Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công chúa Thái Lan xin lỗi sau cuộc tranh cử 'chết yểu'

Công chúa Ubolratana, nhân vật chính của những ồn ào tại Thái Lan thời gian qua, đã lên tiếng xin lỗi người dân nước này vì gây phiền phức trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Chị gái của nhà vua Thái Lan, sau khi bị ủy ban bầu cử nhà nước loại khỏi danh sách tranh cử thủ tướng, đã công khai xin lỗi hôm 12/2 vì tạo ra "những vấn đề" cho người dân nước này trước thềm cuộc bầu cử, theo Reuters.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Thái Lan kể từ cuộc đảo chính năm 2014, dự kiến diễn ra vào ngày 24/3.

Bình luận của công chúa, người có tên đầy đủ là Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi, được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan rút tên bà khỏi danh sách chính thức những ứng viên tranh cử thủ tướng.

cong chua Thai Lan xin loi sau that bai tranh cu anh 1
Công chúa Thái Lan Ubolratana. Ảnh: Reuters.

Lý do mà cơ quan này đưa ra là thành viên hoàng gia nên đứng ngoài các hoạt động chính trị, giống với lời khiển trách của quốc vương Maha Vajiralongkorn. Nhà vua Thái Lan cho rằng kế hoạch tranh cử của chị gái là "không phù hợp" và "vi hiến".

"Tôi xin lỗi, mong muốn được làm việc cho đất nước và người dân Thái Lan đã tạo nên những vấn đề không nên có vào lúc này", công chúa viết trên Instagram của mình sau khi xuất hiện trước công chúng ở miền Trung Thái Lan.

Công chúa kết thúc phát biểu của mình với một dòng hashtag, “#howcomeitsthewayitis” (tạm dịch: tại sao mọi thứ lại thành ra như thế này).

Trước đó, công chúa 67 tuổi đã gây chấn động Thái Lan khi tuyên bố tranh cử đại diện đảng Thai Raksa Chart, tổ chức được cho là có liên quan đến ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng bị lật đổ vào năm 2006. Ông Thaksin sống lưu vong từ năm 2008 để tránh án tù vì tội tham nhũng, nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng tới nền chính trị Thái Lan.

Đương kim thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cũng góp mặt trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 24/3 tới với tư cách ứng viên của đảng quân đội Phalang Pracharat. Thái Lan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau khi quân đội lật đổ Thủ tướng Yingluck, em gái ông Thaksin, trong cuộc đảo chính năm 2014. Ông Prayuth là tư lệnh quân đội hoàng gia Thái Lan vào thời điểm đó.

Bên cạnh việc công chúa ra tranh cử, tình hình Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử đầu tiên trong 5 năm vẫn đang rất phức tạp. Vào ngày 10/2, mạng xã hội nước này bắt đầu rộ lên tin đồn về khả năng đảo chính quân sự. 

Rộ tin đồn đảo chính ở Thái Lan, cảnh sát trong tình trạng báo động

Thái Lan đặt lực lượng cảnh sát chống bạo động trong tình trạng sẵn sàng tác chiến, bảo vệ các cơ sở trọng yếu tại tỉnh Phichit, động thái làm rộ tin đồn có âm mưu đảo chính.

Chính trường Thái 'địa chấn' với những can dự bất ngờ từ hoàng gia

Chiến dịch tranh cử kết thúc chóng vánh của công chúa Thái Lan là diễn biến mới nhất cho thấy sự tham gia ngày càng rõ nét của hoàng gia trên chính trường nước này.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm