Bangkok Post dẫn lời Đại tướng Apirat cho rằng tin đồn về vụ đảo chính là vô căn cứ. "Các lực lượng chính trị nhất định cố tạo tin đồn về cuộc đảo chính mang tính đe dọa. Rất nhiều sự kiện [vốn không liên quan] lại được sử dụng để tuyên bố khả năng xảy ra đảo chính. Điều này là vô căn cứ", ông Apirat khẳng định, đồng thời cáo buộc truyền thông làm dấy lên tin đồn.
"Tôi nói với binh sĩ rằng từ giờ trở đi họ phải rất cẩn trọng trong mọi hành động, tránh việc trở thành mục tiêu [mà các phương tiện truyền thông nhắm đến với âm mưu đảo chính]", Đại tướng Apirat nói với các phóng viên sau cuộc gặp với các sĩ quan cao cấp của Quân đội Hoàng gia Thái Lan hôm 13/2.
Xe thiết giáp được nhìn thấy ở phía bắc Bangkok hướng về tỉnh Lopburi, làm dấy lên tin đồn xảy ra đảo chính ở Thái Lan. Ảnh: Twitter/ Andrew MacGregor Marshall. |
Theo ông Apirat, các binh sĩ sẽ được triển khai để hỗ trợ tại các địa điểm bỏ phiếu theo quy định của Ủy ban Bầu cử. Tại cuộc họp, Tư lệnh lục quân Thái Lan cũng yêu cầu các sĩ quan cao cấp thông báo cho cấp dưới tuân thủ nguyên tắc trung lập về chính trị.
Kể từ ngày 9/2, tin đồn về vụ đảo chính bắt đầu được lan truyền ở Thái Lan sau khi xe tăng quân đội xuất hiện trên đường phố các tỉnh Sa Kaeo, Prachin Buri và Chon Buri. "Đoàn xe tăng lúc đó đang trên đường tới tham gia một cuộc tập trận", Đại tướng Apirat nói và "kêu gọi người dân đừng hoảng sợ hoặc trở thành con mồi cho những cá nhân muốn bóp méo tình hình bằng phương tiện truyền thông".
Trước đó, công chúa Ubolratana gây sốc khi trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Thai Raksa Chart tranh cử vị trí thủ tướng. Tuy nhiên chỉ sau đó vài giờ, nhà vua Maha Vajiralongkorn, em trai của công chúa, cho rằng hành động ứng cử của chị gái là "không phù hợp" và vi hiến.