Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Từ ‘Mark Zuckerberg của Nga’, CEO Telegram trở thành kẻ bị truy nã

Quan điểm về tự do ngôn luận đã giúp Pavel Durov tạo ra một trong những nền tảng lớn nhất thế giới. Song, chính sự nổi loạn cũng đẩy ông vào thế đối đầu với nhà chức trách.

Hơn 10 năm trước, khi Nga yêu cầu Pavel Durov khóa tài khoản của các chính trị gia phe đối lập trên Vkontakte - mạng xã hội tương tự Facebook do ông thành lập - Durov đã phản hồi bằng một bức ảnh đầy thách thức. Ông đã đăng ảnh một chú chó mặc áo hoodie đang thè lưỡi.

“Đây là phản hồi chính thức của tôi dành cho các cơ quan tình báo đã yêu cầu chặn phe chính trị đối lập”, ông viết.

13 năm sau, thái độ chống đối chính quyền của CEO Durov đã đẩy ông vào một rắc rối mới. Lần này là tại Pháp.

Ngày 24/8, ông bị bắt ở Pháp để điều tra về hoạt động tội phạm trên Telegram, mạng xã hội nhắn tin ông thành lập vào năm 2013. Cho đến nay, mạng xã hội này đã phát triển thành một nền tảng toàn cầu, nổi tiếng nhờ nói không với kiểm duyệt nội dung, kiểm soát hành vi người dùng.

Ngày 26/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai đề cập đến vụ bắt giữ Durov, nói rằng Pháp “ủng hộ quyền tự do ngôn luận”. "Nhưng trong một nhà nước được quản lý bởi pháp quyền, các quyền tự do đều được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực”, vị tổng thống khẳng định.

Vụ bắt giữ Durov làm rúng động giới công nghệ. Elon Musk, chủ sở hữu của X, và Edward Snowden, nhà tình báo Mỹ trốn sang Nga sau khi tiết lộ thông tin mật, nằm trong số những người lên tiếng bảo vệ Durov. Hashtag #FreePavel lan truyền trên X, châm ngòi cuộc tranh luận về vai trò của các công ty công nghệ trong việc kiểm soát nội dung online.

Telegram cho biết công ty tuân thủ luật pháp của Liên minh Châu Âu. “Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm cho những người lạm dụng nền tảng đó”, công ty nói.

Tư tưởng nổi loạn của CEO Telegram

Sinh năm 1984 tại Liên Xô, Durov cùng gia đình chuyển đến miền bắc Italy khi mới 4 tuổi. Niềm đam mê lập trình từ sớm, cùng với sự tiếp xúc với các nền tảng như Facebook đã giúp Durov tạo ra Vkontakte - “Facebook của Nga” - vào năm 2006.

Nền tảng này nhanh chóng trở thành mạng xã hội thống trị tại Nga, nhưng sự thành công của nó cũng thu hút sự chú ý của chính quyền. Họ yêu cầu ông cung cấp thông tin về người dùng Vkontakte.

Mark Zuckerberg cua Nga anh 1

Mạng xã hội Vkontakte được mệnh danh là “Facebook của Nga”. Ảnh: Bloomberg.

Durov cho biết ông đã bắt đầu xây dựng Telegram để trở thành một phương tiện liên lạc an toàn hơn, sau khi lực lượng an ninh Nga xuất hiện tại nhà riêng vào năm 2011. Ông vừa điều hành Vkontakte, vừa xây dựng Telegram.

Song, chính phủ Nga đã gửi cho ông một tối hậu thư: giao dữ liệu về người dùng Vkontakte hoặc mất quyền kiểm soát công ty và buộc phải rời khỏi đất nước.

“Tôi đã chọn vế sau”, Durov nói.

Trong một bài đăng trên Telegram sau khi Durov bị bắt, cựu Thủ tướng Nga Dmitri A. Medvedev nói CEO Telegram “muốn trở thành một kẻ xuất chúng của thế giới, sống sung túc dù không có quê hương”, nhưng “ông ấy đã tính toán sai”.

Đôi lúc, tư tưởng đối lập với chính phủ của Durov đã trở nên thái quá. Năm 2013, ông đã tông một cảnh sát Nga trên chiếc Mercedes ở St. Petersburg. Theo một cựu nhân viên của Telegram, ông còn chạy trốn khi bị yêu cầu tấp vào lề và lái xe trên vỉa hè để tránh ùn tắc. “Khi bạn tông vào một cảnh sát, điều quan trọng là phải lái xe qua lại để trốn thoát”, vị CEO viết trên Vkontakte.

