dùng túi vải bình thường thay vì xách một chiếc túi da đến từ thương hiệu xa xỉ.
Áp lực chồng áp lực, giới trẻ - đang được gọi là "thế hệ sampo" - đua nhau vay nợ tín dụng. Họ có thể vay nợ để tiêu xài, hoặc để đầu tư kinh doanh, mua bất động sản hoặc mua tiền ảo chờ ngày sinh lãi. "Thanh niên Hàn Quốc cho rằng đầu cơ là cách duy nhất để thành công về mặt tài chính", Bloomberg nhận định.
Các nhân vật trong Squid Game đều gánh trên vai áp lực kinh tế khổng lồ. Ảnh: Netflix. |
Nhưng không phải ai vay tiền để đầu tư kinh doanh cũng thành công, điển hình nhân vật Choi Young Soo của The Guardian. Theo bài viết, vợ chồng Choi đã vay tiền để mở cửa hàng ăn uống, nhưng sau đó rơi vào tình trạng phá sản vì kinh doanh khó khăn trong giai đoạn Covid-19 bùng phát. "Họ phải đi vay nhiều hơn ở nơi khác để trả lãi khoản vay ban đầu. Vợ chồng Choi đang chịu khoản nợ từ quỹ tín dụng đen với lãi suất đến 17% một tháng", tờ này viết.
"Thế hệ sampo", như đã đề cập bên trên, là thế hệ trẻ gặp rắc rối về kinh tế, việc làm và mắc kẹt trong vòng xoáy của chênh lệch giàu nghèo tại Hàn Quốc. Họ tuyệt vọng, và sự tuyệt vọng đẩy người trẻ đến quyết định cực đoan. Điều này lý giải cho việc Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
"Hell Joseon" và cuộc sống địa ngục của người chơi Squid Game
Ở tập 2 Squid Game với tựa đề "Địa ngục", nhân vật Oh Il Nam nhận định cuộc sống xã hội bên ngoài mới thực sự là địa ngục của hơn 200 người sống sót qua vòng một cuộc chiến sinh tồn.
"Sau khi trở ra, tôi mới thấy lời họ nói đều đúng. Địa ngục ngoài đây còn đáng sợ hơn", Oh Il Nam nói với Sung Gi Hun (Lee Jung Jae đóng).
"Địa ngục" được đề cập đến trong phim không phải hòn đảo nơi diễn ra cuộc chiến sinh tồn để giành 45,6 tỷ won, mà là cuộc sống thường nhật ở xã hội Hàn Quốc hiện đại. "Địa ngục" trong lời thoại nhân vật ắt hẳn xuất phát từ thuật ngữ "Địa ngục Joseon" (Hell Joseon).
"Hell Joseon" là thuật ngữ châm biếm bắt nguồn từ giới trẻ và trở nên đặc biệt phổ biến vào giai đoạn 2015. Cụm từ nhằm ám chỉ cuộc sống tồi tệ của người Hàn, với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, điều kiện lao động đi xuống, văn hóa công sở nảy sinh tình trạng bắt nạt chèn ép... ở Hàn Quốc.
Nhân vật Oh Il Nam nhận định cuộc sống ngoài xã hội mới là địa ngục thực sự. Ảnh: Netflix. |
Không chỉ giới trẻ gặp rắc rối, người lớn tuổi tại Hàn Quốc cũng gặp nhiều vấn đề. Một nghiên cứu được đăng tải trên Finance Today cho biết khoảng 43% người trên 65 tuổi kiếm được ít hơn một nửa mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình Hàn Quốc. Mạng lưới an sinh xã hội, hỗ trợ người cao tuổi cũng luôn trong tình trạng bấp bênh.
"Thực tế này là lý do những người tham gia Squid Game gọi thế giới bên ngoài là 'địa ngục'", Finance Today trích lời của nhà kinh tế học Jimenez.
Nếu Parasite là bước khởi đầu, vạch rõ ra vấn đề chênh lệch giàu nghèo, thì Squid Game là bước tiến sâu hơn để cho thế giới thấy cuộc sống chịu ảnh hưởng sâu sắc của vấn nạn bất bình đẳng xã hội ở Hàn Quốc.
Nhìn nhận tổng thể về bộ phim, Forbes viết: "Đằng sau sự phổ biến toàn cầu của Squid Game là tình hình bất ổn kinh tế của cả quốc gia".