Phố Sách Xuân năm nay có sự tham gia của 24 nhà xuất bản và đơn vị phát hành, thêm 1 gian của báo xuân là tổng số 25 gian trưng bày.
Ngày đầu tiên của Phố Sách Xuân mà tôi có mặt đến gần nửa đêm để hòa vui với người dân thủ đô. Nhiều người rất hạnh phúc với không gian mới và đặc sắc này.
Phố Sách Xuân trở thành điểm hẹn của người dân Hà Nội mỗi độ xuân về. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến rất sớm và đi tham quan từng gian sách. Ông tâm sự rằng đây là mô hình mới và rất hay, cần được phát huy và nhân rộng.
Thầy thuốc Nguyễn Minh Đức ngồi thưởng thức trà và chia sẻ về các cuốn sách ông đã mua trong ngày khai mạc này. Ông còn đưa cả em trai, con gái và cháu gái đi vui chơi với sách và mua sách.
Tác giả Đặng Hoàng Xa thì dành thời gian ngồi chia sẻ với bạn đọc về văn hóa đọc tại các nước mà mình đã đi qua cũng như những tâm huyết của ông về cuốn sách ông đang ấp ủ và sắp hoàn thành.
Tôi rất ấn tượng khi thấy Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi thăm từng gian sách, hỏi han ân cần, động viên những tác giả, dịch giả, biên tập viên và nhân viên phát hành sách.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chọn mua sách ở Phố Sách Xuân. Ảnh: Minh Hoàng. |
Để ủng hộ Tết Sách và tinh thần lì xì sách, mừng tuổi sách, chúng tôi đã “lì xì” Chủ tịch TP Hà Nội 2 cuốn sách Phụng sự để dẫn đầu và Lãnh đạo bằng trí óc, trái tim và khí phác.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói ông sẽ đọc sớm nhất để ứng dụng vào công việc và cuộc sống. Ông cũng chọn mua cho mình cuốn Kẻ trăn trở của tác giả Lương Hoài Nam.
Viết đến đây tôi chợt nhớ lại Hội sách Bangkok (Thái Lan), nơi tôi hay đến. Lần nào lãnh đạo quốc gia này cũng đi từng gian hàng để thăm và động viên các đơn vị xuất bản.
Năm ngoái, vì là khách mời nên tôi được tháp tùng công chúa Thái Lan đi thăm các đơn vị xuất bản tham gia hội sách và không thể tin được rằng bà đã dành hơn một tiếng đồng hồ chỉ để thăm các công ty sách.
Tôi nhớ đến lễ khai mạc hội sách lớn nhất Frankfurt hồi tháng 10 năm ngoái. Đến dự lễ khai mạc có Thủ tướng và vua của nhiều nước. Hội trường mấy nghìn chỗ ngồi mà không còn 1 ghế trống.
Lễ khai mạc không có người giới thiệu mà danh sách các diễn giả và thứ tự phát biểu cũng như thời gian được in sẵn và để ngay trên từng ghế ngồi và hiện trên các màn hình lớn.
Khách mời cũng được phát các tai nghe có phiên dịch ra nhiều thứ tiếng để bất cứ ai, dù biết hay không biết tiếng Đức, tiếng Anh, cũng đều có thể hiểu và cảm nhận.
Tôi nhớ đến hội sách Bắc Kinh cũng vào tháng 10/2016 khi số lượng đơn vị tham gia đạt con số kỷ lục. Công tác đón tiếp khách mời khá tốt và chuyên nghiệp. Hội sách Bắc Kinh luôn được xếp là một trong 4 hội sách lớn nhất thế giới (cùng với hội sách Mỹ, Anh và Đức).
Tôi nghĩ về hội sách Kuala Lumpur và Jakarta mà tôi được tham gia. Ngoài việc bán sách cho độc giả, các hội sách khu vực ASEAN đang chú tâm mạnh đến nội dung và đẩy mạnh các hoạt động bản quyền.
Các hãng phim, hãng truyền hình, games, công nghiệp giải trí,… tham gia ngày càng đông chứ không chỉ dừng lại ở các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách.
Muốn hay không, những người làm công tác xuất bản và các nhà lãnh đạo, quản lý cũng nên dành thời gian đến với Hội sách Frankfurt - hội sách giao dịch bản quyền lớn nhất thế giới với hơn 7,100 cơ quan và đơn vị đến từ gần 110 quốc. Hội sách Frankfurt có đến 4.200 sự kiện và hơn 10.000 nhà báo từ khắp thế giới đến đưa tin.
Tôi mong đến một ngày, những ngày hội sách của Hà Nội và TP.HCM cũng có website hay thậm chí facebook bằng tiếng Anh. Tôi mơ đến một ngày sẽ có các nước làm khách mời danh dự (Guest of Honor) hoặc quốc gia trọng tâm (Country of Focus) hoặc Việt Nam chúng ta sẽ làm khách mời danh dự của các nước khác.