Năm 2012, ông Durov và các nhân viên của Vkontakte còn gấp hàng trăm Rúp Nga, ném chúng thành máy bay giấy ra ngoài cửa sổ văn phòng ở St. Petersburg. Hành vi này đã dẫn đến một vụ ẩu đả trên đường phố bên dưới.

Mark Zuckerberg cua Nga anh 2

CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: Bloomberg.

Đến năm 2014, ông rời Nga do áp lực ngày càng tăng từ chính phủ và định cư tại Dubai, nơi ông thành lập trụ sở của Telegram.

Mạng xã hội yêu thích của tội phạm

Mặc dù Telegram có số lượng người dùng ngày càng tăng, gần chạm mốc một tỷ người dùng trên toàn thế giới, phong cách lãnh đạo của Durov vẫn không thay đổi.

Nền tảng này từ lâu đã nổi tiếng bởi quan điểm chống chính quyền và theo đuổi tự do ngôn luận của CEO Durov. Là một người theo phe lạc quan công nghệ (techno-optimists) và sẵn sàng mỉa mai chính quyền trên mạng, ông tin rằng các chính phủ không nên kiểm duyệt những gì mọi người nói hoặc làm trên Internet.

Tôn chỉ đó đã giúp Telegram trở thành một ứng dụng trò chuyện phổ biến của người Nga, người Iran và những cộng đồng sống dưới các chính phủ độc tài. Nhưng cách Durov thả tự do cho người dùng trên nền tảng này cũng đã thu hút những kẻ khủng bố, kẻ cực đoan, buôn súng, lừa đảo và buôn bán ma túy.

Durov cho rằng bí mật quan trọng hơn việc kiểm soát chặt chẽ phát ngôn trực tuyến. “Quyền riêng tư quan trọng hơn nỗi lo sợ về những điều tồi tệ xảy ra, chẳng hạn như khủng bố”, ông viết vào năm 2015.

“Để thực sự được tự do, bạn nên sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để có được tự do", trích một bài viết khác của Durov trên Instagram vào năm 2018.

Kể từ khi rời khỏi Nga, Durov đã sống “nay đây mai đó” cùng với các kỹ sư của Telegram. Các nhân viên cũ cho biết ông chuyển địa điểm vài tháng một lần. Ông từng sống ở Barcelona, ​​Bali, Berlin, Helsinki và San Francisco, ngay cả khi đặt trụ sở chính thức cho Telegram ở Dubai.

Mark Zuckerberg cua Nga anh 3

Telegram nổi tiếng là nền tảng giúp tội phạm núp bóng. Ảnh: Bloomberg.

Các nhân viên cũ cho biết ông trực tiếp tham gia vào việc phát triển Telegram. Vị CEO ưu tiên các tính năng mới và trải nghiệm người dùng hơn là việc kiếm tiền hoặc tuân thủ các quy định của chính phủ.

Khi Telegram nổi tiếng, việc ông Durov “thả cửa” cho các nội dung chính trị đã dẫn đến nhiều lời chỉ trích. Các nhà hoạch định chính sách, thực thi pháp luật và nhà nghiên cứu bảo mật cho biết ứng dụng này đã trở thành thiên đường cho thông tin sai lệch, tuyên truyền khủng bố, chủ nghĩa cực đoan cực hữu, buôn bán ma túy, khiêu dâm trẻ em và buôn bán vũ khí.

Trong những năm qua, Telegram đã gỡ bỏ một số nội dung như lạm dụng tình dục trẻ em hoặc các bài đăng nhằm mục đích kích động bạo lực. Nhưng chính quyền rất thất vọng khi Durov tỏ ra thiếu hợp tác. Các chuyên gia bảo mật cũng cảnh báo rằng công cụ này, không sử dụng các tiêu chuẩn mã hóa giống các app như Signal, không an toàn như Telegram luôn nói.

Theo dữ liệu của công cụ VPN Surfshark, Telegram đã phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn ở 31 quốc gia.

Hôm 26/8, các công tố viên Pháp cho biết Durov đang bị giam giữ để điều tra các tội liên quan đến khiêu dâm trẻ em, lừa đảo, buôn bán ma túy và rửa tiền. Chính quyền Pháp ghi nhận sự thiếu hợp tác của Telegram với cơ quan thực thi pháp luật. Durov vẫn đang bị giam giữ và có thể được gia hạn đến 28/8.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Ly do CEO Telegram bi bat hinh anh

Lý do CEO Telegram bị bắt

0

Pavel Durov, CEO của Telegram, đã bị bắt tại Pháp với cáo buộc tiếp tay cho tội phạm trên ứng dụng, bao gồm cả việc phát tán tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm