Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 (1945-2020) và chuẩn bị tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập mục tiêu cụ thể hướng tới dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước. Theo đó, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Trao đổi với Zing, ông Layne Hartsell - giáo sư nghiên cứu về triết học công nghệ tại Viện châu Á, nhà đồng sáng lập Verixeum Technologies - nhận định đích đến của Việt Nam là trở thành một trong "những con hổ châu Á", tương tự "kỳ tích sông Hán" mà Hàn Quốc từng trải qua.
"Kỳ tích sông Hán" là cụm từ được dùng để đề cập đến thời kỳ công nghệ hóa thần tốc của Hàn Quốc diễn ra từ giai đoạn giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. So với các quốc gia khác, Hàn Quốc chỉ mất một nửa thời gian để chuyển mình từ nước nông nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc công nghiệp.
Cùng với Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore, Hàn Quốc giờ được xem là một trong bốn con rồng kinh tế của châu Á. Đây là quốc gia châu Á thứ hai trong lịch sử có nền kinh tế đạt tới ngưỡng phát triển, chỉ sau Nhật Bản.
Phát triển chóng mặt
Sau Chiến tranh Triền Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 64 USD/năm. Đến thập niên 1960, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ tương đương các nước nghèo tại châu Phi và châu Á.
Năm 1963, tướng Park Chung Hee trở thành tổng thống Hàn Quốc. Dưới thời của ông, toàn bộ đất nước từ đống tro tàn của Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu quá trình tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục nhờ các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp nặng và hiện đại hóa nhanh chóng.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee có đóng góp lớn vào "kỳ tích sông Hán" của nước này. Ảnh: Getty Images. |
Cùng với đó là nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học - công nghệ lớn ra đời, chất lượng giáo dục được cải thiện toàn diện, mức sống 52 triệu dân được nâng cao, những tòa nhà chọc trời, đường cao tốc nối liền các thành phố lớn mọc lên hàng loạt.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Hàn Quốc trong vòng 40 năm kể từ năm 1961 đến năm 2000 là 7,83%. Chỉ số này từng chạm ngưỡng kỷ lục 14,83% vào năm 1973, 14,54% năm 1969 và 13,12% năm 1976.
WB cho biết GDP Hàn Quốc năm 1960 chỉ vỏn vẹn 3,957 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 1985, GDP quốc gia này lần đầu vượt ngưỡng 100 tỷ USD và tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. 21 năm sau, GDP Hàn Quốc vượt mốc 1.000 tỷ USD và đạt 1.619 tỷ USD vào năm 2018.
Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nền kinh tế Hàn Quốc hiện đứng thứ 21 trên tổng số 205 nước trên thế giới với tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 30.000 USD, đứng thứ 30 toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Hàn Quốc từ năm 1960 đến năm 2018. Ảnh: Ngân hàng Thế giới. |
Với chiến lược đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tận dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ, duy trì lãi suất cao và các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng từ 32 triệu USD vào năm 1960 lên 10 tỷ USD năm 1977. Năm 2016, tổng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của nước này chạm ngưỡng 494 tỷ USD.
“Hàn Quốc vươn lên từ nước chủ yếu nhận viện trợ từ nước ngoài thành nước phát triển chỉ trong vài chục năm. Chìa khóa thành công của quốc gia này là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng vẫn thận trọng với các nhà đầu tư quốc tế”, ông Emanuel Pastreich - Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), ứng cử viên độc lập trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 - nói với Zing.
Tự cung khoa học
Theo ông Emanuel, Hàn Quốc chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đảm bảo rằng khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu tự cung khoa học của quốc gia này. Vào đầu những năm 1960, các chính sách mở cửa nền kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc bật lên từ tro tàn chiến tranh, nhất là với nguồn tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, tỷ lệ tiết kiệm thấp và thị trường nội địa nhỏ bé.
Dòng FDI được hỗ trợ tích cực nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt tiền tiết kiệm trong nước. Song song với đó, những tập đoàn gia đình trong nước như Hyundai, Samsung và LG nhận được các ưu đãi lớn từ chính phủ Hàn Quốc như giảm thuế, cho vay giá rẻ và cho phép đẩy mạnh khai thác.
Thông qua mô hình công nghiệp hóa xuất khẩu này, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn phát triển công nghệ mới và nâng cao hiệu quả sản xuất để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Các tập đoàn gia đình trong nước như Hyundai, Samsung và LG được chính phủ hỗ trợ tích cực để cạnh tranh toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Ngành công nghiệp thép và đóng tàu đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong giai đoạn này. Năm 1973, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch phát triển ngành công nghệ hóa chất và ngành công nghiệp nặng bao gồm công nghệ đóng tàu, kỹ nghệ ôtô, máy phát điện, máy móc hạng nặng và máy móc diesel.
Cũng trong năm này, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc chạm ngưỡng kỷ lục 14,83% và duy trì ở ngưỡng cao vào những năm tiếp theo.
Trên Tạp chí Nghiên cứu Hệ thống thế giới, chuyên gia Kyoung-ho Shin và Paul S. Ciccantell nhận định các ngành công nghiệp nặng như sản xuất ôtô và tàu thủy đã thống trị nền kinh tế Hàn Quốc trong những năm 1980.
Ứng dụng công nghệ
Kể từ năm 1990, các nhà sản xuất Hàn Quốc bắt đầu lên kế hoạch đổi mới sản xuất công nghệ cao. Tháng 6/1989, một hội đồng bao gồm các quan chức chính phủ, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhau lập kế hoạch sản xuất đối với các sản phẩm trong mảng vật liệu mới, kỹ thuật điện tử, điện tử, hóa học, hàng không vũ trụ và cơ điện tử, bao gồm robot công nghiệp.
Cùng với các mặt hàng thuộc lĩnh vực dệt may, tàu thủy, ôtô và thép, sản phẩm điện tử trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc vào giai đoạn này.
Hàn Quốc cũng là một trong số ít quốc gia phát triển tránh được suy thoái kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cuộc khủng hoảng khiến tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này lao dốc xuống 0,2% vào năm 2009. Nhưng chỉ vỏn vẹn một năm sau, GDP Hàn Quốc đã bật tăng 6,2% với sản lượng kinh tế chính là hàng công nghệ xuất khẩu.
Theo giáo sư Layne Hartsell tại Viện châu Á, các yếu tố như đầu tư quốc tế, phát triển công nghệ, lực lượng lao động trong nước và hệ thống chính sách xã hội là chìa khóa giúp một nền kinh tế bật lên vị thế hàng đầu.
Hàn Quốc tăng trưởng chóng mặt sau nửa thế kỷ. Ảnh: Reuters. |
Bình luận về công cuộc công nghệ hóa của Hàn Quốc và Trung Quốc, giáo sư Layne cho biết họ đã “đưa các chuyên gia và người lao động trẻ tuổi sang nước ngoài để học hỏi kiến thức về công nghệ và kỹ thuật, đồng thời mang nhiều phương pháp sản xuất về nước và gia tăng khả năng đổi mới”.
Trả lời Zing về triển vọng của Việt Nam, ông chia sẻ: "Chẳng hạn, Việt Nam đã gửi các sinh viên đến Hàn Quốc để nghiên cứu về chất bán dẫn. Những sinh viên này sau đó trở lại giảng dạy hoặc nghiên cứu nhằm gia tăng kiến thức và kỹ năng sản xuất tại Việt Nam".
"Tôi từng có cơ hội dạy và làm việc với một vài người trong số họ ở Viện Tiên tiến Sungkyunkwan tại Hàn Quốc. Những bước phát triển như vậy sẽ dẫn đến các phát minh và đổi mới. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ đẩy mạnh nội địa hóa, từ đó xây dựng mạng lưới sản xuất rộng lớn với nguồn mở và ứng dụng kỹ thuật số", giáo sư Layne nói thêm.