Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 29/7 đã kêu gọi các nhân viên văn phòng tháo bỏ cà vạt như một biện pháp tiết kiệm năng lượng. Nhiều người ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ sự cần thiết của hành động này.
“Tôi muốn các bạn thấy rằng tôi không đeo cà vạt”, Thủ tướng Sanchez nói, mỉm cười và chỉ vào chiếc áo sơ mi hở cổ trong cuộc họp báo ở Madrid, theo CNN.
Theo ông, giúp bản thân thoải mái hơn cũng là một cách tiết kiệm năng lượng nhờ sử dụng điều hòa ít hơn. "Điều này có nghĩa tất cả đều có thể tiết kiệm năng lượng", ông giải thích và nhấn mạnh yêu cầu tất cả bộ trưởng và quan chức nhà nước ngừng đeo cà vạt. Ông cũng hy vọng khu vực tư nhân sẽ làm theo.
Cùng ngày, chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ áp dụng một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng "khẩn cấp", tương tự các nước châu Âu khác.
Đây là động thái mới nhất của Tây Ban Nha trước cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine. Vào giữa tháng 5, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro nhằm tăng cường năng lượng tái tạo và giảm tiêu thụ năng lượng để chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Khó khăn chồng chất
Hiện nay, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, và thực tế là hầu hết Liên minh châu Âu (EU) đều đang đối mặt với tình trạng gia tăng nhiệt độ và giá năng lượng, cùng mối đe dọa cắt nguồn cung khí đốt từ Nga.
Tất cả gây áp lực ngày càng lớn lên người dân ở các nước châu Âu, buộc họ phải kìm hãm mức tiêu thụ.
Pháp sẽ phạt những cửa hàng để cửa mở trong lúc đang sử dụng điều hòa không khí. Ảnh: Shutterstock. |
Tuần trước, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher đã ban hành sắc lệnh yêu cầu phạt 765 USD đối với những chủ cửa hàng để cửa mở khi đang bật điều hòa ở mức tối đa. Bà giải thích rằng hành động này là "vô lý" và khiến “năng lượng tiêu thụ tăng hơn 20%", theo Guardian.
Dạo qua một số khu phố ở Paris, người dân có thể thấy hết cánh cửa này đến cánh cửa khác đang mở, mỗi chiếc đều có một ống thoát khí khổng lồ từ máy điều hòa hắt ra vỉa hè, chưa kể các cửa hàng bách hóa luôn mở rộng cửa, thổi không khí lạnh vào đường phố nóng bức.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, sông băng lớn nhất ở phía nam dãy Alps, trên đỉnh Mont Blanc, đã tan chảy một nửa khối lượng, Le Monde đăng trên trang nhất hôm 30/7.
Trong khi đó, số vụ cháy rừng thiêu rụi những con sông lớn của châu Âu tăng gần gấp 4 lần mức trung bình trong 15 năm, kéo theo sự hoảng loạn về môi trường.
Trước tình hình đó, chình phủ Pháp đã chuẩn bị những biện pháp cụ thể. Từ 1-6h hàng ngày, các công ty không được phép chiếu quảng cáo ngoài trời, những người vi phạm có nguy cơ bị phạt khoảng 1.562 USD.
Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiệt độ trong nhà không thể vượt quá 18 độ C vào mùa đông hoặc dưới 26 độ C vào mùa hè. Gara đậu xe, hoàn toàn không có đèn chiếu sáng, trừ trường hợp xe hoặc người đến và đi.
Chính phủ và một loạt tập đoàn lớn đã chuẩn bị các kế hoạch "giảm tải" sâu rộng cho mùa đông sắp tới. Trong đó, Carrefour, chuỗi 1.700 siêu thị khổng lồ, dự định nướng gà sớm hơn một giờ vào lúc 7h hàng ngày để lưới điện hoạt động tốt hơn, theo Financial Times.
Dường như Pháp đang là quốc gia có nhiều lợi thế hơn khi đối phó với cuộc khủng hoảng carbon. Ở quốc gia này, năng lượng từ lâu đã có mức giá rẻ hơn nhiều so với Mỹ, phần lớn nhờ các nhà máy phát điện hạt nhân.
Italy cũng đang chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp bao gồm tắt đèn chiếu sáng tượng đài, đóng cửa các tòa nhà thương mại lúc 19h, và áp đặt mức nhiệt làm mát hoặc sưởi ấm tối đa vào mùa hè và mùa đông trong tất cả tòa nhà công cộng, trừ bệnh viện.
Nỗi sợ hãi về mùa đông sắp tới
Vấn đề lớn nhất trong khu vực này là mức năng lượng tiêu thụ lớn kết hợp sự phụ thuộc sâu vào khí đốt tự nhiên từ Nga. Do đó, nỗi sợ hãi về mùa đông sắp tới với nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt, dường như đang lấn át nỗi sợ về thiệt hại do sử dụng quá nhiều carbon trong mùa hè.
Trên thực tế, hàng chục quốc gia EU phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga, thậm chí vượt qua mức trung bình 40% của cả châu Âu.
Đức tắt đài phun nước để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: New York Times. |
Đức đang đi trước hầu hết nước láng giềng trong việc khắc phục “cơn nghiện” khí đốt Nga. Thành phố Hanover đang cắt hết nước nóng, kể cả qua vòi hoa sen, trong mọi tòa nhà công cộng, theo BBC.
Thậm chí, Berlin được cho là sẽ tắt đèn giao thông không cần thiết vào ban đêm. Theo S&P Global Commodity Insights, vào tháng 6, Đức đã chuyển sang giai đoạn hai trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp, đề xuất thiết lập 4 trạm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi và 2 trạm cố định ngoài khơi vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Pháp đang có kế hoạch khởi động lại nhà máy nhiệt điện than ở Saint-Avold thuộc vùng Moselle, miền Đông nước này, theo Le Monde. Nhà máy đã đóng cửa vào tháng 3, giờ đây dự kiến trở lại vào ngày 31/10.
"Chúng ta không muốn cắt giảm năng lượng, nhưng lại muốn chấm dứt các hoạt động gây ô nhiễm", Le Monde dẫn lời ông Macron từng nói vào ngày 14/7, đồng thời nhắc lại cam kết đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than ở Pháp.
Paris cũng được cho là muốn xây dựng một trạm LNG nổi ở cảng Le Havre, phía bắc nước này, và 2 trang trại điện gió ngoài khơi ở bờ Địa Trung Hải.
27 thành viên Liên minh châu Âu, ngoại trừ Hungary, đã phê chuẩn việc cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa đông. Có thể thấy, khách hàng nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ, có thể thay đổi vĩnh viễn nhu cầu của khối.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những biện pháp này sẽ được ủng hộ như thế nào khi thời tiết châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, sẽ chuyển mình vào cuối mùa thu, bước vào một mùa đông tàn khốc với lượng khí dốt dần cạn kiệt.